"Làng mang thai hộ”

22/01/2021 - 09:23

PNO - Một vài ngôi làng ở thành phố Tiềm Giang (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) “nổi tiếng” với "nghề" mang thai hộ. Việc mang thai hộ đối với họ là một trong những cách thoát nghèo.

Sau vụ bê bối của diễn viên nổi tiếng Trịnh Sảng, chủ đề “mang thai hộ” xôn xao trên nhiều diễn đàn. Chuyên mục "Điều tra" của Đài truyền hình vệ tinh Sơn Đông đã cử phóng viên bí mật đến "làng mang thai hộ" ở thị trấn Hạo Khẩu (thành phố Tiềm Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) để tìm hiểu vấn đề.

Phóng viên trong vai một phụ nữ muốn làm người mang thai hộ, đã tiếp cận người dân trong làng. Nhiều người không ngại ngần kể nhiệt tình, rằng hơn mười năm về trước, trong làng đã có người lên thành phố lớn bí mật sinh con. Một số người này sau khi trở về đã làm “môi giới” cho “nghề” mang thai hộ.

Theo tiết lộ, tiền hoa hồng khi giới thiệu thành công một phụ nữ sẵn sàng mang thai hộ là 7000 nhân dân tệ (khoảng 25 triệu đồng).

Những người phụ nữ làm nghề mang thai hộ. Ảnh Sohu
Những người phụ nữ làm "nghề" mang thai hộ. Ảnh Sohu

Một người khoảng 40 tuổi chỉ vào dãy nhà gần đó: “Có người sinh hộ hai ba lần rồi, nhà kia mới đáng kinh ngạc hơn, mẹ chồng và con dâu cùng đi lên thành phố mang thai hộ”.

Phóng viên đi đến một ngôi làng khác cách đó không xa, nhiều phụ nữ trung niên xúm lại cùng đốt lửa và bàn tán sôi nổi về chuyện đẻ mướn. “Việc mang thai hộ từ lâu đã là chuyện công khai trong làng, người đi làm nghề này nhiều lắm”, một chị trong đó nói. “Trước đây, vì sợ người trong thôn nói này nói nọ nên cứ lén đi, bây giờ thì họ không ngại nữa”, chị khác tiếp lời.

Họ đã từng chứng kiến ​​nhiều cô gái vác bụng to về làng và “ngày ngày đánh bài, vui chơi thư giãn”. Ngoài ra, cũng có vài người bảo chồng hoặc mẹ chồng chăm sóc, tiền phí mỗi tháng được trả 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng).

Sau khi kiếm được tiền, hầu hết người dân trong làng sẽ xây nhà, mua nhà hoặc kinh doanh buôn bán. Thỉnh thoảng, cũng có một số cặp vợ chồng ham mê cờ bạc nên tiêu hết tiền, người vợ lại tiếp tục mang thai hộ lần nữa.

Mặc dù biết nghề mang thai hộ có thể gặp rủi ro nhưng nhiều người vẫn làm để kiếm tiền. Ảnh Sohu
Mặc dù biết "nghề" mang thai hộ có thể gặp rủi ro nhưng nhiều người vẫn làm để kiếm tiền. Ảnh Sohu

Dọc theo con đường trong làng mọc lên một dãy nhà mới toanh, trên mái có những tượng đầu sư tử dát vàng, đặc biệt chói lọi ở vùng quê. Một cụ già khoảng 70 tuổi cho biết, những ngôi nhà mới này được xây trong hai năm trở lại đây.

Theo người dân, hầu hết những phụ nữ mang thai hộ đa số từ 30 đến 40 tuổi, nhưng một số người có cháu rồi vẫn muốn đi làm “nghề”. Một phụ nữ trạc tuổi 50 thẳng thắn nói: "Sinh một đứa con kiếm được nhiều tiền như vậy, ai mà không muốn? Chẳng qua là chúng tôi già rồi không đi được!".

Trong thôn, cũng có những người không muốn kiếm tiền từ việc đẻ mướn, họ bày tỏ: “Phải giữ lòng tự trọng, nhân phẩm. Làm người phải biết đâu là giới hạn”. Họ lo lắng “sau này sẽ bị bệnh và lâu dài sẽ để lại di chứng”. Họ nghe nói, một số sản phụ có tuổi sau khi sinh con thì mắc bệnh cao huyết áp cao, có người thì qua đời ngay sau khi sinh con.

Tần Vũ (39 tuổi) là một trong những người "đẻ mướn" đầu tiên trong làng. Từ năm 2017 đến nay, cô đã trải qua nhiều lần mang thai hộ. Trước đó, mặc cho chồng cô phản đối, cô vẫn quyết đi để đổi đời. Sau khi trở về, giờ đây cô đã có nhà cửa khang trang, chồng cô cũng dần đồng tình. Cô còn giới thiệu chị gái và em dâu đi làm “nghề” này.  

Những căn nhà mới được xây dựng gần đây ở trấn Hạo Khẩu nhờ nghề mang thai hộ. Ảnh Sohu
Những căn nhà mới được xây dựng ở trấn Hạo Khẩu nhờ "nghề" mang thai hộ. Ảnh Sohu

Sau đó, chị gái của Tần Vũ lưu lại làm bảo mẫu ở cơ sở mang thai hộ, đồng thời cũng làm người môi giới. "Vốn dĩ, giá mang thai hộ bây giờ đã lên tới 160.000 nhân dân tệ (gần 600 triệu đồng). Do tôi làm "trung gian" đã lâu và có uy tín, cho nên chỉ cần là người tôi giới thiệu thì giá được nâng lên 170.000 nhân dân tệ. Bạn bè của tôi nhiều người tìm đến, họ đều sinh con theo hình thức này. Ai mà không muốn kiếm thêm cơ chứ?".

Đang nói chuyện thì điện thoại di động của cô ấy đổ chuông, lại là một người cần tư vấn về mang thai hộ. Chồng của Tần Vũ ngồi bên cạnh nói: "Rất nhiều người đến đây là do vợ tôi hoặc chị vợ giới thiệu. Đợi hết tết, người đến tìm chúng tôi còn nhiều hơn nữa, tới lúc đó chúng tôi sẽ bắt đầu chọn".

“Không có ký kết thỏa thuận với công ty, tất cả đều là thỏa thuận miệng", Tần Vũ nói thêm. Trước đó, có một người do cô giới thiệu gặp “trở ngại” sau 5 tháng mang thai hộ, công ty đã bồi thường 60.000 nhân dân tệ. Nếu ngay từ khi mới mang thai đã “trục trặc” thì chỉ được bồi thường 10.000 nhân dân tệ”.

Tần Dịch cố thuyết phục phóng viên (người đang đóng vai phụ nữ nghèo muốn mang thai hộ) bắt đầu uống thuốc mà không cần qua bất cứ kiểm tra nào: "Nếu hôm nay uống thuốc thì sẽ được nhận “lương” ngay. Sau 8 ngày uống thuốc sẽ đi kiểm tra sức khỏe, 3 ngày sau khi vượt qua đợt kiểm tra sức khỏe sẽ bắt đầu cấy ghép phôi! Thế đấy, chúng tôi làm việc chuyên nghiệp, 1 phút cũng không chậm trễ!".

Người phụ nữ kế bên từng mang thai hộ 1 lần cũng thuyết phục phóng viên: "Tôi đã từng chờ hơn một tháng mới được thu xếp tới lượt, nóng ruột chết đi được. Cô không cần phải đợi lâu, vậy là quá tốt rồi!...". Chưa kịp nói xong thì sắc mặt chị ta bỗng biến đổi, bộ dạng như buồn nôn, thật dễ nhận ra đó là dấu hiệu của chứng ốm nghén giai đoạn đầu.

Những người mang thai hộ này đều cho rằng việc làm của họ là do “cuộc sống ép buộc”, “nếu có tiền thì ai lại đi làm cái việc này”. Do vậy, dù biết đây là “nghề” phải đánh đổi cả tương lai, thậm chí là tính mạng, nhưng họ vẫn làm.

Vũ Hoài

(Theo Sohu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI