Mẹ ơi ăn gì?

Làm thế nào để nghĩ tới bữa cơm không thở dài?

03/12/2021 - 14:06

PNO - Làm thế nào để tới bữa cơm con vui, mình vui, cả nhà vui và khi đi xa sẽ luôn nhớ những bữa cơm nhà? Làm thế nào để mỗi bà mẹ khi tan làm, nghĩ đến bữa cơm mà không phải thở dài?

 

Vào bếp chế biến rồi ngắm nhìn các con ăn là hạnh phúc vô bờ của mỗi người mẹ, điều này đúng như chân lý. Thế nhưng, nếu nói việc chăm lo đủ ba bữa ăn mỗi ngày cho lũ trẻ là hết sức mệt nhọc đối với phụ nữ (chưa kể trường hợp con biếng ăn thì thực sự là ác mộng, gây stress triền miên) cũng không hề sai. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

1. Áp lực đủ dinh dưỡng, không còi xương, không béo phì, phát triển chiều cao và trí tuệ

Các bạn tôi thường nói vui đây là chuỗi áp lực chỉ thấy điểm đầu mà chưa thấy điểm cuối. Điểm đầu là sợ con thiếu dinh dưỡng - áp lực đầu tiên trên hành trình nuôi con của mỗi bà mẹ. Thời kinh tế khó khăn, nuôi con bằng nước cháo, nước cơm hay sữa mẹ thì lo nhất con mà còi xương, ốm yếu trong khi mẹ tròn trịa sau sinh sẽ lập tức bị gièm pha rằng mẹ gì đoảng, không biết nuôi con, ăn hết phần con…

Đến thời sữa công thức, sữa bột với vô số sự lựa chọn, mẹ lại ám ảnh với nạn dư cân, béo phì nhưng con vẫn thiếu canxi, đạm, vitamin, không đủ chiều cao…

Thực đơn cho con được các bà mẹ chu đáo tham khảo từ chuyên gia dinh dưỡng, bạn bè, người quen, YouTube… Mẹ càng chu đáo, thực đơn càng nghiêm ngặt và mẫu mực. Mẹ tiêu tốn biết bao thời gian, tiền bạc, công sức cho việc nuôi, chăm các con cho đủ dinh dưỡng, lớn khỏe. Vì tình yêu thương thì dĩ nhiên rồi nhưng vì chuỗi áp lực này cũng không phải ít. 

Để đủ dinh dưỡng, ăn ngon, không nhàm chán, công việc này không phải chỉ đi chợ, nấu, dọn… mà nặng nhất là việc… nghĩ thực đơn. Nhiều gia đình phải đến lúc trải qua mùa dịch, ăn cơm nhà đủ ba bữa mỗi ngày vì không gọi được đồ ăn nhanh hay ra quán đổi bữa, mới thấy rõ áp lực cho các bà mẹ.

Thật ra, rất nhiều gia đình, nếu có vài ba đứa trẻ, ngay từ khi chưa có dịch, sáng vừa mở mắt con gái lớn đã hỏi: “Mẹ, hôm nay ăn gì?”; trưa, con trai thứ nhắn tin: “Mẹ, chiều nay nấu gì?”; tối, vừa đứng lên dọn bàn, con út liền hỏi: “Mẹ, ngày mai ăn gì?”… đã đủ thấy quá áp lực rồi.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

2. Con lắc đầu là mẹ cất đi

Cô bạn tôi lấy chồng Tây, sau khi dọn đến một chung cư chưa được hai tháng thì chồng cô kiên quyết dắt vợ đi mua đất ở vùng ven, xây một căn nhà ở tít sâu trong đám vườn rậm rịt, không gần hàng xóm nào. Cô vợ, sau vài năm, trở thành một bà hội đồng đúng nghĩa.

Công cuộc bỏ phố về quê đột ngột của cô hóa ra là vì anh chồng khó tính từ lúc dọn về chung cư đã bị stress, cáu bẳn khi ngày nào cũng chứng kiến cảnh một bà (nội/ngoại/giúp việc) hoặc một cô/dì/mẹ/chị… đuổi theo một đứa trẻ đang chập chững hoặc lon ton chạy trên sân chung cư để đút cho nó ăn.

Dù cô vợ trẻ cam kết sẽ không để chuyện đó xảy ra với các con mình, nhưng anh chồng vẫn nhất mực đòi chuyển nhà và sắp xếp một cuộc sống tách biệt với các bà mẹ hàng xóm. Người đàn ông ấy sợ vợ mình bị ảnh hưởng, sợ con mình sẽ được nuôi lớn và chăm sóc theo phong cách tương tự. “Đó là anh ấy còn chưa chứng kiến những bữa ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ, trẻ con nhìn thấy chén cháo là quay đi và khóc còn người cho ăn thì lăm lăm trong tay cái điều khiển ti vi hoặc iPad để “thỏa thuận”… ăn đi thì mới được xem.

Ăn xong, đứa bé ói cái ào, lại một chén khác bù vô. Thấy cảnh này chắc anh ấy sẽ trầm cảm thật sự. Ở nhà mình, bọn trẻ có thể chỉ một cây xúc xích, quả táo… là xong bữa. Chúng lắc đầu, mẹ liền cất đi, không ép, không cố gắng nhồi vì chồng mình khẳng định khi đói chúng sẽ ăn.

Khi ăn, ai cũng phải ngồi vào bàn, ăn xong mới được chạy đi chơi hay học bài” - bạn tôi kể với vẻ thoải mái và khẳng định: “Hai con mình từ 16 - 17 tuổi đều cao vượt bố mẹ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Các bà mẹ Việt sẽ không ép con ăn, không bị áp lực chuyện nấu gì cho chúng ăn nếu có niềm tin vào tương lai sức khỏe của con và đừng lo lắng thái quá.

Sách về dinh dưỡng, thông tin trên mạng rất nhiều; chỉ một điều đơn giản nhất mà các bà mẹ hay sót: cho con vận động thì sẽ tiêu hao năng lượng, sẽ đói và sẽ tự ăn, chẳng cần phải ép”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Còn đây là một chuyện thật rất thường gặp khác.

Sáng

- Mẹ, Sóc không ăn cháo đâu!

- Ok, hôm nay mẹ con mình không ăn cháo. Mình ăn xúp rau bà cho, thêm tí gạo.
Trưa
- Mẹ, đây là cháo mà. Sóc không ăn cháo!
- Đây là xúp. Xúp được ăn trong đĩa, với bánh bao hoặc bánh mì. Rau xanh nấu với một tí gạo thôi. Cháo ăn trong tô hoặc chén và đâu có màu xanh như thế này.

Tối
- Bà ơi, bà làm gì đấy?
- Bà múc cháo cho mẹ con tập xong sẽ ăn tối.
- Mẹ bảo đó là xúp rau xanh nấu với một tí gạo, bà múc hết ra đĩa to nhất cho mẹ đi! Sóc không thích, nó giống y như cháo mà Sóc ghét đó bà!

Với một đứa trẻ 3 - 4 tuổi, bà mẹ cứ tưởng mình thông minh nhưng rõ ràng đánh tráo các khái niệm về khẩu vị và ẩm thực đã rất khó rồi.

Như thế, khi các con lớn hơn, làm sao có thể “lừa” chúng dễ dàng?!

Vậy nên nhiều người mẹ Việt đã dần dần tháo bỏ áp lực “ép ăn”, giảm đi sự áp đặt không phải chỉ để con bớt thấy chán hay sợ các bữa cơm mà để chính mình bớt căng thẳng. 

3. Ăn ngon mà vui, không khó

Để giảm gánh nặng, áp lực nấu gì, ăn gì cho chính mẹ và các con cần một quá trình “từ từ”.

Khi con còn bé, mẹ nên khuyến khích con tự xúc ăn, tự cảm nhận vị con thích dù có thể con sẽ lem luốc, thức ăn rơi vãi. Hãy mặc kệ vì con ăn xong đằng nào chẳng phải tắm rửa, dọn dẹp. Thay vì cho con ngồi trước màn hình máy tính, hãy rủ chúng cùng đạp xe, chạy bộ, chơi bóng, làm vườn, dọn nhà… Con sẽ thấy đói và ăn ngon miệng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Lớn một chút, mẹ hãy khuyến khích con tự chọn, tự trình bày, sáng tạo các món con thích trong những gợi ý nhất định về dinh dưỡng căn bản. Hãy cho con vào bếp cùng mình và đừng kiểu mẹ sẽ luôn nấu, con chỉ rửa chén, dọn dẹp vì như thế, hứng thú với món ăn của con sẽ dần bị triệt tiêu. 

Ví dụ hằng tuần nhà có hai ngày ăn món cá. Tùy sở thích của con mà có thể chế biến theo kiểu nướng giấy bạc, phi lê lăn bột chiên xù, chiên giòn hay ăn sống (như cá hồi)… thay vì chỉ nấu canh chua, kho tiêu, kho tộ kiểu truyền thống.

Muốn công cuộc ăn sạch, khỏe, đủ dinh dưỡng, khoa học… thành công, các bà mẹ không cần vắt óc chế biến món này món kia để lừa các cô cậu vốn đa phần hào hứng với khẩu vị của gà rán, pizza, burger, rong biển, thịt nguội… mà chỉ cần chấp nhận cho con thay thế các khẩu vị truyền thống bằng thứ chúng thích.

Ở nhà tôi, thay vì muối mè hay chà bông cá thu thuần túy truyền thống, mẹ cho thêm rong biển và mè trắng nguyên hạt rang thơm, trộn đều và đó chính là loại topping khiến bữa cơm chiều luôn được hoan nghênh. 

Các con có thể chọn thêm trái cây tráng miệng nếu ăn ít rau trong bữa chính. Nếu con không thích rau luộc thì đổi thành salad. Trái cây như bơ, chuối… có thể ăn thay cơm.

Tinh bột, thay vì cơm, có thể là các loại bánh kèm nhân tăng đạm có tôm, thịt, trứng như bánh xèo, bánh giò, bánh bột lọc… Nếu trót ăn nhiều bánh mì, bánh donut, bánh quy… thì cắt một bữa cơm cũng không sao. Đừng quan niệm cứng nhắc đó chỉ là món ăn chơi, không thay thế được bữa chính.

Cứ cân calorie, ta sẽ thấy các món bánh chẳng hề cung cấp ít năng lượng hơn cơm đâu. Nói chung, càng đa dạng thực đơn, càng cho phép các con thoải mái và dân chủ về khẩu vị, mẹ càng tự “giảm tải” cho mình. Càng bớt áp lực, cả nhà sẽ càng vui. 

Và vì vui, ăn gì cũng ngon. 

Lê Lan Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI