Kuwait - quốc gia dầu khí giàu nhất thế giới “cạn tiền”

03/09/2020 - 11:00

PNO - Năm 2016, khi Bộ trưởng Tài chính Kuwait thời bấy giờ Anas Al-Saleh cảnh báo rằng đã đến lúc phải cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị cho “cuộc sống sau dầu mỏ”, ông đã bị người dân của đất nước ngày càng trù phú nhờ dòng tiền đến từ nguồn dầu mỏ dường như vô tận chế giễu.

Bốn năm trôi qua, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới phải vật lộn để kiếm sống khi giá năng lượng giảm mạnh đã đặt ra câu hỏi sâu sắc về cách điều hành của các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Anas Al-Saleh, người đã nhìn thấy trước và cảnh báo về tương lai của cường quốc dầu mỏ Kuwait - Ảnh: Bloomberg
Cựu Bộ trưởng Tài chính Anas Al-Saleh, người đã nhìn thấy trước và cảnh báo về tương lai của cường quốc dầu mỏ Kuwait - Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, ông Al-Saleh đã rời khỏi chức vụ của mình từ lâu, ông qua một vị trí khác trong nội các Kuwait. Người kế nhiệm ông, Mariam Al-Aqeel nhận nhiệm sở vào tháng Giêng, hai tuần sau khi bà đề nghị tái cấu trúc dự luật tiền lương trong khu vực công, vốn là lực cản lớn nhất đối với tài chính quốc gia.  Bộ trưởng Tài chính Barak Al-Sheetan tháng trước đã cảnh báo rằng đất nước không có đủ tiền mặt để trả lương sau tháng 10.

Chậm điều chỉnh thói quen chi tiêu lớn khi doanh thu từ dầu mỏ giảm, các quốc gia vùng Vịnh đang tiến tới một thời điểm tính toán kinh tế, thúc đẩy cuộc tranh luận mới về tương lai của các quốc gia trong nhiều thập kỷ “mua lòng trung thành của người dân bằng sự hào phóng của nhà nước”.

Fawaz Al-Sirri, người đứng đầu công ty truyền thông chính trị và tài chính Bensirri ví von: “Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thức dậy và nhận ra rằng chúng ta đã tiêu hết số tiền tiết kiệm, nhưng không phải vì chúng ta không kiểm tra bảng sao kê ngân hàng của mình, mà vì chúng ta đã xem nó và nói, có lẽ đó là trục trặc ngân hàng, và sau đó đi mua một chiếc đồng hồ Rolex mới nhất”.

Rơi tự do

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Kuwait trong năm nay dự kiến ​​giảm xuống gần một nửa mức cao của năm 2014

Câu lạc bộ các nhà xuất khẩu dầu mỏ OPEC “đã hồi sinh” dầu thô từ mức giảm lịch sử trong năm nay, nhưng mức giá 40 USD vẫn là quá thấp. Đại dịch COVID-19 và sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo có nguy cơ khiến giá cả tiếp tục giảm xuống.

Ả Rập Saudi đang tìm cách khống chế lợi nhuận và áp đặt mức thuế. Bahrain và Oman, nơi dự trữ ít dồi dào hơn, đang vay mượn và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng giàu có hơn. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đa dạng hóa với sự nổi lên của Dubai như một trung tâm tài chính và hậu cần.

Tuy nhiên, ở Kuwait, sự bất đồng giữa quốc hội được bầu và chính phủ có Thủ tướng do Tiểu vương bổ nhiệm đã dẫn đến bế tắc về chính sách. Các nhà lập pháp đã ngăn cản kế hoạch phân bổ lại các khoản tài trợ của nhà nước và chặn các đề xuất phát hành nợ. Trong khi đó, chính phủ đã gần như cạn kiệt tài sản thanh khoản, nên không thể bù đắp thâm hụt ngân sách dự kiến ​​lên tới gần 46 tỷ USD trong năm nay.

Đó là sự “tụt dốc” dần dần đối với Kuwait, một trong những quốc gia vùng Vịnh năng động nhất hồi thập niên 1970, một đất nước có Quốc hội thẳng thắn, có di sản kinh doanh và nhân dân có học vấn cao.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán phi chính thức năm 1982 đã làm rung chuyển nền kinh tế Kuwait, đồng thời với sự bất ổn từ cuộc chiến tranh Iran-Iraq kéo dài gần một thập niên. Kuwait bắt tay vào chi tiêu để tái thiết sau cuộc tấn công của Saddam Hussein dẫn đến Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, và phải mất nhiều năm dòng dầu mới chảy tự do trở lại.

90% thu nhập của Kuwait vẫn dựa vào dầu khí. Nhà nước sử dụng 80% người Kuwait làm việc, những người kiếm được nhiều tiền hơn đồng nghiệp trong khu vực tư nhân. Trợ cấp về nhà ở, nhiên liệu và thực phẩm có thể đạt đến 2.000 USD một tháng cho một gia đình trung bình. Tiền lương và trợ cấp chiếm 3/4 chi tiêu của nhà nước đang tiến tới lần thâm hụt thứ bảy liên tiếp kể từ đợt sụt giảm giá dầu năm 2014.

Tiết kiệm cho cuộc sống

Nhưng Kuwait có rất nhiều tiền, tiền được cất giữ trong một quỹ không thể phá vỡ mang tên Quỹ Thế hệ Tương lai - quỹ lớn thứ tư thế giới với ước tính khoảng 550 tỷ USD. Đụng chạm đến quỹ này, vốn được thiết lập để đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước sau khi cạn nguồn dầu, là một đề xuất gây tranh cãi. Một số người Kuwait nói rằng “thời điểm” đã đến. Những người phản đối cảnh báo rằng nếu không đa dạng hóa nền kinh tế và tạo công ăn việc làm, số tiền tiết kiệm sẽ cạn kiệt trong 15-20 năm.

Quỹ tài sản đã ra tay giải cứu, mua hơn 7 tỷ USD tài sản từ Kho bạc trong những tuần gần đây. Quốc hội đã thông qua kế hoạch ngưng chuyển 10% doanh thu hàng năm từ dầu vào quỹ, giải phóng thêm 12 tỷ USD, nhưng không đủ để bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách.

Để làm được điều đó, chính phủ phải đi vay. Nhưng sau đợt phát hành trái phiếu Eurobond đầu tiên vào năm 2017, luật nợ công của Kuwait đã mất hiệu lực. Cảnh báo của Bộ trưởng Al-Sheetan về tiền lương được đưa ra khi ông cố gắng – không thành công – để thuyết phục các nhà lập pháp hỗ trợ kế hoạch vay lên tới 65 tỷ USD.

Sự bế tắc đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Vào tháng 3, tổ chức S&P Global Ratings đã xếp hạng Kuwait vào mức giám sát tiêu cực. Tiếp theo, Moody’s Investors Service cũng làm như vậy. IMF thì tuyên bố “cơ hội của Kuwait để giải quyết những thách thức từ vị thế sức mạnh đang bị thu hẹp”.

Fawaz Al-Sirri, giám đốc công ty truyền thông tài chính và chính trị Bensirri cho biết: “Hệ thống niềm tin ở Kuwait là chúng tôi ‘giàu đến vô cùng’, không ai có đủ vốn liếng chính trị để nói với người dân Kuwait rằng bữa tiệc sẽ sớm tàn, nếu chúng tôi không ủng hộ sự thay đổi”.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI