Kịp thời cứu sống nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng

08/06/2023 - 10:05

PNO - Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã cứu sống 4 bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.

Theo đó, bé N.T.Đ. (17 tháng, ở Đồng Tháp) được đưa đến nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mạch nhẹ, chân tay mát, da nổi bông, nhịp tim hơn 200 lần/phút. Bé Đ. sốt cao liên tục, bác sĩ chẩn đoán bé mắc tay chân miệng độ 4.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bé cho biết trước đó bé bị sốt, buồn nôn, ói, nổi hồng ban, mụn nước ở lòng bàn tay chân. Đến ngày thứ 3 sau bệnh, bé sốt giật mình chới với, trợn mắt run tay chân nên đưa đến nhập viện tại địa phương. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc tay chân miệng độ 3. Tuy nhiên, điều trị không cải thiện nên chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cấp cứu.

Sức khỏe bé C. đang dần cải thiện, được theo dõi sát tại bệnh viện, ảnh BV
Sức khỏe bé C. đang dần cải thiện, được theo dõi sát tại bệnh viện - Ảnh bệnh viện cung cấp

Kết quả các xét nghiệm cho thấy, bé Đ. còn tăng men tim, men gan tăng nhẹ, toan chuyển hóa nặng, nên lập tức đặt nội khí quản giúp bé thở, truyền dịch, vận mạch chống sốc, truyền thuốc điều hòa miễn dịch Gamma Globuline, Milrinone, an thần Midazolam, hạ sốt tích cực. 

Tuy nhiên, tình trạng bệnh của bé không cải thiện, phải lọc máu liên tục. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bé Đ. bớt sốt, nhịp tim giảm còn 136-140 lần/phút, huyết động ổn định, được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực.

Tương tự, bé V.N.M.C. (26 tháng tuổi, ở An Giang) cũng được chuyển đến sau 3 ngày mắc tay chân miệng, đã vào giai đoạn nặng. Bé nổi hồng ban, mụn nước ở lòng bàn chân, sốt cao, giật mình chới với, lừ đừ, thở rút lõm ngực,… 

Ê kíp bác sĩ phải đặt nội khí quản, truyền thuốc điều hòa miễn dịch, an thần, hạ sốt cho bé. Hiện tại, sức khỏe của bé đã cải thiện, huyết động ổn định. 

Vừa cấp cứu bé C., thì bé NT.H.P. (3 tuổi, ở An Giang) cũng được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố khi mắc tay chân miệng đã vào ngày thứ 5. Nặng hơn 2 bé trên, bé P. sốt cao liên tục, nhịp tim tăng nhanh, SpO2 dao động 93-99%, phải điều trị tích cực 3 ngày mới kiểm soát được bệnh.

Còn bé D.N.T.V. (3 tuổi, ở Tân Phú, TPHCM) tuy được nhập viện sau 2 ngày mắc bệnh nhưng bé diễn tiến rất nhanh. Mặc dù bé V. không nổi mụn nước, hồng ban, nhưng sốt cao, co giật toàn thân, dù đã được điều trị hạ sốt, chống co giật.  Bác sĩ tại bệnh viện nhận định bé mắc tay chân miệng độ 4, đặt nội khí quản, sử dụng thuốc chống co giật, chống phù não,… 

May mắn, sau 5 ngày điều trị tình trạng của bé có cải thiện, bớt sốt, hết co giật, nhịp tim giảm còn 130-136 lần/phút, huyết động ổn định, tỉnh táo, cai được máy thở..

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - cho biết tất cả 4 bệnh nhi trên đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng, kết quả nhiễm EV71.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý, các phụ huynh khi thấy con em mình biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng, thêm xuất hiện một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thương, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật,… hãy đưa ngay trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI