Không giấy phép vẫn lừa đưa người đi xuất khẩu lao động?

11/07/2015 - 08:39

PNO - PN - Không có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhưng Công ty (CT) TNHH tư vấn đầu tư phát triển Việt Nhật Vinh Ron (CT Vinh Ron - 28/1/21 Phan Đình Giót, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) vẫn ngang nhiên thu hàng nghìn USD mỗi học viên (HV), cam kết trong...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khong giay phep van lua dua nguoi di xuat khau lao dong?

Các nạn nhân trình bày sự việc

Thu của học viên từ 1.500-3.000 USD

Tiếp xúc với phóng viên báo Phụ Nữ, chị N.T.P. (SN 1988, ngụ Tây Ninh) kể trong nước mắt: được người quen giới thiệu, chị tìm đến CT Vinh Ron để tìm kiếm cơ hội sang Nhật làm việc. Sau khi được tư vấn làm hồ sơ, nộp bằng gốc phổ thông trung học, CT yêu cầu chị P. đóng 1.500 USD.

“Tháng 12/2014, tôi đóng 1.500 USD cho CT Vinh Ron, giấy nhận tiền do bà Nguyễn Thị Đoan Phương - chức vụ phó giám đốc ký. Trong biên nhận ghi rõ, khoản tiền thu là phí tư vấn và giới thiệu việc làm tại Nhật Bản, chi phí đào tạo tiếng Nhật, chi phí làm visa và thủ tục nhập cảnh tại nước sở tại, chi phí làm hồ sơ… CT Vinh Ron cũng cam kết sau thời gian học chương trình giáo dục tiếng Nhật và nghề (trong vòng sáu tháng), nếu người lao động (NLĐ) không có được visa nhập cảnh vào Nhật thì sẽ hoàn lại số tiền trên (không bao gồm chi phí đào tạo)".

Học tiếng Nhật được khoảng bốn tháng, quá lo lắng vì thấy tình hình im ắng, chị P. và một số HV định rút hồ sơ thì phía CT cho biết phải đóng thêm 1.000 USD nữa mới cho phỏng vấn. “Đã trót đâm lao nên phải theo lao, tôi về quê chạy vạy vay nóng khắp nơi, đến tháng 4/2015 tiếp tục đóng cho CT thêm 1.000 USD. Điều lạ là ở tờ giấy nhận tiền lần thứ hai, CT Vinh Ron lại “nâng” thời gian cam kết lên một năm, cụ thể “sau khi học nghề một năm nếu NLĐ không có visa nhập cảnh vào Nhật Bản thì CT sẽ hoàn tiền”. Khi tôi thắc mắc thì được giải thích do CT mới thành lập nên sáu tháng sẽ không đưa NLĐ đi được”, chị P. bức xúc.

Tương tự, anh N.T.N. (SN 1989, Bến Tre) kể: “Ngày 20/10/2014, tôi đến CT và được giới thiệu gặp một ông giám đốc người Nhật tầm 70 tuổi, tên Wada Hideta. Ông Wada hỏi tên tuổi, bằng cấp của tôi, kêu làm bộ hồ sơ và nộp toàn bộ bằng gốc mà tôi có, gồm một bằng đại học công nghệ thông tin, một bằng cao đẳng và hai chứng chỉ nghề, rồi yêu cầu tôi đóng 1.500 USD. Khác với biên nhận của chị P., giấy nhận tiền của tôi viết bằng tiếng Việt và cả tiếng Nhật, đóng hai dấu tròn và vuông chi chít tiếng Nhật. Quá sáu tháng vẫn không có visa, tôi có gặp ông Wada để xin lại những tấm bằng đã nộp thì ông ấy hẹn tôi ngày 3/7/2015 sẽ mang từ Nhật về cho tôi. Ông còn dặn khi nhận bằng tôi phải đóng thêm 1.000 USD. Nếu tôi rút hồ sơ về thì sẽ không được trả khoản tiền đã đóng trước đó. Tuy nhiên, đã quá ba ngày ông ấy hứa, tôi vẫn chưa nhận được bằng”.

CT Vinh Ron còn thu của anh T.T.D. (SN 1989, Bến Tre) 3.000 USD, chị Đ.T.T. (Củ Chi) 2.500 USD, L.N.S. (Đồng Nai) 1.500 USD, T.T.C. (Bến Tre) 2.500 USD, D.V.T. (Tây Ninh) 3.000 USD, N.Đ.P. (TP.HCM) 1.500 USD, L.B.A.D. (Đồng Tháp)… Được biết, hiện có gần 100 HV đang học tiếng Nhật tại CT Vinh Ron.

Khong giay phep van lua dua nguoi di xuat khau lao dong?

Bà Phương phân bua “Tôi không lừa gạt ai hết, học viên của tôi vẫn đang học bình thường”

Không có chức năng xuất khẩu lao động

Các HV cho biết, trong sáu tháng, họ chỉ được học tiếng Nhật chứ không được học nghề như cam kết. Mỗi khi thấy HV rục rịch đòi rút hồ sơ, CT lại “lùa” HV đi phỏng vấn tuyển dụng, và hầu như HV nào cũng được báo đậu. Ai chưa đậu, có ý định rút thì được báo đậu ngay.

Một HV kể: “Các doanh nghiệp Nhật rất khắt khe trong việc phỏng vấn, nhưng khi được gọi đi phỏng vấn, chúng tôi bất ngờ vì được hỏi những nội dung rất đơn giản đại loại như thích đến nơi nào nhất ở Nhật, thích ăn món gì nhất ở Việt Nam…, sau đó… báo đậu. Thấy CT làm việc mập mờ, nhiều HV gặp người đại diện để phản ánh thì nhận được thách thức: ai muốn đi thưa thì mời vào nói chuyện với luật sư”… Các HV cho biết rất mong các cơ quan chức năng can thiệp, giúp họ lấy lại tiền và bằng cấp đã nộp cho CT này chứ không thiết tha đi XKLĐ nữa.

Ngày 6/7, tại CT Vinh Ron, bà Nguyễn Thị Đoan Phương nói, phóng viên muốn biết thông tin gì thì để lại số điện thoại, bà sẽ hẹn gặp sau. Bà Phương nói vòng vo rằng phải trao đổi với “sếp” Nhật của mình, phải qua ý kiến của người Nhật mới trả lời và “làm việc bằng tình người với nhau”. Khi phóng viên thắc mắc, CT do người Việt đại diện tại sao phải hỏi người Nhật, bà Phương nói “vì mình hợp tác với người Nhật, làm cho người Nhật nên tất cả ý kiến phải thông qua người Nhật, người Nhật quyết định như thế nào thì khi ấy tôi sẽ gặp anh chị”.

Bà Phương phân bua: “Tôi không lừa gạt ai hết, HV của tôi vẫn đang học bình thường, một phần tử nào đó tự nhiên nói như vậy, tôi không đồng ý. Trước mắt tôi sẽ làm việc với HV, sau đó tôi sẽ nói chuyện với các anh chị”.

Khong giay phep van lua dua nguoi di xuat khau lao dong?

PV trao đổi với bà Phương trước cửa công ty Vinh Ron

Đề cập chuyện HV phản ánh bị CT thu ít nhất 1.500 USD và thu cả bằng cấp gốc, CT cũng không có chức năng XKLĐ, bà Phương cho rằng: “Nếu tôi không có chức năng thì tôi dựa vô một CT khác, tôi không làm trái pháp luật. Tôi có tư cách đào tạo. CT không thu tiền mà là người Nhật thu, còn bằng gốc là người Nhật thu để làm hồ sơ giấy tờ. Tôi làm nghề này, gặp rất nhiều trường hợp, có cả người tới đây quậy đòi dỡ luôn CT, nhưng cuối cùng người ta cũng thua thôi”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, CT Vinh Ron đăng ký giấy phép lần đầu vào ngày 3/11/2014 với tên gọi CT TNHH tư vấn đầu tư phát triển Việt Nhật Vinh Ron (CT TNHH một thành viên), ngày 28/5/2015, đăng ký thay đổi lần hai với tên gọi CT TNHH tư vấn quản lý phát triển Việt Nhật Vinh Ron (CT TNHH hai thành viên trở lên). Thành viên góp vốn gồm Hiệp hội Xúc tiến thương mại quốc tế (Nhật Bản) và bà Nguyễn Thị Đoan Phương (Việt Nam) là người đại diện theo pháp luật với chức danh giám đốc CT (các giấy tờ ký nhận với HV lại ghi là phó giám đốc). Ngành nghề kinh doanh không hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ.

Ông Tống Hải Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) khẳng định: “CT TNHH tư vấn đầu tư phát triển Việt Nhật Vinh Ron không có chức năng XKLĐ, chưa được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép hoạt động XKLĐ, chưa được Cục Quản lý lao động ngoài nước giới thiệu với tổ chức JITCO để đưa lao động sang Nhật”.

Ông Nam cho biết, theo luật định, các doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ 100% vốn, là các tổ chức cá nhân người Việt, không có yếu tố nước ngoài. Việc CT Vinh Ron trả lời rằng không có chức năng XKLĐ nhưng sẽ tuyển người và kết nối với CT khác để đưa NLĐ đi là không đúng pháp luật. Luật không cho phép tuyển xong rồi nhờ CT khác đưa đi.

Ông Nam khuyên NLĐ nên trình báo với cơ quan công an để được giải quyết và trước khi có ý định đi XKLĐ ở bất kỳ thị trường nào, NLĐ phải tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro.

Hiện một số HV đã gửi đơn trình báo lên cơ quan công an. Báo Phụ Nữ sẽ thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới nhất.

MAI PHAN

Công ty Vinh Ron đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể khoản 6 điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014: “Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động”. Do đó, họ có thể bị xử lý hành chính tại điều 25 Nghị định 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Hoặc cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật Hình sự vì không có chức năng kinh doanh mà vẫn làm.

Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI