Không để thất thoát, lãng phí khi xây sân bay Long Thành

25/06/2015 - 18:36

PNO - PN - Ngày 25/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong phiên làm việc sáng 25/6, Quốc hội đã thông qua 4 dự luật gồm Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật an toàn, vệ sinh lao động và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Khong de that thoat, lang phi khi xay san bay Long Thanh

Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cụ thể, Quốc hội quyết nghị, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và năm triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư (theo khái toán) cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Dự án có thời gian và lộ trình thực hiện chia thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2025. Chính phủ sẽ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Dù đồng ý thông qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội yêu cầu phải tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện dự án.

Chiều nay, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Liên quan tới quy định về người chuyển đổi giới tính, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, Nhà nước không thừa nhận nhưng lại tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền nhân thân sau khi chuyển đổi giới tính là mâu thuẫn.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thắc mắc: “Nếu đã không công nhận chuyển giới thì đương nhiên các cơ quan chức năng sẽ không công nhận quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác. Như vậy, phải chăng họ sống ngoài vòng pháp luật và không được thụ hưởng các chính sách xã hội? Họ sẽ tham gia, hòa nhập vào các hoạt động xã hội như thế nào? Giả sử họ vi phạm pháp luật thì xử lý ra sao?”.

Từ quan điểm trên, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định rõ ràng về vấn đề người chuyển giới, tránh những rắc rối pháp lý phát sinh trong thực tế, nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của người đã chuyển đổi giới tính.

Ngày mai, 26/6, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc. Trước khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI