Khoảng 100 triệu liều vắc xin COVID-19 bị các nước từ chối vì cận hạn sử dụng

14/01/2022 - 06:48

PNO - Liên Hiệp Quốc cho biết, các nước nghèo đã từ chối nhận khoảng 100 triệu liều vắc xin COVID-19 được tặng trong tháng 12/2021, chủ yếu là do thời hạn sử dụng ngắn.

Giám đốc bộ phận cung ứng của UNICEF, bà Etleva Kadilli nói với ủy ban Nghị viện châu Âu: “Vào tháng 12, chúng tôi có gần 100 triệu liều đã bị từ chối do năng lực của các nước, phần lớn vì hạn sử dụng của sản phẩm".

Bà Kadilli giải thích thời hạn sử dụng ngắn đang thực sự tạo ra một thách thức lớn cho các nước kém phát triển trong việc lập kế hoạch cho các chiến dịch tiêm chủng, nhất là khi các quốc gia muốn phổ biến vắc xin cho dân cư ở những khu vực khó tiếp cận.

Liều vắc xin AstraZeneca đã hết hạn tại một bãi rác ở Abuja, Nigeria, tháng 12/2021.
Liều vắc xin AstraZeneca đã hết hạn tại một bãi rác ở Abuja, Nigeria vào tháng 12/2021

Hiện, các khoản đóng góp của Liên minh châu Âu chiếm một phần ba số liều vắc xin tài trợ trên toàn cầu thông qua COVAX - tổ chức được đồng lãnh đạo bởi WHO, Liên minh vắc xin Gavi và Liên minh đổi mới sáng tạo chuẩn bị ứng phó dịch bệnh (CEPI), và UNICEF với tư cách là những đối tác phân phối.

Trước đó, vào tháng 10 và tháng 11, 15 triệu liều do EU tài trợ cũng đã bị từ chối - 75% trong số đó là những mũi tiêm AstraZeneca có hạn sử dụng dưới 10 tuần khi đến nơi. Bà Kadilli nói thêm, một số quốc gia đang yêu cầu hoãn giao hàng cho đến sau tháng 3, khi họ có thể xử lý tốt hơn áp lực lên chuỗi kho lạnh.

Tính đến cuối năm 2021, WHO thông báo 92 trong số 194 quốc gia thành viên đã không đạt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số của họ.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Điều này là sự kết hợp của nguồn cung hạn chế đến các nước thu nhập thấp trong phần lớn thời gian của năm, các lô vắc xin cận hạn sử dụng và sự thiếu hụt ống tiêm. Đó không chỉ là một sự xấu hổ về mặt đạo đức, nó còn phải trả giá bằng mạng sống".

Trong một bài phát biểu ngày 13/1, ông Tedros nói rằng trong khi hơn 9,4 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng trên khắp thế giới, hơn 85% người dân ở châu Phi vẫn chưa được tiêm một liều vắc xin nào.

"Một số hạn chế về nguồn cung mà chúng tôi phải đối mặt vào năm ngoái hiện đang bắt đầu giảm bớt, nhưng chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số của mọi quốc gia vào giữa năm nay" - ông Tedros nói thêm.

Minh Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI