Chuyên gia WHO nói nên phát triển vắc xin ngừa COVID-19 mới thay vì tiêm nhắc lại

12/01/2022 - 15:55

PNO - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi việc nghiên cứu phát triển các loại vắc xin mới thay thế, có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm tốt hơn.

Hôm 11/1, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc liên tiếp tiêm tăng cường các loại vắc xin COVID-19 hiện hữu không phải là một cách khả thi để ngăn ngừa các biến thể mới xuất hiện như Omicron. WHO kêu gọi việc nghiên cứu phát triển các loại vắc xin mới thay thế, có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm tốt hơn.

Một nhóm chuyên gia - có tên Nhóm Cố vấn kỹ thuật về thành phần vắc xin COVID-19 (TAG-Co-VAC), do WHO lập ra để đánh giá hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19 cho rằng, nếu chỉ dùng các loại vắc xin hiện có để tiêm tăng cường thì sẽ có thể không phải là cách tốt nhất để chiến đấu với đại dịch, nhất là trong bối cảnh các biến thể mới liên tục xuất hiện.

Jabuben Bharwad, 30 tuổi, nhận được một liều vắc-xin COVISHIELD chống lại COVID-19, được sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ, trong khi làm việc tại một cánh đồng trong một ổ tiêm chủng tại làng Mahijada ở ngoại ô Ahmedabad, Ấn Độ, tháng 12. 15, 2021. REUTERS / Amit Dave
Jabuben Bharwad, 30 tuổi, nhận được một liều vắc-xin COVISHIELD chống lại COVID-19, được sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ, trong khi làm việc tại một cánh đồng thuộc làng Mahijada ở ngoại ô Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS / Amit Dave

“Việc tiêm chủng nhắc lại, với các loại vắc xin đã được phát triển và đưa vào sử dụng trước nay, sẽ không còn là một chiến lược thích hợp và bền vững”, các chuyên gia của TAG-Co-VAC nhận định.  TAG-Co-VAC cho biết, có thể cần phải điều chỉnh các loại vắc xin hiện có để tăng tính hiệu quả của chúng trong việc bảo vệ chống lại các biến thể mới của COVID-19, như Omicron, vốn có khả năng lây lan nhanh chóng và đã được phát hiện ở 149 quốc gia.

Vì vậy, nhóm chuyên gia WHO kêu gọi phát triển các loại vắc xin mới, không chỉ có khả năng bảo vệ những người nhiễm COVID-19 tránh nguy cơ bị bệnh nặng, mà còn giúp ngăn ngừa hiệu quả việc lây nhiễm virus ngay từ đầu.

“Cần phát triển thêm các loại vắc xin COVID-19 mới, có tác dụng cao trong việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm, và giảm rủi ro bệnh nặng hoặc tử vong”, các chuyên gia TAG-Co-VAC nói. TAG-Co-VAC đồng thời cũng gợi ý các nhà phát triển vắc xin nên chế tạo ra các loại vắc xin có thể “tạo ra các phản ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài, để giảm nhu cầu về việc tiêm nhắc lại liên tục”.

Theo WHO, hiện đang có 331 “ứng viên” vắc xin COVID-19 được nghiên cứu trên khắp thế giới.

Nhóm chuyên gia cũng cho rằng, cho đến khi vắc xin mới được phát triển, “thành phần của các loại vắc xin hiện tại có thể cần được cập nhật, nhằm đảm bảo chúng tiếp tục có tác dụng bảo vệ ngăn ngừa sự lây nhiễm và bệnh tật, do “các biến thể cần được quan tâm” (VOC) - theo đánh giá của WHO - gây ra, trong đó có Omicron và các biến thể khác trong tương lai”.

Đến nay, WHO đã phê duyệt các phiên bản cập nhật của 8 loại vắc xin khác nhau. TAG-Co-VAC nhấn mạnh rằng những phiên bản vắc xin này có tác dụng khá cao trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong, do các biến thể khác nhau của COVID-19 gây ra.

TAG-Co-VAC lặp lại quan điểm của WHO, cho rằng “ưu tiên hàng đầu của thế giới phải là tăng nhanh tốc độ triển khai tiêm ngừa các mũi chính ở nhiều nước”. 

WHO cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc nhiều nước đẩy mạnh việc tiêm mũi tăng cường, nhằm chống lại các biến thể mới như Omicron, trong khi một số quốc gia khác trên thế giới vẫn còn tỷ lệ tiêm ngừa khá thấp, thậm chí nhiều người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm mũi nào.

Đến nay, hơn 8 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm cho người dân ở ít nhất 219 vùng lãnh thổ, theo số liệu của AFP. Nhưng theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trong khi hơn 67% người dân ở các nước thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một liều, thì tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp lại chưa đến 11%.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi