Khó xử lý hình sự đối với vi phạm về an toàn thực phẩm

13/12/2021 - 21:39

PNO - Hiện nay, văn bản pháp luật về ATTP đã có nhiều thay đổi và cập nhật. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong công tác.

Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM vừa có báo cáo công tác đảm bảo ATTP năm 2021 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ tháng 5 đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở ngưng hoạt động, chuyển địa điểm kinh doanh, di dời khu vực sản xuất chỉ còn văn phòng đại diện... ảnh hưởng đến kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra ATTP năm 2021.

Do nhân lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên cũng ảnh hưởng đến công tác hậu kiểm sản phẩm tham gia chuỗi, giám sát ATTP đối với sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, công tác tập huấn giám sát ATTP tại các chợ xây dựng mô hình chợ ATTP, công tác tập huấn tuyên truyền...

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa 

Theo Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TPHCM, so với trước đây, hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật về ATTP cả hành chính và hình sự đã có nhiều thay đổi và cập nhật, bổ sung góp phần răn đe, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong công tác.

Cụ thể, đối với hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm” đã được quy định cụ thể trong Bộ Luật Hình sự 2015, nhưng khi xét đến yếu tố cấu thành tội phạm thì gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lỗi vi phạm…

Một số khó khăn như các bộ vẫn chưa ban hành danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm như trong Bộ Luật Hình sự nêu. Năng lực phân tích các hóa chất, thành phần trong thực phẩm của các đơn vị phân tích còn hạn chế. Các đơn vị này chỉ phân tích các chất, thành phần theo chỉ định của bộ quản lý, nhưng trong thực tế nếu các cơ sở sử dụng các hoạt chất khác thì không có cơ sở pháp lý để xử lý.

Ban chỉ đạo cho biết, hiện tại còn thiếu các quy chuẩn quốc gia về các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chế biến từ nông sản nên thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp sản xuất thực phẩm giả.

Ngoài ra, công tác tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của ngành quản lý tại TPHCM không có kho, bãi nên khá khó khăn trong việc bảo quản, xử lý tang vật vi phạm, nhất là tạm giữ tang vật là hàng thực phẩm đông lạnh, sản phẩm từ gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm tươi sống…

Công tác quản lý ATTP ở phường xã, thị trấn vẫn còn gặp nhiều hạn chế do nhân sự phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nên hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính về ATTP chưa cao.

Trong đề xuất của mình, Ban chỉ đạo thành phố kiến nghị Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP Trung ương quan tâm kiến nghị thành lập cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TPHCM có nhiệm vụ tham mưu, giúp lãnh đạo thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI