Khi phụ nữ trung lưu thích 'chè chén'

27/05/2015 - 08:52

PNO - PN - Báo cáo mới nhất tại Anh cho thấy phụ nữ trung lưu, học vấn cao có mức tiêu thụ chất cồn cao nhất trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng họ đang theo nam giới trong phong trào “chè chén”. Từ việc uống vài ly rượu tại các sự...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lucy Rocca, 39 tuổi, là một trong số đó. Là mẹ của hai con, có công việc ổn định với thu nhập cao, Lucy không bao giờ nghĩ mình có thể nghiện ngập. Khi còn son rỗi, việc uống một hai ly trong bữa ăn là chuyện bình thường với giới trung lưu. Khi vào đại học, những buổi tiệc thâu đêm cùng bạn bè cũng chưa phải vấn đề khiến Lucy bận tâm về mức độ tiêu thụ chất cồn của mình. Lucy thú nhận, với ly rượu kề bên, cô cảm thấy tự tin, quyến rũ, tự do và tuổi trẻ như chưa hề qua đi.

Báo cáo do Tổ chức Kinh tế hợp tác và phát triển (OECD) tiến hành cho thấy phụ nữ trong các ngành nghề luật sư, giáo viên, tài chính dễ nghiện rượu. Cũng như Lucy, ban đầu là uống cùng bạn bè khi còn trẻ tại quán xá, dần dà thói quen này theo họ đến tuổi trung niên và họ thường uống một mình tại nhà.

Tại Anh, 20% phụ nữ có trình độ học vấn cao đã uống quá giới hạn cho phép 14 đơn vị trong một tuần, so với con số 9% trong số những người có học vấn thấp. Đây là khoảng cách lớn nhất trong các nước phát triển.

Trẻ gái tuổi vị thành niên cũng hình thành thói quen uống rượu khá sớm và Anh là một trong số ít quốc gia trên thế giới có số trẻ gái say rượu ở tuổi 15 cao hơn trẻ nam. Đến 44% trẻ em gái ở tuổi 15 say xỉn hai lần một tuần trong khi con số này ở trẻ trai cùng độ tuổi là 39%.

Theo các chuyên gia thực hiện báo cáo, ngày càng có nhiều phụ nữ làm các ngành nghề mà trước đây nam giới chuyên “thống trị”, thế nên họ cảm thấy áp lực phải làm theo nam giới, kể cả văn hóa uống rượu sau giờ làm. Ông Mark Pearson, một trong những người thực hiện báo cáo cho biết, những thiệt hại liên quan đến chất cồn tác động đến 2% số GDP.

Khi phu nu trung luu thich 'che chen'

Hàng ngàn phụ nữ đang chống chọi một cách thầm lặng...với những chai rượu - Ảnh minh họa: Getty Images

Trở lại với Lucy, cô tốt nghiệp ngành lịch sử Mỹ, đa phần bạn bè của cô là những người đã tốt nghiệp đại học và đều có nghề nghiệp vững vàng. Họ thường chia sẻ những buổi uống rượu đắt tiền giống như việc mua sắm hàng ngày. Sau khi sinh con gái đầu lòng và trở lại văn phòng, Lucy tăng mức uống tại nhà với chồng, hoặc với bạn gái tại các quán bar sang trọng sau giờ làm để giảm áp lực của một phụ nữ vừa trông con vừa đi làm. Những buổi đi chơi mà không có rượu cả bọn đều cảm thấy nhạt nhẽo. Rượu có mặt mọi lúc mọi nơi: tối thứ Sáu sau giờ làm việc, tối thứ Bảy lúc xem ti vi, trưa Chủ nhật làm thịt nướng ngoài trời…

Lucy vẫn chưa thừa nhận tình trạng nghiện ngập của mình, với cô, những người nghiện rượu là những người thất nghiệp, có vấn đề về tài chính, hay lái xe khi uống rượu. Cô không phải một trong số đó.

Cho đến một hôm. Lucy thức giấc trong phòng cấp cứu, người dính đầy chất ói mửa của chính mình. Đó là một đêm khi người chồng đã ly hôn đón hai con gái về nhà, cô một mình uống ba chai rượu. Một người bạn đã kêu xe cấp cứu khi thấy cô nằm bất động ngoài căn hộ.

Khi phu nu trung luu thich 'che chen'

Trải nghiệm của Lucy Rocca thức tỉnh nhiều phụ nữ thành đạt đang trượt dần vào đường nghiện rượu - Ảnh: The Sunday Times

Nỗi xấu hổ và sợ hãi làm Lucy nhận thức ra vấn đề nghiêm trọng của mình. Cô quyết định thành lập trang web Soberistas.com vào tháng 11/2012, dành cho phụ nữ gặp vấn đề về rượu. Trong năm đầu tiên, Soberistas thu hút 20.000 thành viên và câu chuyện của Lucy thức tỉnh nhiều người. Họ là những phụ nữ thành đạt, đa phần đã làm mẹ, có công việc tốt nhưng chịu nhiều áp lực và họ thường một mình uống rượu vào buổi tối tại nhà. Điều quan trọng là hầu như không ai thừa nhận mình có vấn đề về mức độ tiêu thụ rượu. Họ đều cho rằng họ có thể kiểm soát được. Họ vẫn đưa con đến trường đúng giờ, ở văn phòng làm việc đến hết ngày và tiếp tục thưởng thức một vài ly sau giờ làm việc. Họ đều cho đó là bình thường như Lucy từng như thế.

Những con số trong bản báo cáo của OECD làm thức tỉnh hàng ngàn phụ nữ đang chống chọi một cách thầm lặng... với những chai rượu. Đây là cuộc khủng hoảng âm thầm, lặng lẽ. Ngành y tế Anh đã chi 8,2 tỷ bảng Anh trong vòng ba năm qua để giải quyết những vấn đề liên quan đến rượu. Lucy mong câu chuyện của cô sẽ giúp nhiều phụ nữ hiểu rằng, vẫn còn có lối thoát khỏi vấn nạn nghiện rượu nếu họ kịp thời nhận ra mối nguy hại của nó.

PHAN QUỲNH DAO (Theo Times, Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI