Khi phụ nữ tham chính

14/05/2016 - 15:57

PNO - Với chừng ấy gánh nặng, những nữ chính khách vẫn có thể chu toàn việc nhà, việc nước, khiến biết bao người đàn ông phải nể phục.

Khi phu nu tham chinh

Đã có một thời gian rất dài, phụ nữ phải sống trong cảnh tối tăm, hoàn toàn lệ thuộc vào đàn ông: này là đạo tam tòng, kia phải khuê môn bất xuất. Họ không được học hành, không được thi cử và đương nhiên càng chẳng thể ra làm quan. Từ phương Đông tới phương Tây hầu hết đều như thế - “chuyện của phụ nữ là cái nhà, cái bếp”. Hiếm hoi lắm mới có chuyện công chúa Lý Chiêu Hoàng lên ngôi chí tôn hay nước Anh có nữ hoàng. Thực tế đã chứng minh: tư tưởng trọng nam khinh nữ, đặt phụ nữ bên ngoài chính trường là một trong những sai lầm to lớn nhất của loài người.

Suốt 11 năm ở vị trí Thủ tướng, “Bà đầm thép” Margaret Thatcher - người thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại của BBC - đã đảo chiều nền kinh tế nước Anh - từ một nền kinh tế đang suy thoái quay đầu phát triển bùng nổ. Trước đó, ở vị trí bộ trưởng Giáo dục và khoa học, bộ trưởng Môi trường, những chính sách của bà Thatcher cũng đều hướng về nhân dân, ưu tiên phát triển con người và gìn giữ thiên nhiên. Trên trường quốc tế, bà góp phần chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh, giữ cho Hồng Kông được là một đặc khu hành chính trong 50 năm, tác động đáng kể đối với các chính sách của toàn châu Âu và cả thế giới.

Trước bà Thatcher, ở châu Á, nữ Thủ tướng Indira Gandhi được xem là nữ chính khách nổi bật nhất sau khi Ấn Độ giành độc lập. Ngoài việc giúp Ấn Độ và Pakistan thoát khỏi nguy cơ chiến tranh - chuyển hướng sang giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, hòa bình, bà cũng là người khởi xướng cuộc Cách mạng xanh, đưa Ấn Độ từ tình trạng thiếu hụt lương thực triền miên thành một nước xuất khẩu thực phẩm. Cuộc Cách mạng trắng với dấu ấn rõ rệt của Indira Gandhi giúp trẻ em Ấn Độ bớt suy dinh dưỡng và ngành công nghiệp sữa của quốc gia này phát triển mạnh mẽ.

Vẫn ở châu Á, nữ chính khách Aung San Suu Kyi là nguồn cảm hứng vô tận cho khát khao tự do, hòa bình, dân chủ và bác ái. Dù bị bắt bớ, giam cầm, chịu vô vàn áp bức, bà vẫn kiên trì đấu tranh cho một nền tự do chân chính, một đất nước Myanmar dân chủ. Ở châu Mỹ, rất nhiều người đang hy vọng vào chiến thắng của bà Hillary Clinton trước đối thủ Donald Trump trong cuộc đua đến chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ tới. Và còn nhiều nữa những nữ chính khách đang từng ngày, từng giờ góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn bằng trái tim của những người đàn bà - bằng tình yêu thương và trách nhiệm.

Nếu không phải là Angela Merkel với trái tim của một người phụ nữ, có lẽ những người tị nạn Syria đã không thể vào được nước Đức, dù rằng đổi lại, bà đã phải nhận không ít chỉ trích từ chính người dân Đức và những đối thủ chính trị, nhất là sau vụ bạo loạn tại Cologne. Nếu không có trái tim người mẹ, có lẽ bà Thatcher đã không quyết liệt bảo vệ Viện đại học Mở Anh quốc khỏi bị đóng cửa, để những người trưởng thành, học sinh bỏ học có thể trở lại trường.

Việc bà Thatcher sẵn sàng bổ nhiệm những người có quan điểm đối lập vào những vị trí quan trọng trong nội các phải chăng là vì sự bao dung của phụ nữ. Với sự kiên trì, mềm mỏng nhưng cương quyết đặc trưng trong tính cách phụ nữ, các nữ chính khách dễ dàng thuyết phục người nghe, thương lượng được với người khác, kể cả với thuộc cấp. Chỉ có những người phụ nữ mới sẵn sàng lắng nghe “những câu chuyện nhỏ nhặt” quanh mình để từ đó dẫn đến những chính sách lớn vì dân sinh, vì tương lai. Và có lẽ cũng chỉ có phụ nữ mới có thể tỉ mỉ trong từng hoạt động, chăm chút cho từng sự đổi thay.

Khi phụ nữ tham chính, họ phải nỗ lực nhiều hơn nam giới bởi ngoài nhiệm vụ chính trị, trên vai họ vẫn là gia đình - người chồng, con - cháu - dâu - rể, tứ thân phụ mẫu… Thật ngạc nhiên, với chừng ấy gánh nặng, những nữ chính khách vẫn có thể chu toàn việc nhà, việc nước, khiến biết bao người đàn ông phải nể phục. Phụ nữ vẫn là những bông hoa, dù “nở giữa chiến trường” hay ở chính trường thì họ vẫn cứ đẹp - cho mình và cho cả xã hội.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI