Khẩu trang, vắc-xin vẫn rất cần khi đại dịch lắng xuống

01/04/2021 - 20:30

PNO - Ngay cả khi các quốc gia mở rộng chương trình tiêm chủng, khả năng lây nhiễm và đột biến của COVID-19 buộc mọi người vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách, bao gồm việc đeo khẩu trang và tiêm nhắc vắc-xin.

Khẩu trang sẽ gắn liền với cuộc sống của mọi người trên thế giới trong nhiều năm nữa khi vi-rút không ngừng biến chủng - Ảnh: Getty Images
Khẩu trang sẽ gắn liền với cuộc sống của mọi người trên thế giới trong nhiều năm nữa khi virus không ngừng biến chủng - Ảnh: Getty Images

Hàng rào bảo vệ bắt buộc

Hôm 29/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các thống đốc và lãnh đạo địa phương khôi phục yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, lên án việc tái mở cửa nền kinh tế tại một số tiểu bang là “hành vi liều lĩnh”. “Công việc của chúng ta vẫn chưa kết thúc. Cuộc chiến chống lại COVID-19 còn lâu mới chiến thắng”, ông Biden nói. 

Tương tự, các cơ quan y tế công cộng muốn mọi người tiếp tục đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, ngay cả khi họ đã tiêm vắc-xin. Lý do là dù phần lớn số người được tiêm chủng được bảo vệ khỏi COVID-19, họ vẫn có thể truyền virus dù không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Avery August, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Cornell (New York), chia sẻ: “Chúng tôi biết vắc-xin có thể bảo vệ sức khỏe cá nhân, nhưng điều chúng tôi chưa có đủ thời gian để thực sự hiểu là liệu vắc-xin có ngăn cản virus lây lan hay không?”. Đó là vì virus SARS-CoV-2 vẫn có thể cư trú ở đường hô hấp, ngay cả khi các tế bào miễn dịch bảo vệ gần như toàn bộ cơ thể khỏi căn bệnh COVID-19. Mặt khác, các nhà khoa học không biết làm thế nào vắc-xin COVID-19 có thể bảo vệ chống lại sự lây truyền không có triệu chứng của SARS-CoV-2, hoặc khả năng bảo vệ người tiêm khỏi virus tồn tại trong bao lâu.

Hiện tại, các chuyên gia y tế toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ các biến thể của virus, xem chúng tác động như thế nào đến hiệu quả của vắc-xin. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là mọi người cần đeo khẩu trang để bảo vệ những người có hệ miễn dịch bị tổn hại và những người không thể tiêm chủng. 

Cuộc chạy đua giữa vắc-xin, tiêm chủng toàn cầu và virus

Theo khảo sát của Liên minh vắc-xin nhân dân với 77 nhà khoa học từ 28 quốc gia, thế giới chỉ có khoảng một năm trước khi vắc-xin COVID-19 thế hệ đầu mất tác dụng và cần được sửa đổi công thức. 

chuyên gia được hỏi đồng ý rằng tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp ở nhiều quốc gia sẽ làm cho các đột biến kháng vắc-xin xuất hiện nhiều hơn
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp ở nhiều quốc gia sẽ làm cho các đột biến kháng vắc-xin xuất hiện nhiều hơn

Từ lâu, các nhà khoa học đã nhấn mạnh rằng, nỗ lực tiêm chủng toàn cầu là cần thiết để vô hiệu hóa mối đe dọa từ COVID-19. Lý do vì các biến thể của virus - một số loại dễ lây lan hơn, gây chết người và ít nhạy cảm hơn với vắc-xin - đang xuất hiện ngày càng nhiều và không ngừng lan rộng. 

88% số chuyên gia được hỏi đồng ý rằng tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp ở nhiều quốc gia sẽ làm cho các đột biến kháng vắc-xin xuất hiện nhiều hơn. Gregg Gonsalves, phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Yale (Mỹ), nhận xét: “Đột biến mới phát sinh mỗi ngày và đôi khi chúng tìm thấy môi trường phù hợp để phát triển mạnh hơn so với những chủng trước đó”. 

Số vắc-xin COVID-19 hiện đang sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới là sự kết hợp giữa công nghệ cũ và công nghệ mới. Khả quan nhất, công nghệ vắc-xin mRNA được sử dụng bởi các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna, có thể được điều chỉnh với tốc độ nhanh trong vòng vài tuần hoặc vài tháng để phù hợp với các biến thể mới. Nhưng quan trọng là, sản phẩm khó có thể tiếp cận với các nước nghèo hơn, vì những lọ vắc-xin này đắt đỏ và có các yêu cầu bảo quản khắt khe ở nhiệt độ phù hợp.

Giữa lúc các quốc gia giàu tài nguyên như Anh và Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin cho hơn một phần tư dân số và đảm bảo thêm hàng trăm triệu liều chờ triển khai; các quốc gia đang phát triển như Nam Phi và Thái Lan thậm chí còn không đạt được mục tiêu tiêm chủng 1% dân số. Một số quốc gia nghèo thậm chí vẫn chưa triển khai tiêm phòng.
COVAX - sáng kiến vắc-xin toàn cầu nhằm chống lại cái gọi là chủ nghĩa dân tộc vắc-xin - hy vọng có thể cung cấp vắc-xin cho ít nhất 27% dân số các nước có thu nhập thấp hơn vào năm 2021. Nhưng theo ông Max Lawson - người đứng đầu đơn vị nghiên cứu chính sách bất bình đẳng tại Oxfam và là Chủ tịch của Liên minh vắc-xin nhân dân, “mục tiêu của COVAX vẫn chưa đáp ứng miễn dịch cộng đồng, ngay cả khi được thực hiện thành công”. Do đó, thế giới sẽ tiếp tục trói mình trong cuộc đua sản xuất và cải tiến vắc-xin cho đến khi miễn dịch cộng đồng toàn cầu đạt đến mức 70-80%. 

 Tấn Vĩ (theo CNBC, Guardian, Cleveland Clinic)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI