Khát vọng cuối đời của ông “Hai Lúa” Lý Huỳnh

23/10/2020 - 08:40

PNO - Trong tay ông, trước khi rời xa dương thế, vẫn nắm chặt kịch bản Bùi Thị Xuân.

Bốn năm nay, sau lễ kỷ niệm 40 năm tham gia điện ảnh cách mạng và 50 năm cuộc hôn nhân bền chặt, bệnh tật đã khiến cho sức khỏe NSND Lý Huỳnh ngày càng suy kiệt, dù trong lòng, nỗi khát khao về những bộ phim lịch sử dân tộc, được sản xuất dưới danh nghĩa Hãng phim Lý Huỳnh, vẫn luôn cháy bỏng.

Là võ sư lừng danh, 17 tuổi đã thượng đài hạ gục võ sĩ da đen Lyauté Francoise từng vô địch quân đội Pháp, được mệnh danh là “con báo đen” với thế võ “liên hoàn bát cước”… Lý Huỳnh có ngoại hình vạm vỡ, dữ tướng nhưng lại rất say mê môn nghệ thuật thứ bảy.

Năm 1970, ông bắt đầu đóng phim, được xem là người đầu tiên ở Sài Gòn đưa võ thuật vào phim ảnh. Cả bảy bộ phim ông tham gia trước năm 1975 đều là những phim phô diễn võ thuật như Long hổ sát đấu, Quái nữ Việt quyền đạo, Báu kiếm rửa hận thù… Cũng vì thế, năm 1976, đạo diễn Khương Mễ, dù chưa gặp lần nào, vẫn chọn ông cho vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp.

Sau đó, ông được hầu hết các đạo diễn lúc bấy giờ mặc định vào dạng vai phản diện “có máu mặt” như đại úy Long (Mùa gió chướng), trung úy Xăm (Hòn đất), thiếu tá Minh (Nhiệm vụ hoa hồng), thiếu tướng Bách (Đứa con bị từ chối), trùm xã hội đen Long râu (Con mèo nhung), Đinh ba búa (Mối tình đầu), võ sư Sơn Nam (Người không mang họ)…

Chỉ có hai vai chính diện khác biệt, cũng là hai nhân vật vẽ nên dung mạo thật sự của Lý Huỳnh, một con người có bề ngoài dữ tướng song ẩn chứa bên trong một trái tim nhiệt huyết và nhân hậu. Đó là vai Hai Cũ trong phim Ông Hai Cũ (đạo diễn Bùi Sơn Duân) và Hai Lúa trong Vùng gió xoáy (đạo diễn Hồng Sến), vai diễn đem lại cho ông giải diễn viên nam xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam năm 1983. 

Với công chúng, Hai Lúa là vai diễn xuất sắc nhất của ông và với Lý Huỳnh, cũng là niềm tự hào nhất trong sự nghiệp. Sau 13 vai sĩ quan chế độ cũ như thành mặc định mà nhiều người cho là sở trường, vai Hai Lúa như một vầng sáng bất chợt đến khiến bản thân ông cũng bất ngờ khi mới gặp và ngất ngây khi hoàn thành.Đó là một lão nông Nam bộ, trực tính, hào sảng, dám đứng lên đấu tranh chống lại chủ trương hợp tác làm nghèo nông dân trong thời kỳ cải tạo nông nghiệp vào những năm 1980.

Để hóa thân vào nhân vật, Lý Huỳnh đã bỏ ba tháng ròng rã, khăn gói về Thủ Thừa, Long An sống với nông dân, học vấn thuốc rê, nhậu rượu đế, ca vọng cổ, tập cày, đánh xe ngựa, cưỡi trâu… Lý Huỳnh không những để lại màn ảnh một Hai Lúa xuất sắc về mặt hình tượng mà còn qua Hai Lúa, để lại cho thế hệ sau một bài học về đạo đức diễn viên, về thái độ làm nghề chân chính.

Nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh luôn để lại ấn tượng  trong mỗi bộ phim mà mình tham gia
Nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh luôn để lại ấn tượng trong mỗi bộ phim mà mình tham gia

Trong cuộc đời làm nghề của mình, tôi chưa thấy ai sống chết với điện ảnh như ông. Đầu thập niên 1990, khi có chủ trương cho tư nhân hợp tác làm phim với nhà nước, trong bối cảnh vô định, cả làm cả dò đường, ông là một trong số không nhiều người dũng cảm bỏ tiền làm phim.

Lý Huỳnh khi ấy đã quyết định đóng cửa võ đường, cùng vợ nuôi heo, sản xuất bút bi… lấy tiền làm phim. Nhờ nắm được thị hiếu và giỏi tính toán, những bộ phim ông sản xuất như Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái, Nước mắt học trò… đều đem lại lợi nhuận, mà theo ông là “không giàu nhưng sống được”. 

NSND Lý Huỳnh (1942 - 2020) được xếp vào nhóm “Nam Kỳ tứ tú” ở miền Nam trước năm 1975. Ông nổi tiếng với chiêu “liên hoàn bát cước”, cũng là võ sĩ Việt đầu tiên thách đấu với Lý Tiểu Long. Từ năm 1972 đến 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng phim và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt thành công. Ông được phong tặng danh hiệu NSND năm 2012.

Sau một thời gian bệnh nặng, nghệ sĩ vừa qua đời ngày 22/10, hưởng thọ 79 tuổi. Lễ động quan bắt đầu từ 10g ngày 24/10 và an táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9.

Thật ra, trong 20 hoạt động với 31 phim cả nhựa lẫn video, Hãng phim Lý Huỳnh đã lấy phim lời bù phim lỗ, cái lời lớn nhất là cả nhà ông được “đắm chìm” vào dòng chảy của nghệ thuật điện ảnh mà không phải quỵ lụy xin xỏ bất kỳ ai.

Ông hãnh diện và tự hào với tất cả phim mình làm ra, dù đó là phim lời hay phim lỗ. Ông thường tâm sự, chỉ khi đóng phim sau năm 1975, ông mới có những vai có số phận, có đời sống; rồi chỉ khi bỏ tiền đầu tư, ông mới làm được những bộ phim theo ý mình, đó là bên cạnh việc phô diễn võ thuật, còn là chuyện lịch sử, nhân tình thế thái mà ông tâm đắc là lấy tích xưa nói chuyện nay.

Bên cạnh tài năng và đạo đức làm nghề, ông là người chồng, người cha tuyệt vời. Nghệ sĩ Lý Hùng kể, trước khi nhắm mắt, ông đã kịp ôm hôn từ giã từng người trong gia đình không thiếu một ai. Khi các con còn nhỏ, kinh tế khó khăn, những lúc không tới phim trường, ông và vợ thường đèo nhau đi mua cám heo, hoặc chở từng bao tải bút bi đi bỏ mối.

Khi Hãng phim Lý Huỳnh thành lập, ông làm giám đốc, bà làm trợ lý kiêm thủ quỹ. Ông đưa hai con trai (Lý Sơn, Lý Hùng), con gái (á hậu thời trang Lý Hương) trong số sáu con của mình vào điện ảnh. Lý Sơn tốt nghiệp đạo diễn, có trong tay hơn mười phim trước khi trở thành một tên tuổi trong ngành địa ốc. Lý Hương, tuy không quá xuất sắc song vẫn sống được bằng đóng phim và ca hát. Riêng Lý Hùng, là ngôi sao phim thị trường một thời.

Ông thương yêu và tự hào về các con của mình, nhất là những người theo ông dấn thân vào điện ảnh. Con đường ấy tuy vinh quang nhưng không thiếu những chông gai mà cho đến cuối đời, nằm trên giường bệnh, ông vẫn khát khao chinh phục, cho dù kinh phí 12 tỷ đồng (năm 2010) của bộ phim Tây Sơn hào kiệt bị mất trắng, thì trong tay ông, trước khi rời xa dương thế, vẫn nắm chặt kịch bản Bùi Thị Xuân.

Cát Vũ 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI