Hồn cây cỏ

01/07/2018 - 19:00

PNO - Nguyên phóng xe thẳng lên phố núi, nghe mùi khói hương thoảng trong gió chiều, những tia nắng cuối ngày vàng vọt u buồn, anh đứng lại bần thần, cảm thấy lao đao như đứng trên ngọn sóng...

Ngày nghỉ cuối tuần, Nguyên cùng mấy anh bạn đi lên trang trại, một cái thung lũng đẹp, nằm giữa núi Phú Sơn với đồi Gò Găng. Phía bên kia Gò Găng là phố núi trung du. Được trở về miền thôn dã, đến với núi rừng, Nguyên thấy tâm hồn thảnh thơi, đôi chân rộng bước. Phong cảnh thiên nhiên quyến rũ và con người chân quê cũng dễ gần gũi hơn. Gọi là lập vườn, nhưng với Nguyên làm vườn chỉ để ngoạn cảnh, lang thang với chim chóc, hoa rừng, tìm cây cảnh chơi bonsai.

Hon cay co
 

Một buổi trưa, Nguyên đang cắm cúi đào bụi hoa dại, bỗng giật mình nghe giọng nói khàn khàn:

- Con chào bác. Loại lan đất này lạ lắm bác ơi! Ở rừng tự nhiên, nó ra hoa đẹp và thơm thế, nhưng đem trồng ở nhà thì chỉ tốt lá thôi.

Trước mặt Nguyên là một cậu con trai mới lớn, tay cầm cái liềm, miệng cười rất tươi: 
- Bác phải ráng đèo theo một sọt đất ở chính chỗ này, thì may chi nó mới ra hoa. Chỉ có loại cây kia là thích nghi trong mọi điều kiện, trồng dễ sống và có hoa bốn mùa.

Nhìn theo hướng tay chỉ của cậu ta, Nguyên thấy mấy bụi bông trang (*) đang đơm những chùm hoa đỏ rực. Cậu bé nói năng lễ phép, hồn nhiên và có vẻ vui tính. Mới gặp lần đầu mà Nguyên cảm thấy mến, hình như cậu ta cũng mê cây lá, cỏ hoa. Hai bác cháu chuyện trò mỗi lúc một tự nhiên và thân thiết hơn.

 - Tên bác là Nguyên, làm cán bộ và có khi nổi hứng cũng viết văn. Còn tên của cậu?
Không trả lời ngay, cậu bé cứ nhìn Nguyên chăm chú, nét mặt có vẻ nghĩ ngợi, đang cố nhớ một điều gì, rồi vỗ tay vào trán, à lên một tiếng rõ to, nói liền một lèo:

- Đúng rồi! Bác lên ti vi nói về viết truyện thiếu nhi, sau đó chương trình đọc truyện đêm khuya, họ đọc truyện của bác - viết về một người mẹ gặp bước éo le, đành ẩn tích nuôi con. Ở trường con nhiều đứa đọc được. Đó là tiểu thuyết và cũng chính là tự truyện của tác giả. Đúng như thế không bác?

Nguyên gật đầu. Niềm vui đến bất ngờ với người cầm bút không chuyên, một cậu bé xa lạ ở vùng núi xa chợt nhận ra tác giả qua những trang sách. Nguyên tràn đầy hạnh phúc.

- Con tên gì?

- Lớn rồi mà mẹ cứ gọi hoài là cu Vọng. Con còn có biệt hiệu làng quê là Ấm Vọng nữa.

Những trang sách của Nguyên là tờ thông hành để mở nên anh dễ dàng đi vào thế giới tâm hồn của Ấm Vọng. Vừa nói chuyện văn chương, cây cối, chim muôn, Nguyên vừa gợi chuyện. Vọng hồn nhiên kể về gia đình, chân thành như tâm sự với một người bạn lớn tuổi. Vọng còn có cái tên rất ấn tượng - Phú Hòa. Nhưng đó là tên khai sinh, gọi ở trường, ở nhà mọi người thường gọi là cu Vọng. Hoàn cảnh của Vọng thật cảm động: cha mất tích khi nó mới lên hai. Mẹ chịu cảnh góa bụa khi tuổi mới ngoài đôi mươi, ở vậy chịu thương chịu khó buôn bán tảo tần, nuôi Vọng khôn lớn.  

Hon cay co
Ảnh minh họa

So với tuổi mười bảy, mười tám, Vọng hơi thấp một chút, nhưng bù lại có tác phong nhanh nhẹn, nước da trắng trẻo, rất ra dáng một cậu ấm. Khuôn mặt vuông chữ điền, hai chân mày rậm nằm thẳng thể hiện nét cương nghị của người lớn. Qua cách giao tiếp, Nguyên thấy Vọng là một đứa con ngoan, lớn lên trong sự giáo dục nền nếp.

 - Giờ mẹ con làm gì?

- Mẹ con tên Mai. Trước đây mẹ đi bán hàng rong, từ ngày hình thành cái phố núi này, mẹ bán cháo lòng. May mà nhà ở gần chợ.

- Chủ nhật sau bác sẽ lên đây sớm để ăn cháo lòng. Trước là thưởng thức cháo lòng phố núi, sau là xem mắt mẹ con luôn. Chắc mẹ con hiền và đẹp lắm, khối ông hàng xóm ngấp nghé ngóng nhìn.

 Câu nói đùa ấy không chạm vào bản năng tự vệ trẻ con ở Vọng, mà hình như làm cậu ta khoái chí:

- Dạ không dám đẹp đâu. Nhưng bác hứa thiệt nghe! Con sẽ nói trước với mẹ. Mẹ con cũng có coi ti vi và mê truyện đêm khuya của bác lắm. Bác đến nhà, con cho xem nhiều cây thế rất ác. Trưa rồi, con chào bác!

 ***

Đúng hẹn, Nguyên đến phố núi sớm. Đón Nguyên không phải Vọng, mà là một phụ nữ. Thoáng nhìn, Nguyên biết ngay đó là Mai - mẹ của Vọng. Nguyên hơi ngỡ ngàng trước thiếu phụ có làn da trắng hồng, gọn gàng trong bộ quần áo màu đen. Chiếc áo chít ly may cách điệu rất hợp với dáng người đậm đà và mái tóc cắt ngắn. Mai gọi với vào nhà:

- Cu Vọng! Bác Nguyên lên rồi nè - giọng chị thân thiện như nói với người quen - cu Vọng về nói có gặp bác trong rừng, mới biết bác đang ở đây. Nhà văn mà sao... kín tiếng thế!

Vọng chạy ra kéo Nguyên vòng ra sau nhà. Anh bất ngờ trước một hoa viên mi-ni. Chính giữa là một hòn non bộ nhỏ, xếp bằng đá núi theo thế độc phong, tạo dáng hình hòn Vọng Phu, ngay dưới chân là chậu hoa mẫu đơn đỏ rực. Với cảm nhận của mình, Nguyên hiểu đây là tâm điểm tình cảnh của tác giả, là linh hồn của hoa viên. Chạy chung quanh là những gốc sung, gốc si, gốc mai... hình thù đa dạng, lạ mắt, có những gốc bồ đề thế đứng uy nghi già cỗi cỡ trăm năm. Có thể hiểu đó là sự che chắn bốn phương. Một thế giới tâm hồn xao động. Vọng có con mắt và bàn tay của một nghệ nhân.

Mai đối với Nguyên rất tự nhiên như người trong nhà. Nguyên chủ động đặt chiếc ghế đối diện mời chị. Mai ý tứ xê chiếc ghế sang ngồi kề bên. Cách nói chuyện của Mai rất có duyên. Cứ lấy tuổi của Vọng mà suy ra, thì trông Mai trẻ và đẹp hơn Nguyên tưởng. Người thiếu phụ một con, vào cỡ tuổi bốn mươi, không có vẻ đẹp lộng lẫy phô trương, nhưng lại có những nét thùy mị ưa nhìn, nhìn lâu rất dễ xao lòng. Cùng với chừng ấy năm thờ chồng, nuôi con nên Mai có đôi mắt hơi lạnh. Nguyên cảm thấy đôi mắt ấy ấm lên mỗi khi chị nhìn và nói về Vọng. 

Hon cay co
Ảnh minh họa

Chưa có thời gian nói chuyện nhiều với Mai, nhưng Nguyên cũng hiểu chị có những tháng năm vượt lên nghịch cảnh, với một khát vọng cháy bỏng là nuôi dạy đứa con duy nhất đến ngày trưởng thành. Có lẽ cũng vì thế mà cậu con trai ấy có thêm một cái tên nữa là Vọng. Mai nói một câu gần như đúc kết, tính triết lý nằm sẵn trong suy ngẫm:

- Đứa con là sản phẩm lớn nhất của tình yêu, vợ chồng mà để lại đứa con không nên hình, coi như đời mình vô nghĩa. 

Nguyên gật gù đồng ý rồi chủ động đứng lên:

- Nói với nhau về con cái, về chuyện đời chắc là còn dài. Tôi hẹn Mai lúc khác ghé lại chơi.

Tạm biệt mẹ con Vọng, Nguyên vào trang trại. Anh cứ nghĩ lan man về những lần gặp gỡ tình cờ với mẹ con Vọng, rồi tự trách mình trót nặng lòng đa cảm. Hẹn với Mai như thế, nhưng rồi nghĩ lại, Nguyên hơi ái ngại. Tự dưng lại đến nhà một góa phụ trẻ rồi chuyện trò thân mật như người trong nhà, nghĩ cũng vô duyên. Mối quan hệ thánh thiện tình người trong hoàn cảnh như thế này biết mấy ai tin được. Chắc là Nguyên sẽ không ghé lại nữa, thích thằng Vọng thì nhắn nó vào chơi. 

Vọng cùng tuổi với đứa con trai đầu của Nguyên, cũng vừa thi tốt nghiệp phổ thông và đang chờ vào đại học, hoặc đi nghĩa vụ quân sự. Cậu con Nguyên thiên hướng thích âm nhạc chứ không có sự kiên nhẫn và khiếu thẩm mỹ của người chơi cây kiểng. Chắc Nguyên là một người cha tham lam, muốn con mình có tất cả các năng khiếu. Anh yêu mến Vọng, đó cũng là ước muốn một sự bù trừ, bổ khuyết cho đứa con sắp trưởng thành, đang góp nhặt hành trang để bước vào đời.

Gần trưa, Vọng vào vườn chơi với Nguyên. Sau khi nghiêng ngó xem mấy cây xoài, mấy gốc tiêu, cậu ta đưa ra một nhận xét:

- Tướng nghệ sĩ như bác, chắc là không thâm canh nổi vườn tược như người ta đâu, để con ươm cho mấy trăm cây mai. Nếu có một rừng mai nở vàng rực trong nắng xuân giữa núi đồi như thế này, thì đến tiên trên trời cũng hạ cánh xuống kết bạn.

- Lãng mạn vừa thôi cậu ấm ạ! Mà cứ ươm thử đi, biết đâu bác cháu ta sẽ lập được một vườn tiên ở cõi này.

 Vọng dẫn Nguyên đi đào hai gốc găng mới tìm thấy trong Hố Chuối. Hai gốc cây cằn cỗi gân guốc rất có thế làm một tiểu cảnh, dáng gần giống nhau. Vọng thích thú ngồi gật gù ngắm nghía. Lúc này trông cu cậu đăm chiêu như một ông cụ non.

-  Chỉ độ mươi hôm thì bén rễ, đâm chồi. Con sẽ uốn hai cây giống hệt nhau như anh em sinh đôi. Bác đem một cây về phố, biết đâu cây cỏ cũng có hồn sinh học, cũng biết nhớ thương nhau.

Nguyên thấy thật thú vị, dần dần Vọng lộ nguyên hình là một chàng trai giàu mơ mộng, với những suy tưởng trong veo. 

***

Vì bận việc, tiếp theo là chuyến công tác xa, gián đoạn một thời gian Nguyên không lên thăm vườn. Từ ngày gặp Vọng, Nguyên cảm thấy nhớ rừng hơn. Những ngày gần đây, anh có cảm giác bồn chồn khó tả. Hình như nơi ấy có vương thêm một sợi nhớ chưa rõ hình hài. Xong việc, Nguyên tranh thủ trở về ngay. Vừa đặt chân đến nhà, anh có điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng gấp gáp của người bạn:

- Thằng Vọng lao xuống sông cứu người, bị đất lở đè ở Bến Cát.

- Lâu chưa? Giờ nó ở đâu?

- Nằm ở Gò Găng, mới mở cửa mả hôm qua... 

Nguyên chỉ nghe rõ được có thế, sau đó là tiếng gió thổi ào ào. Nguyên phóng xe thẳng lên phố núi, nghe mùi khói hương thoảng trong gió chiều, những tia nắng cuối ngày vàng vọt u buồn, anh đứng lại bần thần, cảm thấy lao đao như đứng trên ngọn sóng.

Vọng mất rồi, số phận đã sớm an bài một linh hồn xấu số, thắp nén hương thay lời vĩnh biệt, cúi đầu cắn chặt nỗi đau. Còn với Mai. Điểm tựa duy nhất của tâm hồn sụp đổ, tia hy vọng cuối cùng phụt tắt, biết an ủi như thế nào với một góa phụ mất con.

 Nguyên cố giữ điềm tĩnh để bước vào nhà, mấy người bà con lặng lẽ dãn ra nhường lối. Căn nhà bao phủ một làn khói mỏng tang, mùi trầm hương xông lên đậm đặc, cay mắt. Khăn trắng, liễn trắng, hoa trắng... tất cả còn mới nguyên, những ngọn nến cũng trắng lung linh, hư hư thực thực. Nguyên thắp nén hương, đứng cúi đầu rồi ngước lên để nhìn di ảnh của Vọng. Nhưng... một cái khung gương trống không. Anh quay lại nhìn mọi người, gặp toàn những khuôn mặt lạ, hai cô bé ngồi bệt dưới đất, đầu chít khăn tang. Vọng còn có em ư?

Nguyên ngồi xuống vỗ về, khẽ hỏi:

- Các cháu là em của Vọng à?

Chúng nó lắc đầu, mếu máo:

- Cứu được chúng con, nhưng... anh ấy không còn - Chỉ nói được như thế, hai con bé khóc tức tưởi.

Nghe một làn gió lạnh phía sau, Nguyên quay lại. Anh chạm phải một gương mặt trắng bệch buồn rười rượi, đôi mắt trũng sâu, cái nhìn vô cảm. Mai đi ra với bước chân của người mộng du, ngóng vào hướng núi. 

Nguyên lặng lẽ đi theo, vòng ra sau nhà thăm cái tiểu hoa viên của Vọng. Hòn Vọng Phu vẫn đứng đó im lìm, được choàng thêm một dải băng tang, tất cả những cây trong vườn cũng đều được cài một mảnh khăn trắng như cánh bướm. Và hai gốc cây găng sinh đôi hai bác cháu mới lấy về hôm nọ được trồng vào chậu sứ để cạnh khóm mẫu đơn, giờ đã nảy chồi xanh non. Hình như, Nguyên nhìn thấy ở mỗi mắt lá rịn ra một giọt sương trong vắt. Anh chợt nhớ câu nói của Vọng: “Biết đâu cây cỏ cũng biết nhớ 
thương nhau!”.

 Bùi Tự Lực

(*) Bông trang: hoa mẫu đơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI