Hóa trang cho đám cưới

20/09/2015 - 08:08

PNO - Tôi nên diễn vai vợ chồng cho qua đám cưới, hay nói thật với bên nhà trai? Liệu họ có vì tôi cô lẻ, mà coi thường con gái tôi không?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi hơn 50 tuổi, hôn nhân kết thúc cách đây hơn 10 năm, tôi tự mình bươn chải gầy dựng cơ nghiệp, nuôi hai con gái. Cháu lớn nay đã học xong đại học, muốn tôi và chồng cũ trở lại, để đám cưới nó được trọn vẹn có cả cha lẫn mẹ.

Nuôi con khôn lớn, tôi cũng muốn con được hạnh phúc, nở mày nở mặt khi về nhà chồng. Nhưng quả thật tôi không chịu nổi khi chồng cũ trở lại gia đình này. Ông ta là người nghiện cờ bạc, gái gú, nợ nần phức tạp, đã có mấy mối quan hệ không ra gì từ khi chúng tôi ly hôn.

Tôi có thể hy sinh vì con. Nhưng mấy ngày trước ông ta trở lại nhà để chuẩn bị đám hỏi, nhìn thấy tôi có chút ít tiền bạc nhà cửa, liền giở trò cù nhầy đòi ở lại trong nhà, đòi hỏi chuyện này chuyện nọ, tôi phải đưa tiền mới tống được ông ta đi.

Cứ năm bữa mười ngày, ông ta mò qua kiếm chuyện, nói là hỏi chừng nào đám cưới, nhưng thực ra là để xin tiền. Tôi dặn con gái út đóng cửa nhà không mở, ông ta đứng ngoài chửi con bất hiếu, thứ vợ theo trai…

Tôi nghĩ tới ngày đám cưới của con mà rối ruột quá. Tôi có nên diễn vai vợ chồng cho qua đám cưới, hay nên nói thật với bên nhà trai? Liệu họ có vì tôi cô lẻ, mà khi dễ coi thường con gái tôi không?

Phan Thị Năm (TP.HCM)

Hoa trang cho dam cuoi
Ảnh: Shutterstock

Chị Năm thân mến,

Chuyện “đóng giả” vợ chồng trong đám cưới, là nhằm giữ hình ảnh gia đình đầy đủ, trọn vẹn cho con gái chị. Nhưng cái hình ảnh đó chắc cũng chỉ giữ gìn được mấy ngày là cùng, trước sau gì gia đình thông gia cũng phát hiện rằng chị và chồng đã ly hôn từ lâu, chị một mình nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng.

 Lúc phát hiện ra điều này, nhà người ta chắc sẽ có nhiều băn khoăn, nhưng chắc là ít suy nghĩ nào tích cực đối với việc chị và chồng cũ giả vờ như vẫn là vợ chồng, gia đình hạnh phúc.

Chị nên cân nhắc coi có phải vì mấy chục phút đứng trên sân khấu hôn lễ, mà phải “hóa trang” làm vợ chồng của nhau, trong khi sự thật không hề như vậy và hậu quả có thể còn xấu hơn.

Nếu đã xác định không cần đóng giả, chị có thể sẽ phải chuẩn bị nhiều việc, trong đó có trấn an tinh thần cho con gái. Nói với cháu về việc chị có thể chấp nhận làm vậy, như một lần nữa hy sinh vì con, nhưng việc đó không mang lại gì, không làm cho cuộc hôn nhân của con tốt hơn mà có thể ngược lại.

Chị có thể gọi cả hai cháu vào nói chuyện thẳng thắn, nếu chồng chưa cưới của con gái chị hiểu và trình bày lại với cha mẹ mình là tốt nhất. Sau đó, chị cũng có thể nói thêm với ông bà thông gia, để hai bên hiểu nhau sâu hơn, lâu dài hơn.

Việc người mẹ một mình nuôi con, gầy dựng cơ nghiệp là điều đáng tự hào, chứ không phải tự ti gì đâu chị ạ. Chị hãy kiêu hãnh vì mình đã làm được một điều không dễ mấy ai làm được.

Vợ chồng thông gia sẽ tôn trọng một người mẹ đảm đang, nuôi con giỏi và đàng hoàng thẳng thắn. Riêng với chồng cũ, chị có thể thông báo việc hỷ của con gái, mời ông ta đến đám cưới, dù sao ông ấy vẫn là cha của con gái chị, nhưng đề nghị ông ta phải giữ tư cách người làm cha, cư xử cho đúng mực.

Nghĩa vụ của chị đối với ông ta chỉ là vậy, xong đám cưới là chấm dứt, không phải cưu mang hay mua chuộc nhờ vả gì. Có thể, vì biết thế bí của chị, phải nhờ ông ta làm diễn viên cùng đóng giả cảnh gia đình, nên ông ta mới kiếm chuyện vậy thôi.

Chúc chị giữ vững ý chí của mình trong suốt thời gian qua, để vững vàng giải quyết thấu tình đạt lý trong ngày đám cưới của con gái, mà không phải khoác áo hóa trang làm một người khác với bản thân mình.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI