Hộ chiếu vắc-xin: Nhiều nước tán thành, WHO còn chần chừ

09/03/2021 - 19:30

PNO - Ngành hàng không Mỹ mới đây chính thức yêu cầu chính phủ nước này có biện pháp cấp thông tin xác thực cho khách du lịch - xác nhận người mang giấy tờ đã được xét nghiệm COVID-19 hay đã tiêm chủng, có tác dụng như một tấm “hộ chiếu vắc-xin” - nhằm mục đích khai thông ách tắc để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Du khách nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 tại Sân bay Quốc tế JFK ở New York (Mỹ) - Ảnh: AP
Du khách nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 tại Sân bay Quốc tế JFK ở New York (Mỹ) - Ảnh: AP

Các tập đoàn hàng không và doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đang yêu cầu chính quyền Biden phát triển thông tin xác thực tạm thời, cho phép du khách chứng minh họ đã được xét nghiệm và tiêm vắc-xin COVID-19, một bước đi mà ngành hàng không tin rằng sẽ giúp hồi sinh du lịch nước nhà.

Nhiều nhóm và quốc gia khác nhau đang làm việc để phát triển cái gọi là “hộ chiếu vắc-xin” nhằm mục đích cho phép đi lại nhiều hơn. Tuy nhiên, các hãng hàng không lo ngại rằng việc áp dụng thông tin xác thực khu vực sẽ gây nhầm lẫn và không có thông tin nào được chấp nhận rộng rãi.

“Điều quan trọng là phải thiết lập hướng dẫn thống nhất” và “Hoa Kỳ phải là người đi đầu trong việc này”, hơn hai chục nhóm cho biết trong lá thư đề ngày 8/3 gửi điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient. Tuy nhiên, các nhóm cho rằng tiêm chủng không nên là điều kiện bắt buộc khi đi lại trong nước hoặc quốc tế.

Các nhóm vận động bao gồm các tổ chức thương mại hàng không chính của Hoa Kỳ và quốc tế, các liên đoàn lao động hàng không và Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Nhà Trắng chưa có ý kiến gì về động thái khai thông du lịch này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan quản lý hàng không của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang nghiên cứu thông tin để có thể đưa vào nội dung xác thực. Các nhóm hàng không rất mong muốn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đóng vai trò chủ đạo, họ tin rằng điều đó sẽ đảm bảo cho tính xác thực và hợp pháp của thông tin.

CDC hôm 8/3 đã ban hành một hướng dẫn mới liên quan đến những người được tiêm chủng đầy đủ, theo đó, các đối tượng này không cần đeo khẩu trang khi gặp gỡ những người đã được tiêm chủng và thăm những người chưa được tiêm chủng trong một hộ gia đình có nguy cơ mắc COVID-19 thấp. Tuy nhiên, CDC vẫn khuyến cáo không nên đi du lịch, vì hoạt động du lịch tăng cao thường kéo theo sự tăng các ca nhiễm, theo tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC.

Bà Walensky lưu ý rằng nhiều biến chủng COVID-19 hiện đang lan rộng ở Hoa Kỳ vốn ban đầu xuất hiện ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, bà vẫn cho rằng khi dữ liệu ngày càng nhiều, CDC có thể sớm chấp thuận việc đi lại của những người đã được tiêm chủng.

Các hãng hàng không Mỹ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Mặc dù đã phục hồi một phần, các hãng hàng không vẫn lỗ 150 triệu USD mỗi ngày, theo tập đoàn thương mại Airlines for America (Hàng không cho nước Mỹ). Tại Hoa Kỳ, số người đi qua các sân bay giảm gần 60% trong năm nay so với năm 2019, năm trước khi đại dịch bùng phát. Hầu hết số hành khách hiện nay bay theo các tuyến nội địa.

Các hãng hàng không đang tin tưởng vào việc tiêm chủng rộng rãi có thể thúc đẩy du lịch và và ban hành cái gọi là “hộ chiếu vắc-xin” để thúc đẩy các chuyến bay quốc tế sinh lợi cao.

Theo kênh truyền hình CNN, đã có thời du khách quốc tế phải mang theo một cuốn sổ nhỏ màu vàng có tên là "Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế". Tài liệu này chứng thực người mang hộ chiếu đã được tiêm phòng thương hàn, bệnh tả, sốt vàng da, bệnh đậu mùa, thậm chí cả bệnh dịch hạch. Nhưng vào năm 1980, Đại hội đồng Y tế Thế giới tuyên bố thế giới không còn bệnh đậu mùa và nhu cầu về giấy chứng nhận tiêm chủng cũng giảm dần.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khuấy đảo toàn cầu như hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc lên tiếng ủng hộ việc sử dụng chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 (hộ chiếu vắc-xin) như là một giải pháp tháo gỡ cho việc đi lại giữa các nước. Báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) cho biết các lãnh đạo EU ước tính cần phải mất 3 tháng để đưa chương trình "hộ chiếu vắc-xin" vào hoạt động. "Mục tiêu – như quan điểm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen – là giúp cho các công dân EU có thể di chuyển an toàn trong khối, hoặc ra nước ngoài làm việc hay du lịch”.

Bộ Y tế Thái Lan công bố một hộ chiếu vắc-xin, một ý tưởng được kỳ vọng có thể giúp ngành du lịch nước này phát triển” - Ảnh: Bangkok Post/Bộ Y tế Thái Lan
Bộ Y tế Thái Lan công bố một hộ chiếu vắc-xin, một ý tưởng được kỳ vọng có thể giúp ngành du lịch nước này phát triển” - Ảnh: Bangkok Post/Bộ Y tế Thái Lan

Các quốc gia như Mỹ, Vương quốc Anh, Thái Lan, cũng như các quốc gia EU, được cho là đang cân nhắc một hộ chiếu kỹ thuật số, cho phép công dân chứng minh họ đã được tiêm phòng vắc-xin COVID-19.

Hiện nay, đang có các cuộc tranh luận, đặc biệt là ở châu Âu, về việc có nên đưa “Giấy chứng nhận tiêm chủng” trở lại hay không, nay gọi là “hộ chiếu vắc-xin”.  Ủy ban châu Âu bày tỏ ủng hộ đối với giấy chứng nhận tiêm chủng Digital Green Pass (Thông hành số màu xanh), với một mã QR cá nhân và duy nhất, sẽ thống nhất trên toàn châu lục. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của “giấy thông hành”  này.

Đơn giản vì quy trình tiêm chủng rất khác biệt ở 27 quốc gia thành viên. Ví dụ, ở Pháp, đến ngày 3/3 chỉ có 7% dân số được tiêm chủng, dù chỉ mới một liều, trong khi đó, tỷ lệ ở Serbia là 22,5%, ở Malta là 19% và ở Đan Mạch là 11%.

Giám đốc điều hành các chương trình khẩn cấp của WHO - tiến sĩ Michael Ryan - cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến thông qua Zoom hôm 8/3 tại Geneva rằng tổ chức này không đề xuất chứng nhận tiêm chủng, "đơn giản vì lượng vắc-xin để tiêm chủng không đủ trên toàn thế giới và chắc chắn không được cung cấp trên cơ sở công bằng”.

Tiến sĩ Ryan nhấn mạnh “giấy thông hành vắc-xin, hay “hộ chiếu vắc-xin COVID-19” vì vậy không nên được sử dụng cho các chuyến du lịch quốc tế. Ông lưu ý rằng, ý tưởng này này có thể không công bằng đối với những người không thể tiêm vắc-xin vì một số lý do nhất định, và việc yêu cầu hộ chiếu vắc-xin có thể tạo điều kiện để “sự bất bình đẳng và không công bằng được áp dụng cho một hệ thống”.

Việt Hưng (theo AP, CNN, Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI