Hết nắng lại mưa, trẻ mắc hen suyễn tăng

17/08/2022 - 12:33

PNO - Chỉ trong hai tuần, trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là hen suyễn có dấu hiệu tăng nhanh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Hen suyễn hành hạ

Những ngày qua, cả nhà bé T.B.Y. (sáu tuổi, ở tỉnh Bình Dương) không dám rời mắt khỏi con bởi các cơn hen suyễn hành hạ bé cứ kéo đến liên tục. Để dự phòng, ngoài một bình xịt định liều đặt ở vị trí dễ thấy nhất, các thành viên trong gia đình cũng bỏ túi các chai khác dự phòng phát hiện sẽ kịp cắt cơn hen cho bé. Tuy nhiên, hiện tại mưa, nắng thất thường, sức khỏe của bé Y càng đáng lo ngại. Ngay cả đang ngồi xem ti vi, cơn hen suyễn cũng bỗng dưng bộc phát, thậm chí bé cũng thở dốc khi đang ngủ say. Anh Trương Xuân Vui (34 tuổi, ba của bé Y.) cho biết: “Cả tuần nay, bé mệt đến nỗi phải vào ra bệnh viện tỉnh mấy lần. Đợt này, bé nặng quá, ở tỉnh chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) nhập viện”.

Ở bệnh viện này, nằm cạnh giường bé Y. là bé N.V.B. (năm tuổi, ở TPHCM) cũng nặng nhọc hít từng hơi dài qua dây ô-xy râu gắn mũi. Không thể nằm thẳng như các anh, chị khác cùng phòng, lâu lâu, mẹ của bé phải kê mền, gối dưới lưng cho bé tựa vào. Theo chị Nguyễn Thùy Tiên (mẹ của bé B.), từ khi được sinh ra, bé B. ít có ngày nào ngon giấc bởi nhiều vấn đề về hô hấp, nhất là khi chuyển mùa. “Bác sĩ nói hen suyễn không hết được, phải cho con tránh xa tác nhân gây hen, nhưng con tôi lại dị ứng với sợi bông, bụi, thời tiết. Dù cố gắng đổi rất nhiều loại vải quần áo cũng như mền, mùng vẫn không thể tìm được loại phù hợp. Bây giờ, mỗi ngày hết mưa lại nắng, bé như dính vào máy xông mới thở nổi”, chị Tiên thở dài.

Theo chị Tiên, cũng bởi các cơn hen suyễn dồn dập, kèm theo sử dụng thuốc nhiều năm, thể trạng bé B. cũng còi cọc, chưa thể đi học. Chị xót con: “Từ khi TPHCM bắt đầu vào mùa mưa, vợ chồng chỉ biết cố gắng giữ nhà cửa sạch sẽ, thay phiên nhau đi làm, thức canh cho con ngủ mà cuối cùng cơn hen vẫn kéo đến”.

Ở các giường khác, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn hồi hộp quan sát hơi thở của con. Chốc chốc, tiếng máy hỗ trợ thở của một bé lại vang lên làm cho cả phòng bệnh thấp thỏm.

Mấy ngày qua, bé B. được bác sĩ cắt cơn hen, hỗ trợ thở bằng ô-xy râu nên mới có thể nằm thẳng thoải mái. Trước đó, bé phải kê thêm mền, gối dưới lưng mới dễ thở - ẢNH: PHẠM AN
Mấy ngày qua, bé B. được bác sĩ cắt cơn hen, hỗ trợ thở bằng ô-xy râu nên mới có thể nằm thẳng thoải mái. Trước đó, bé phải kê thêm mền, gối dưới lưng mới dễ thở - ẢNH: PHẠM AN

Bệnh nhi tăng bất thường

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo - Phó khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết hai tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhi nhập viện vì hen suyễn đang tăng lên. Cứ 200 bệnh nhi nằm viện vì những bệnh liên quan đường hô hấp thì có đến 60 trẻ bị hen suyễn. Phân tích về nguyên nhân, bác sĩ Thảo nói thêm, trong giai đoạn dịch COVID-19, ngành y tế khó khăn trong chẩn đoán và phát hiện chính xác hen suyễn ở trẻ, đặc biệt là trẻ từ 0-2 tuổi. Ở lứa tuổi này, bác sĩ không thể sử dụng các kỹ thuật chuyên sâu như đo chức năng hô hấp. Thông thường, các bác sĩ chỉ dựa vào chẩn đoán lâm sàng, yếu tố gia đình, như người thân có cơ địa dị ứng, hen suyễn, hoặc bản thân trẻ bị dị ứng với bụi, sợi vải... sau đó mới kết luận theo chỉ số dự đoán hen suyễn ở trẻ. 

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, năm nay bệnh hen suyễn ở trẻ em đặc biệt hơn so với mọi năm. Trẻ ở nhà quá lâu, nên không tiếp xúc với các mầm bệnh, kháng thể giảm, khi đến trường cơ thể của trẻ dù có tạo miễn dịch mới nhưng cũng dễ bị nhiễm siêu vi hô hấp, vi-rút cúm, vi-rút hợp bào… Từ đây, các cơn hen suyễn có thể “kích hoạt” trở lại. Đặc thù của hen suyễn là phải có yếu tố khởi phát cơn hen. Khi ở nhà quá lâu, trẻ được người lớn giúp “cắt cơn” chủ động, hạn chế các tác nhân nên ít bộc phát. Đến khi trẻ bị nhiễm siêu vi hô hấp, kèm theo chuyển mùa, các cơn hen bắt đầu xuất hiện và tần suất dồn dập hơn.

Trước lo ngại trong thuốc cắt cơn hen suyễn có thành phần corticoid nên cha mẹ rất hạn chế cho trẻ sử dụng. Các bác sĩ cảnh báo, khi bệnh nhi mắc hen suyễn nếu không được quản lý tốt, cơ chế bệnh có thể gây ra viêm hô hấp mạn tính, co thắt đường thở. Ở mỗi bình xịt định liều, các nhà sản xuất cũng cân nhắc về định lượng corticoid. Vì vậy, cha mẹ nên can thiệp ngay từ đầu sẽ giúp trẻ giảm tắc nghẽn đường thở, giảm đàm nhớt và tình trạng viêm. Ngược lại, cha mẹ cũng không nên quá nôn nóng mà cho trẻ sử dụng corticoid dạng uống, hay tăng liều dùng để điều trị cho con mà hãy nhờ bác sĩ tư vấn, theo dõi kỹ.

“Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn, nếu tự ý sử dụng những chế phẩm chứa thành phần corticoid trong thời gian dài, liều cao thì nguy cơ đối mặt với tác dụng phụ của thuốc rất lớn. Hậu quả, trẻ sẽ chậm phát triển chiều cao, loãng xương, tăng nội tiết trong cơ thể, hội chứng cushing, vàng da, tích nước... rất nguy hiểm”, bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo nói. 

Phạm An - Sỹ Lý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI