Tiêm vắc xin không làm tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ

20/07/2025 - 13:40

PNO - Một nghiên cứu lớn khẳng định, tiêm vắc xin không gây tình trạng tự kỷ, thậm chí có thể bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc chứng tự kỷ.

Năm 2025, trẻ em Đan Mạch được tiêm đại trà vắc-xin phòng ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não B, bệnh phế cầu khuẩn, sởi, quai bị và rubella - Ảnh: Getty Images
Năm 2025, trẻ em Đan Mạch được tiêm đại trà vắc xin phòng ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não B, bệnh phế cầu khuẩn, sởi, quai bị và rubella - Ảnh: Getty Images

Trong nhiều thập kỷ, nhiều cha mẹ phần nào lo ngại trước thông tin chứng tự kỷ có mối liên hệ tiềm ẩn với vắc xin sởi, quai bị và rubella (MMR).

Những nghi ngờ về tính an toàn của mũi tiêm vắc xin dấy lên sau khi cựu bác sĩ Andrew Wakefield (Anh) trình bày một nghiên cứu vào năm 1998, nói rằng nó có liên quan đến sự gia tăng các trường hợp tự kỷ ở trẻ em. Nghiên cứu sau đó đã bị bác bỏ.

Trong báo cáo mới công bố trên Tạp chí Nội khoa của Hiệp hội bác sĩ Mỹ, các nhà khoa học xem xét hồ sơ sức khỏe của hơn 1,2 triệu trẻ sinh tại Đan Mạch từ năm 1997-2018, tất cả đều đã được tiêm chủng định kỳ.

Sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Đăng ký khai sinh y tế quốc gia của Đan Mạch, họ tìm hiểu liệu việc tiêm chủng có làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính trong số 50 bệnh lý phổ biến (bệnh tự miễn, như tiểu đường tuýp 1, dị ứng, hen suyễn và các rối loạn phát triển thần kinh, bao gồm tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý - ADHD).

Các nhà nghiên cứu tập trung vào lượng nhôm mà trẻ hấp thụ qua các mũi tiêm đầu đời.

Nhôm được thêm vào một số loại vắc xin để giúp tăng cường phản ứng miễn dịch, và những người vận động chống vắc xin từ lâu đã lên án rằng nó có thể gây hại - đặc biệt là đối với não bộ đang phát triển của trẻ.

Kết quả, không có sự gia tăng đáng kể về nguy cơ mắc bệnh. Thậm chí, ở một số trường hợp, nguy cơ mắc bệnh (bao gồm chứng tự kỷ) ở những trẻ được tiêm nhiều hơn còn thấp hơn một chút.

Đây là bằng chứng khoa học mới nhất giúp bác bỏ những tuyên bố rằng vắc xin, hoặc nhôm trong vắc xin, gây tác hại lâu dài.

Giáo sư Anders Hviid - tác giả nghiên cứu cao cấp và là chuyên gia về dịch tễ học tại Viện Huyết thanh Statens (Bộ Y tế Đan Mạch) - cho biết: “Nghiên cứu cung cấp bằng chứng rõ ràng, mạnh mẽ về tính an toàn của vắc xin dành cho trẻ em”.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, ngay cả khi trẻ lên 8 tuổi và được tiêm nhiều vắc xin hơn (nghĩa là tiếp xúc với nhiều nhôm hơn), thì nguy cơ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cũng không tăng.

Linh La (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI