Chuyên đề: Người già, vẫn cần tương lai...

Đường vào viện dưỡng lão vẫn... xa vời

29/10/2020 - 10:11

PNO - Chúng tôi đến gặp Bùi Anh Trung - Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ (H.Củ Chi, TP.HCM) khi ông vừa lo hậu sự cho mẹ. Mẹ ông từng là một thành viên tích cực của viện dưỡng lão. Vị giám đốc của viện dưỡng lão có giấy phép số 01 của TP.HCM này, đã dùng chính sự nghiệp mình sáng lập, để phụng dưỡng mẹ già.

Phóng viên: So với thời ông mới bước vào lĩnh vực dưỡng lão, cái nhìn của xã hội đối với mô hình này đã cởi mở hơn chưa?

Gần tròn tháng kể từ ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10), những câu chuyện về người già vẫn được giở ra rồi xếp lại. Những người già cô quạnh, vẫn cô quạnh. Chuyện của người già có thể là chuyện của đạo hiếu gia đình, cũng có thể do vấn đề tiện nghi xã hội. Nhưng, rào cản lớn và dai dẳng nhất với hạnh phúc người già hầu hết đến từ những định kiến đang lặng lẽ tồn tại…

Giám đốc Bùi Anh Trung: Giải pháp tốt nhất cho người già vẫn là nhận được sự chăm sóc đúng cách của con cháu. Giải pháp thứ hai là gửi vào viện dưỡng lão. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản tâm lý trong việc gửi người già vào viện dưỡng lão. Trong khi đó, đây là nơi tiếp sức cho các gia đình, giải phóng sức lao động trong việc chăm sóc người già. Theo thực tế, có khoảng 10% người già được đưa vào viện dưỡng lão khá ức chế thời gian đầu vì chưa hiểu, chưa thích nghi. Trường hợp các con bất đồng thì viện sẵn sàng trả cụ về khi có người con khác đến rước.

* Dường như phần đông mọi người vẫn nghĩ ở nhà là tốt nhất, mà không cần biết điều kiện sống cho người già có được đảm bảo…

- Nhà chưa hẳn là môi trường lý tưởng nhất để chăm sóc người già. Dù sống chung nhà, người già vẫn có thể bị bỏ mặc. Hơn nữa, hiếm nhà riêng nào có đủ phương tiện hỗ trợ sự an toàn, thuận tiện cho việc tự sinh hoạt của người già. Sào phơi quần áo có thể quá cao, giường có thể thiếu thanh vịn... Con cái khó có thời gian chăm chút món ăn cho ngon mềm hay chuyện trò, tạo điều kiện cho người già đi giao lưu, sinh hoạt, thăm thú bạn bè.

Chưa kể, cha mẹ già đau bệnh càng khó tính, khó chiều. Văn hóa “ở nhà - ta là đại ca” nên người già dễ tự ý trong mọi việc ăn uống sinh hoạt, bất hợp tác với con cháu, bất cần chỉ định của bác sĩ. Không dễ thuê được người giúp việc đạt yêu cầu. Họ khó có thể có chuyên môn y khoa và nghiệp vụ để xử lý nghẹn, sặc...

Ở viện dưỡng lão có môi trường người già mà nhà giàu đến đâu cũng khó sánh được: chế độ dinh dưỡng được thiết kế theo tình trạng sức khỏe của từng cụ; có bộ phận y tế phát hiện xử lý biến động sức khỏe từng buổi sáng - chiều; có nhân viên nhẫn nại, pha trò đùa giỡn để cụ vui vẻ, hợp tác ăn uống, tập vật lý trị liệu, lau rửa vệ sinh, chăm sóc vết thương, vết loét. Đặc biệt viện dưỡng lão là môi trường giàu sự tương tác, giao lưu, các phong trào vui chơi giải trí để các cụ tập luyện trí não. 

Có cụ thường xuyên than phiền: “Sáng giờ chưa được cho ăn gì”. Tôi thử hỏi tiếp: “Thế cả tháng nay cụ vẫn chưa được ăn gì à?”. Cụ gật đầu thừa nhận. Thế là tất cả cùng cười và hiểu rằng do cụ lớn tuổi, kém trí nhớ chứ không phải bị bỏ bê. Đặt trường hợp cụ ở nhà, nếu các thành viên không hiểu, không khéo sẽ thành câu chuyện ngược đãi, trách cứ nhau, xào xáo cả lên. 

Ông Bùi Anh Trung
Ông Bùi Anh Trung - Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ (H.Củ Chi, TP.HCM) 

* Vậy, ông có lời nhắn gửi gì về việc chuẩn bị cho tuổi già, thưa ông?

- Tôi gọi chính xác là “chuẩn bị cho già hóa”, nhấn mạnh sự chuẩn bị này phải khởi đầu khi mình còn trẻ, rất trẻ. Nhiều người nghĩ mình đang trẻ khỏe, rồi đùng cái bị tai biến, không làm việc được nữa, lại cần người chăm sóc, lại tốn tiền tập vật lý trị liệu, thuốc men... nên sốc tâm lý, sinh chán nản buông xuôi. Từ khi còn đi làm, tạo thu nhập, mỗi người phải cân đối cuộc sống hiện tại của gia đình và tích lũy cho tương lai, tự chủ tài chính. 

Với người lao động có các loại bảo hiểm: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Khi chuyển việc, không chịu chuyển bảo hiểm xã hội mà nhiều người ham “nhận một cục” để tiêu xài ở hiện tại. Đến khi lớn tuổi, đau bệnh không có lương hưu, phải sống dựa vào người khác. Cũng có người bán nhà chia cho các con rồi không ở chung được đứa nào, thành ra vô gia cư. Chuẩn bị cho già hóa là chuẩn bị cả về sức khỏe, tài chính, pháp lý, môi trường sống, lao động phù hợp, vui chơi giải trí, thậm chí vấn đề nhạy cảm như tình dục. Đừng quên nhà dưỡng lão cũng là một trong những lựa chọn đáng lưu tâm trong việc chuẩn bị cho tiến trình già hóa. Nhiều nước trên thế giới còn có cả bảo hiểm dưỡng lão để ổn định, vững vàng khi tuổi xế chiều.

* Xin cảm ơn ông. 

(ảnh minh họa)
Nhà dưỡng lão là lựa chọn đáng lưu tâm của người cao tuổi và con cháu (ảnh minh họa)

 

TIẾNG THANH THAO ĐỌC THƠ, TIẾNG TRẦM BUỒN KỂ CHUYỆN ĐỜI...

Tình cờ, chúng tôi gặp nhà văn, đạo diễn Từ Hoàng Phụng (tên thật là Nguyễn Phúc Tiến, Giám đốc Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh UNESCO) tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ (ảnh). 

Ở tuổi 70, cơn đột quỵ, lần té cầu thang... khiến ông lâm vào cảnh lao đao ở tuổi già neo đơn, số tiền tích lũy cũng đã cạn sau nhiều đợt nằm bệnh viện. Tứ chi ông biến dạng vì chứng bệnh gout, nhất cử nhất động đều nhờ nhân viên viện dưỡng lão xoay trở.

Gặp phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông nhắn: “Chú nhờ con rao bán bản quyền những tác phẩm của chú để chú có cơ hội được chữa bệnh. Thơ của chú không tệ: Gàu sòng tát nước đêm qua/ Trăng còn non lắm thế mà hắt đi...”. Tiếng thanh thao đọc thơ, tiếng trầm buồn kể lại kỷ niệm từng có với bà mẹ năm nay tuổi đã ngoài trăm chen lẫn những tiếng rên rỉ, than oán vì cơn đau hành hạ. Tình cảnh của người nghệ sĩ tài hoa khiến kẻ đứng bên giường không cầm được nước mắt.

Bước ra khỏi phòng hồi sức tích cực của viện dưỡng lão, chúng tôi còn văng vẳng bên tai lời dặn dò: “Chú mong được sống thêm 20 năm nữa để hoàn tất những công trình dang dở là những cuốn hồi ký, truyện ngắn, thơ, phim... Con nhớ đăng là chú muốn bán bản quyền để trị bệnh nhé con! Những bài thơ của chú, chú rất quý, chắc sẽ có người cũng yêu quý nó”. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)​

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI