Chuyên đề: Người già, vẫn cần tương lai...

Không còn đáng sợ khi về già

29/10/2020 - 14:00

PNO - Làm sao người già có những ngày về chiều yên ả không phải vất vả mưu sinh khi sức khỏe không còn cho phép, làm sao khi về già không phải đau đáu lo miếng ăn và khi đau ốm thì được chăm sóc phù hợp.

Bà nội tôi năm nay 93 tuổi, bà vào viện dưỡng lão sống đã gần bốn năm theo chế độ chăm sóc đặc biệt của nhà nước vì ông nội tôi sinh thời là người có công với cách mạng.

Bà sống thoải mái trong một căn nhà riêng của viện dưỡng lão với đầy đủ tiện nghi thiết yếu, được chăm sóc chu đáo từ miếng ăn đến giấc ngủ và sinh hoạt cá nhân.

Gần tròn tháng kể từ ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10), những câu chuyện về người già vẫn được giở ra rồi xếp lại. Những người già cô quạnh, vẫn cô quạnh. Chuyện của người già có thể là chuyện của đạo hiếu gia đình, cũng có thể do vấn đề tiện nghi xã hội. Nhưng, rào cản lớn và dai dẳng nhất với hạnh phúc người già hầu hết đến từ những định kiến đang lặng lẽ tồn tại…

Tuy nhiên, đó không phải là bức tranh điển hình cho phần lớn người cao tuổi tại Việt Nam. 

Ông Tám, hàng xóm của bà tôi ở quê, năm nay ngót nghét 65 tuổi, ông Tám chỉ có một chân, sống cùng hai con chó trong căn nhà xập xệ. Trước còn khỏe, mỗi buổi chợ phiên ông còn đem đồ nghề bơm ga hộp quẹt cho người ta cũng kiếm được mấy đồng mua con cá ăn qua bữa. 

Rồi sức khỏe yếu, thêm phần người ta chuyển qua chuộng hộp quẹt xài một lần, ông đành bỏ nghề. Hằng tháng, con trai ông ở Sài Gòn gửi về cho ông mấy triệu đồng để mua đồ ăn, thức uống, bảo ông vào Sài Gòn ở cùng để tiện chăm sóc nhưng ông nhất quyết từ chối, ông bảo “tao ở quê quen rồi, vào Sài Gòn ngột ngạt lắm”. 

Mấy lần ông đổ bệnh hay lên cơn tăng huyết áp bất thường, hàng xóm phải phụ kêu xe đưa ông đi cấp cứu. Rồi ông xuất viện, lại về nhà, thui thủi cùng mấy con chó, chống nạng đi vào đi ra. 

Không phải ai cũng có cuối đời tốt đẹp trong nhà dưỡng lão (ảnh minh họa)
Không phải ai cũng được trải nghiệm phần cuối đời tốt đẹp trong viện dưỡng lão (ảnh minh họa)

Những ngày về già trôi qua trong cô quạnh hay phải vất vả bươn chải mưu sinh có lẽ là một trong những lo lắng của người già ở nước ta. Ở Việt Nam, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, ngoài một số ít được hưởng trợ cấp xã hội thì có hơn 70% người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống.

Việc người già còn đủ sức khỏe để lao động phù hợp và tạo ra giá trị là điều đáng mừng, bởi lao động cũng tạo ra niềm vui cho họ. Vấn đề trăn trở ở đây là có nhiều người già không còn sức khỏe vẫn phải mưu sinh và vì không có khoản tiền tiết kiệm dưỡng già hay bảo hiểm mà phải lệ thuộc vào con cái. Đáng buồn thay là không ít trường hợp trở thành nạn nhân của bạo hành bởi chính những đứa con của mình. 

Khi còn học tập tại Úc, tôi rất ấn tượng với hình ảnh những cụ bà sành điệu mặc váy đẹp và tô son bắt xe điện đi gặp gỡ bạn bè. Phần lớn họ có một cuộc sống tự chủ, độc lập và viên mãn ở tuổi già khi có thể làm điều mình thích mà không phải áp lực mưu sinh. Mọi công dân Úc đều được cấp bảo hiểm chăm sóc y tế và sau 65 tuổi, họ sẽ nhận được trợ cấp hưu đủ để chi trả cho cuộc sống của mình. Nếu cần được chăm sóc, họ có thể chọn dịch vụ chăm sóc tại nhà hay vào viện dưỡng lão và họ hoàn toàn có thể chi trả dịch vụ bằng tiền hưu trí.

Mặc dù nhiều người già ở Úc không mấy mặn mà với việc trải qua những năm tháng xế chiều trong nhà dưỡng lão, phần lớn họ cho biết đây là nơi họ cảm thấy cô đơn và buồn tẻ. Nhưng nếu nhìn việc này với thang nhu cầu Maslow ở bậc thấp hơn là đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thể lý và an toàn, thì ít ra cuộc sống của người già nơi đây cũng đã được đảm bảo. 

Lại quay về câu chuyện già hóa ở Việt Nam, làm sao người già có những ngày về chiều yên ả không phải vất vả mưu sinh khi sức khỏe không còn cho phép, làm sao khi về già không phải đau đáu lo miếng ăn và khi đau ốm thì được chăm sóc phù hợp. Hay đúng hơn, làm sao cho người già có một tương lai? Với mức trợ cấp trên dưới 500.000 đồng/tháng cho người trên 80 tuổi hiện nay ở nước ta và tình hình vật giá thị trường, bài toán cân đo chi tiêu cho người già trở nên vô cùng nan giải.

Nhiều người già vất vả mưu sinh (ảnh minh họa)
Nhiều người già đang vất vả mưu sinh ngoài đường (ảnh minh họa)

Tôi chợt nhớ tới cô Nguyệt, mẹ của chị bạn tôi, cô năm nay 63 tuổi và về hưu được tám năm. Là công chức nên khi về hưu cô có lương hưu và bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe. Theo dõi cô trên Facebook tôi không thấy ở cô hình ảnh điển hình của các bà mẹ quê quẩn quanh nhà nấu cơm, quét dọn hay trông cháu cho con cái mà là một người phụ nữ có tuổi độc lập, năng động tích cực tham gia thể dục thể thao, gặp gỡ bạn bè, du lịch và dành đam mê cho viết lách. Cô nói, khi già yếu cô sẽ chọn vô viện dưỡng lão ở cùng bạn bè mình là những người bạn thân lâu năm của cô.

Nói về việc ở cùng con cái cô chia sẻ: “Cô nghĩ tụi cô là thế hệ có hiếu cuối cùng và là thế hệ đầu tiên tự nguyện được con cái bỏ rơi. Dù có yêu cha mẹ thì chúng cũng có công việc bận rộn và các mối quan tâm riêng... sao mà bên mình được. Khi mình độc lập tài chính và tự chủ được cuộc sống thì về già sẽ không còn đáng sợ”.  

Con người ta dễ chông chênh khi bước vào tuổi bên kia sườn dốc. Tương lai nào cho người già và cho cả chúng ta ở một ngày không xa? Tự chủ tài chính và tích góp cho kế hoạch về già là một trong những chìa khóa giúp người già chủ động lựa chọn cuộc sống phù hợp cho mình. Đã đến lúc chúng ta nên xem “trẻ cậy cha, già cậy con” chỉ là một trong những sự lựa chọn chứ không phải là lựa chọn duy nhất khi về già. Không phải vai trò phụng dưỡng, hiếu thảo với cha mẹ bị xem nhẹ hơn mà là vai trò làm chủ cuộc đời của chúng ta nên được tăng cường, để dù là về già, cũng cần có một tương lai. 

Ly Bùi
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI