Hậu ly hôn, người ta chỉ yêu cho vui?

22/05/2021 - 18:36

PNO - Chỉ có chị biết là mình hay nhìn lên tờ lịch để mong chờ ngày anh đến. Giữa những thông tin đầy hoang mang về dịch bệnh, chị vịn vào nỗi đợi chờ anh đến như một điểm tựa an toàn.

Ly hôn ở tuổi bốn mươi, hai đứa con khi đó mười ba và mười sáu, chị rơi từ bể khổ vì chồng xuống… bể khổ vì con! Ra tòa, chị hồi hộp đợi nghe câu hỏi “Con muốn ở với ba hay với mẹ?”. Dù mẹ con đã nhiều lần ôm nhau khóc vì chồng, vì cha nhưng biết đâu được sự bất ngờ…

Cầm tay các con dắt ra khỏi tòa án, chị tưởng từ đây đã thoát khổ, chỉ còn cố gắng làm ăn nuôi con ăn học. Nào ngờ hai đứa bỗng lười nhác, ham chơi rồi đổ thừa tại cha mẹ lục đục khiến tụi nó buồn nản học không vô. Lý do này khiến chị nghẹn lời… Cứ như là chính chị đẩy con mình vào tình cảnh tệ hại.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Bên ngoài, chị gồng mình chứng tỏ với thiên hạ là dù gia đình lệch một phía, hai con của chị vẫn được chăm sóc đủ đầy, để rồi khi đóng cửa nhà, chị lại bất lực trong nỗi hoang mang tận cùng.

Trước kia hết lòng vì chồng thì nhận lại sự phũ phàng, nay hết lòng vì con thì nhận lại sự hỗn hào. Chị buồn và mệt đến nỗi muốn buông tay.

Thế nhưng con của mình mà, làm sao buông cho được. Chị lại cố, lại thủ thỉ khuyên nhủ, cả nước mắt lẫn la mắng… và tiếp tục bất lực trước cánh cửa phòng đóng kín từ chối mọi giao tiếp với mẹ. Căn nhà chị cố hết sức xây đắp thành tổ ấm có lúc chỉ còn là nhà trọ có ba phòng dành cho ba người.

Đến một chiều đi làm về, chị ngạc nhiên thấy phòng khách sạch sẽ tươm tất, trên bàn có bình hoa hồng đỏ thắm và ổ bánh kem với dòng chữ “Mừng sinh nhật mẹ”. Chị chớp mắt, tưởng mình đi lạc vào nhà ai. Hai đứa con giấu mặt sau tấm rèm cửa bất thình lình nhô đầu ra ú òa…

Chị ngạc nhiên và vui mừng đến trào nước mắt…

*

Mỗi khi mấy bà trong “hội bà tám” than van chuyện con cái bỗng đổi tính kỳ lạ, chị kể lại giai đoạn dậy thì dở dở ương ương của con mình như một kinh nghiệm xương máu.

Ừ, như để bù đắp cho những lúc khiến mẹ buồn khổ, hai đứa con xúm xít giành nhau lau bàn, lau nhà, giặt giũ để mẹ được nghỉ ngơi, rồi thì nhổ tóc sâu và đấm lưng, những cú điện thoại reo vang và con trả lời dõng dạc “Không, tao đang học bài” rồi liếc nhìn đợi mẹ nở nụ cười hài lòng…

Đáng gọi là hạnh phúc vô biên khi các con của mình đi lạc và tìm được lối quay về.

*
Bình yên đến với chị khá muộn mằn nên chị hết lòng nâng niu gìn giữ. Hơn một lần có người tử tế ngỏ lời mà chị thẳng thừng lắc đầu. Cuộc sống êm đềm với hai đứa con là quá đủ, chị sợ bất cứ sự thay đổi nào. 

Thế nhưng thay đổi vẫn cứ đến theo thời gian, khi con gái và con trai chị lần lượt lập gia đình. Trước đó, nghe hai đứa thì thào bàn tính vợ chồng anh hay vợ chồng em sẽ ở với mẹ mà chị cười ra nước mắt. Ừ, được con cái quan tâm vậy cũng là mãn nguyện.

Quá hiểu hạnh phúc lứa đôi không dễ dàng gì nên chị muốn các con mình được tận hưởng hết mức khi có thể. Nhân có một người đang lui tới, chị nói với con là mẹ cần có không gian riêng, hai đứa thỉnh thoảng về thăm mẹ là được rồi. 

*
Ban đầu, anh chỉ là cái cớ mà chị đẩy đưa để hai con yên lòng ra riêng, nhưng rồi chị quen dần với sự có mặt của anh. Ờ, chỉ là… Chị giật mình nhận ra mình đang quen dần với sự có mặt của người khác. Dễ dàng yếu lòng vậy sao? Không. Tuổi năm mươi già dặn từng trải, chị không cho phép người khác làm khổ mình nữa! 

Chị lại thẳng thừng từ chối lời cầu hôn. Tuy nhiên, anh vẫn đến thăm chị, không yêu thì xin làm bạn.

Anh là dân xây dựng đi theo công trình đây đó, còn nhà anh ở tận miền Trung. Mỗi khi trở lại sau chuyến về thăm nhà, anh tặng chị những món quà quê, nói là do con gái chọn mua chứ anh là đàn ông không rành đi chợ. Ý là con gái của anh cũng biết về chị rồi đó.

Mùa đông, món quà là cái khăn quàng cổ kèm theo mẩu giấy ghi số điện thoại và dòng chữ “Cháu hy vọng màu sắc của cái khăn này hợp ý cô”.

Chị nhìn dãy số điện thoại, người lịch sự thì nên gọi để nói cảm ơn nhưng thà là bất lịch sự còn hơn bị hiểu lầm. Chỉ là bạn bè thôi thì đâu cần biết tới con cái. Anh nói gì với con anh là chuyện của anh, chẳng liên quan.

Bạn bè nói ra nói vô, sợ hãi sự ràng buộc hôn nhân thì cũng hãy thoải mái, chị đã mất hơn nửa cuộc đời cho buồn tủi thì nay hãy mở lòng ra mà sống vui.

Ừ thì cho vui. Chị ra điều kiện với anh là cho vui thôi, không ràng buộc, không trách nhiệm gì. Anh cười nhẹ, ừ, chỉ mong em được vui.

Những buổi sáng thức giấc, chị nằm trên giường nhìn anh loay hoay bên bếp làm món trứng chiên ăn với bánh mì.

Nhà hàng chỉ có hai món bánh mì nướng lại và trứng chiên thôi hả? Anh gãi đầu, dân công trình cơm hàng cháo chợ, biết làm hai món cũng là giỏi rồi đó, nếu em đồng ý một căn nhà thì anh sẽ có hàng trăm mẫu thiết kế cho em chọn lựa. Chị nhìn ra cửa sổ để làm lơ câu nói như một lời cầu hôn. 

Đã nói trước là yêu cho vui thôi mà.

*
Sau ba năm, chung cư 25 tầng xây xong, anh đi theo công trình mới ở Tây Nguyên. Bữa cơm chia tay, anh nói nếu em đồng ý thì anh sẽ tìm việc ở lại thành phố. Đã quen hơi bén tiếng mà chị vẫn cắn răng lắc đầu, chúc anh lên đường may mắn.

Hai tháng sau, anh gõ cửa nhà chị. À, thì đến thăm em. Vừa rồi lo chỗ ăn ở mới cho thợ thầy nên công việc lu bu quá…

Hằng tháng, anh gom bốn Chủ nhật thành một kỳ nghỉ để từ Tây Nguyên về với chị, cũng có nghĩa là anh không về quê. Mà sao vẫn có quà từ con gái? Ừ thì con gái biết anh thường xuyên về thành phố mà. Chị mềm lòng khi nghe câu nói này nhưng chị vẫn nhất định không chịu để mình yếu đuối.

Những cuộc điện thoại con gái anh gọi thường tắt rất nhanh. Chị nói với anh có lẽ do đàn ông không nhiều chuyện không tỉ tê với con cái. Anh cười, đâu phải vậy, cha con anh có giao ước, khi anh ho ba tiếng tức là anh đang ở bên em, không nên lãng phí thời gian cho bất cứ điều gì khác.

Chị lại làm lơ bằng cách nhìn ra cửa sổ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

*
Dịch bệnh ập tới. Công việc xây dựng đình đốn. Anh chia thời gian thất nghiệp làm hai phần bằng nhau, nửa tháng về quê và nửa tháng ở với chị. 

Thời gian thầm lặng làm công việc của nó là xóa đi nỗi buồn xưa cũ và gắn kết yêu thương. Nhưng, cũng từ đó, chị không nghe anh ngỏ lời nữa. Đàn ông thất nghiệp sao dám làm điểm tựa cho ai khác, huống hồ là phụ nữ cứng cỏi như chị. 

Chỉ có chị biết là mình hay nhìn lên tờ lịch để mong chờ ngày anh đến. Giữa những thông tin đầy hoang mang về dịch bệnh, chị vịn vào nỗi đợi chờ anh đến như một điểm tựa an toàn.

Vào ngày đó, chị mua hoa tươi, dọn dẹp nhà cửa tươm tất và mặc cái váy đẹp nhất. Vậy mà bình hoa héo dần vẫn chẳng thấy bóng người.

Chắc là anh đã mệt, chắc là anh có ai khác rồi, một người phụ nữ vùng quê chịu thương chịu khó không làm anh phải mất công đi đi về về… Cảm giác mất mát khiến chị đau đớn.

Tin nhắn của anh: “Không dám nói vì sợ em lo lắng. Khu phố anh bị phong tỏa vì có người dính COVID-19. Mấy hôm nay anh sốt, ho, phải đi xét nghiệm và tự cách ly, sáng nay đã có kết quả lần hai, cũng âm tính. Nhớ em nhiều”.

Không mấy chú ý tới thông tin về con vi-rút đáng sợ, chị rơi nước mắt trong niềm vui ngập tràn rằng anh vẫn còn đó, vẫn là của chị chứ không phải đã thuộc về người phụ nữ chịu thương chịu khó nào khác.

Lần đầu tiên, chị nhấn dãy số của con gái anh, ấp úng cất lời: “Nhờ cháu chăm sóc ba giùm cô”. 

NGUYÊN HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI