Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19:

Vì sao vận động khó khăn sau khi nhiễm COVID-19?

14/11/2021 - 18:39

PNO - Sau khi điều trị COVID-19, nhiều người bệnh bị yếu cơ, các khớp đau giống như bị viêm đa khớp, đau khớp, đi lại khó khăn.

Tôi đã khỏi COVID-19 hơn hai tuần nay nhưng việc vận động, đi lại rất yếu, tập thể dục mới vài động tác đã mỏi, đau nhức các cơ khớp, khi chơi đá banh bị nhức cơ và sút bóng vài lần cũng bị đau khớp. Đặc biệt, buổi sáng ngủ dậy, tôi thường đau nhức mỏi các khớp vai và hai cánh tay, hai chân đi yếu và run. Những biểu hiện trên có phải triệu chứng còn sót lại sau khi khỏi bệnh COVID-19, tôi phải làm gì để cải thiện tình trạng sức khỏe hiện nay?

Trần Văn T. (54 tuổi - Quận Gò Vấp, TPHCM)

BS CKII. Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, hiện nay tại cơ sở 3 (Khoa Y học Cổ truyền), Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM có hơn 30 bệnh nhân đang điều trị hậu COVID-19. Biểu hiện đặc trưng nhất của những người bệnh này là yếu cơ, mệt mỏi, đi được khoảng 10 mét đã mệt, thở hổn hển, song song đó là ho, khó thở, tim đập nhanh hơn…

Những bệnh nhân có thời gian thở máy kéo dài, phải đặt nội khí quản, chạy ECMO khó có thể hồi phục sức khỏe như trước đây (trong ảnh: Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Những bệnh nhân có thời gian thở máy kéo dài, phải đặt nội khí quản, chạy ECMO khó có thể hồi phục sức khỏe như trước đây (trong ảnh: Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM)

Bệnh nhân cần duy trì được việc lấy lại vận động bình thường, không tập tăng tiến. Có một số người cần 3 - 9 tháng mới hồi phục hoàn toàn. Một số triệu chứng liên quan đến yếu cơ, các vấn đề về thăng bằng, suy giảm nhận thức và rối loạn sức khỏe tâm thần đã được quan sát thấy trên các bệnh nhân từng điều trị ở khoa hồi sức tích cực. Những bệnh nhân có thời gian thở máy kéo dài, phải đặt nội khí quản, chạy ECMO khó có thể hồi phục sức khỏe như trước đây.

Sau khi điều trị COVID-19, người bệnh bị yếu cơ, các khớp đau giống như bị viêm đa khớp, đau khớp, đi lại khó khăn. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi và nóng lòng tập luyện thể dục thể thao như: đạp xe, chạy bộ nhanh, tập tạ, đá banh… để lấy lại sức khỏe như lúc chưa bị nhiễm, sau đó thở hổn hển, đau nhức khắp người. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên thử sức tập luyện thể thao cường độ mạnh trong giai đoạn từ 2 - 4 tuần sau khi khỏi bệnh.

Do đó, sau khi khỏi bệnh COVID-19, mọi người không nên nóng vội tập luyện những động tác mạnh vì sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Hãy chọn môn thể dục vừa sức, phù hợp thể trạng cơ, khớp còn yếu. Hãy giữ tốc độ chậm, cường độ nhẹ và tăng dần để có thể làm quen và kiểm soát được hơi thở, sức cơ. Vì khi tim phổi còn yếu, cơ khớp đau mỏi, việc tập thể dục quá sức khi cơ thể không được cung cấp đủ oxy có thể dẫn đến ngất do thiếu oxy não, khiến các bệnh lý mạn tính có sẵn như bệnh lý hô hấp, tim mạch… nặng thêm.

Do đó, bệnh nhân cần đến các bệnh viện, phòng khám để được kiểm tra, đánh giá tổng quát về chức năng hô hấp, vận động, nhận thức, tâm lý và các bệnh lý nền, từ đó sẽ có chương trình tập riêng biệt, như các bài tập cải thiện dung tích phổi, bài tập điều hòa đường thở, tập vận động tăng sức bền, tăng sức cơ cùng máy móc và dụng cụ hỗ trợ để cải thiện sức khỏe tổng quát…

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua Đường dây khẩn của báo: 0966 18 27 27, 0913 15 93 15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn.


Bình Minh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI