Hàng trăm bài hát bị sở hữu bản quyền trái phép?

10/11/2021 - 12:01

PNO - Vấn đề bản quyền các sản phẩm âm nhạc lại “nóng” thời gian gần đây. Nhiều tác giả, chủ sở hữu bản ghi bất ngờ khi biết tác phẩm của họ chịu sự quản lý, khai thác độc quyền từ một đơn vị mà họ không hề hay biết.

Mới đây, theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) có đến 76 CD, gồm 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất đang bị BH Media sử dụng, xác nhận sở hữu bản quyền trên YouTube. VCPMC khẳng định 100% quyền tác giả thuộc về nhạc sĩ, còn các quyền liên quan đều thuộc về Hội Nhạc sĩ Việt Nam vì đơn vị này bỏ tiền đầu tư, mời ca sĩ hát. Hội ký hợp đồng với NXB Dihavina để thu âm, xuất bản album.

Album Hà Nội 36 phố của nhóm nhạc sĩ được phát hành năm 2010
Album Hà Nội 36 phố của nhóm nhạc sĩ được phát hành năm 2010

Nhạc sĩ Ngô Tự Lập cùng các thành viên nhóm M6 (các thành viên còn lại gồm nhạc sĩ: Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Trần Đức Minh) cho ra mắt 3 album: Hà Nội 36 phố (2010), Những đường bay (2012), Đêm nhiệt đới (2016). Anh khẳng định các sản phẩm này do các nhạc sĩ đầu tư sản xuất hoàn toàn, do Hồ Gươm Audio phát hành. 

Tuy nhiên, thời gian trước đây khi anh đăng tải sản phẩm lên mạng thì bị báo cáo vi phạm bản quyền. Nhạc sĩ nhờ cộng sự tìm hiểu nguyên nhân. Khi chưa tìm ra thì vụ việc bản quyền những ngày qua lại ầm ĩ. Anh liên hệ với Hồ Gươm Audio và được đơn vị này xác nhận đã ký kết hợp tác với BH Media để khai thác 3 sản phẩm trên.

Hồ Gươm Audio nói rằng có yêu cầu BH Media trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ khi ký kết hợp tác. Tuy nhiên, do tiền tác quyền hàng năm đến từ nhiều nguồn nên cần phải đối soát lại. Hiện, các nhạc sĩ chưa rõ BH Media có thực hiện việc này hay chưa.

Nam nhạc sĩ muốn Hồ Gươm Audio phải có công văn xin lỗi công khai vì tự ý khai thác sản phẩm của anh và các nhạc sĩ khác mà không xin phép, thông qua ý kiến của họ. 

NSND Thu Hiền cho biết gần đây con gái bà có đăng một số sản phẩm của bà lên YouTube nhưng cũng bị khiếu nại bản quyền từ BH Media. Việc này khiến bà bức xúc bởi đây là sản phẩm của bà.

Ngoài ra, một số nhạc sĩ như: Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Trần Thanh Tùng, Hoàng Sông Hương… đã ủy quyền cho VCPMC để giải quyết việc quyền tác giả, quyền liên quan của họ được cho rằng bị xâm hại bởi BH Media.

Ca sĩ Mỹ Lệ cũng cho biết sẽ vào cuộc để đưa sự thật ra ánh sáng. 

Theo tìm hiểu, BH Media ký hợp đồng hợp tác với các hãng băng đĩa, từ đó được ủy quyền quản lý và khai thác, kinh doanh tác phẩm trên nền tảng số. BH Media đăng tác phẩm lên YouTube và được xác định content ID. Khi có mã content ID, các video đăng tải sau sẽ mặc định bị khiếu nại bản quyền (nếu nội dung trùng lặp hoặc chứa đoạn âm thanh tương tự).

Đại diện BH Media trong buổi họp báo nói về việc đánh gậy bản quyền các sản phẩm âm nhạc, diễn ra tại Hà Nội hồi cuối tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, việc giải thích của họ bị nhạc sĩ Giáng Son phản bác.
Đại diện BH Media trong buổi họp báo nói về việc đánh gậy bản quyền các sản phẩm âm nhạc, diễn ra tại Hà Nội hồi cuối tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, việc giải thích của họ bị nhạc sĩ Giáng Son phản bác.

Trước đây, VCPMC và BH Media từng ký kết hợp đồng hợp tác. Theo đó, BH Media phải có nghĩa vụ kê khai link kênh, danh sách tác phẩm sử dụng để trả tiền quyền tác giả. Hợp đồng này chấm dứt ngày 8/9/2021 vì lý do bên BH Media vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, cụ thể là không thống kê đầy đủ, kịp thời danh sách tác phẩm để đối soát và thanh toán tiền sử dụng quyền tác giả theo đúng điều khoản hợp đồng, ảnh hưởng đến lợi ích của các tác giả.

Sáng 10/11, VCPMC có buổi làm việc với BH Media để giải quyết những vấn đề lùm xùm thời gian qua. Chúng tôi đã liên hệ với BH Media để tìm hiểu thêm thông tin liên quan vụ việc này nhưng chưa được phản hồi. 

Liên quan đến BH Media, đơn vị này cũng đang dính lùm xùm khi bị VTV "tố" báo cáo bản quyền ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) trên YouTube, trong khi ca khúc này được gia đình cố nhạc sĩ hiến tặng cho Nhà nước, Nhân dân. BH Media phủ nhận thông tin này, nói họ có quyền khai thác bản ghi được Hồ Gươm Audio ủy quyền.

Theo đơn vị này, từ năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã có công văn gửi VCPMC dừng thu tiền tác quyền của Tiến quân ca. Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, tiền bạc làm một bản ghi ca khúc này thì theo Luật Sở hữu trí tuệ họ là chủ sở hữu bản ghi. Đơn vị, cá nhân nào muốn sử dụng phải xin phép. BH không bật chức năng kiếm tiền, quảng cáo với sản phẩm này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được sự việc. Hiện thông tin này đã được chuyển đến Cục Nghệ thuật biểu diễn để làm rõ, sau đó sẽ có thông tin chính thức đến công chúng. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI