Quốc ca bị BH Media đánh bản quyền trên YouTube: Thực hư ra sao?

05/11/2021 - 15:37

PNO - Theo phản ánh từ VTV, bài hát "Tiến quân ca" và nhiều tác phẩm văn nghệ dân gian cũng bị BH Media khai thác trên môi trường số.

Sự việc đang gây xôn xao dư luận. Theo đó, Tiến quân ca đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân, nhưng lại bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền. 

Đại diện BH Media phủ nhận những cáo buộc của VTV, cho rằng đơn vị này đã ngụy tạo nội dung, khẳng định không có bất kỳ khiếu nại bản quyền nào liên quan tác phẩm này; không bật tính năng thu tiền, quảng cáo với bản ghi này nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm. Người đại diện nói đã chuẩn bị công văn gửi đến VTV và các báo, đài để đính chính.

Đại diện BH Media nói hiện đang được ủy quyền khai thác bản ghi Tiến quân ca, thuộc sở hữu của Hồ Gươm Audio. Theo đơn vị này, từ năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đã có công văn gửi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) dừng thu tiền tác quyền của Tiến quân ca. Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, tiền bạc làm một bản ghi ca khúc này thì theo Luật sở hữu trí tuệ họ là chủ sở hữu bản ghi. Đơn vị, cá nhân nào muốn sử dụng phải xin phép.

Bài đăng của VTV về việc Tiến quân ca bị đánh bản quyền trên YouTube
Bài đăng của VTV về việc Tiến quân ca bị đánh bản quyền trên YouTube

Chúng tôi đã liên hệ với Hồ Gươm Audio để tìm hiểu rõ việc ủy quyền khai thác bản ghi này, nhưng đại diện đơn vị này từ chối trả lời do "đang bận".

Luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, khi ca khúc được hiến tặng cho Nhà nước, nhân dân thì bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng ca khúc này, không cần xin phép. Điều này cũng áp dụng tương tự với các tác phẩm dân gian. Tuy nhiên, nếu một đơn vị dùng chúng để sản xuất bản ghi (thông qua việc hòa âm, phối khí, mời ca sĩ hát) thì họ có quyền sở hữu đối với bản ghi này. Vì thế, muốn sử dụng bản ghi phải trả tiền cho chủ sở hữu bản ghi hoặc phải xin phép theo quy định. Việc này tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên, không vi phạm hoặc phương hại đến quyền tác giả với ca khúc. Theo anh, với sự việc này, nếu Hồ Gươm Audio chứng minh được là chủ sở hữu của bản ghi thì việc hợp tác với BH Media mới hợp lệ. 

Liên quan vụ việc này, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã có phát ngôn chính thức. Nhạc sĩ Văn Thao (con trai cố nhạc sĩ Văn Cao) nói gia đình đã giao bản quyền và toàn bộ quyền cho Nhà nước nên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục bản quyền tác giả cần có ý kiến. Nếu có đơn vị thu tiền tác quyền, khai thác thương mại trái phép thì các cơ quan liên quan cần vào cuộc xử lý.

Tháng 6/2010, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao có thư gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục bản quyền tác giả với mong muốn hiến tặng Tiến quân ca cho Nhà nước, nhân dân. Lễ tiếp nhận diễn ra trịnh trọng vào tháng 7/2016. 

Hiện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản quản lý bài hát Tiến quân ca. Chúng tôi đã liên hệ với Bộ này và chờ câu trả lời chính thức.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI