Vi phạm bản quyền và “khoảng trống” trong công nghiệp sáng tạo

10/11/2021 - 06:53

PNO - "Rap Việt" vi phạm bản quyền hình ảnh, BH Media tùy tiện giành sở hữu bản quyền, mạo danh nghệ sĩ… là những vụ việc đang làm xấu đi diện mạo ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Những hành động xấu xí

Liên tiếp trong vài ngày qua, Rap Việt mùa 2 bị tố sao chép hình ảnh đồ họa có bản quyền của tác giả Jaime Jasso - người sáng lập Công ty CGPrecepto - để làm poster; sử dụng thiết kế mặt nạ lọc khí của một công ty chuyên cung cấp thiết bị cho game thủ mà không xin phép. Sự việc có thể sẽ chưa dừng lại ở đây, khi chuyên gia thiết kế đồ họa Trương Huyền Đức - người đại diện tại Việt Nam của ông Jaime Jasso - cho biết sẽ tiếp tục “khui” dần những câu chuyện xâm phạm bản quyền như vậy. 

Chuyên gia thiết kế đồ họa này viết trên trang cá nhân của mình: “Ngoài việc bồi thường giá trị vi phạm trực tiếp, một “case study” dành cho việc quản lý bản quyền cần được hình thành, cũng như môi trường làm việc lành mạnh và an toàn cho các nhà sáng tạo trong và ngoài nước cần phải được thiết lập”. Theo anh Trương Huyền Đức, việc vi phạm bản quyền trên không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của các nhà sáng tạo nước ngoài, mà còn gián tiếp hạn chế cơ hội làm việc của các nhà sáng tạo trong nước, phương hại đến cảm tình của công chúng đối với năng lực thiết kế mỹ thuật nội địa. 

Khi scandal vi phạm bản quyền của tác giả Jaime Jasso nổ ra, sáng 6/11, đại diện chương trình Rap Việt mùa 2 đã lên tiếng nhận lỗi, cho rằng đây là “sơ suất của bộ phận thiết kế, khi sử dụng hình ảnh này từ trang download miễn phí”. Tuy nhiên, tập 4 chương trình lên sóng tối 6/11 vẫn giữ nguyên hình hiệu và thiết kế vi phạm bản quyền hình ảnh. Trương Huyền Đức tuyên bố trên trang cá nhân, anh sẽ báo cáo kênh YouTube của Rap Việt nếu không xử lý tình huống này một cách đúng đắn.

Rap Việt đã tự ý cắt, sửa ảnh gốc của đơn vị phát hành trò chơi Star Citizen,  dù chưa trả phí mua bản quyền
Rap Việt đã tự ý cắt, sửa ảnh gốc của đơn vị phát hành trò chơi Star Citizen, dù chưa trả phí mua bản quyền

Có một điều khá hài hước ở đây là vào năm ngoái, Vie Channel - nhà sản xuất Rap Việt - đã nộp đơn khởi kiện Công ty Spotify AB (trụ sở tại Thụy Điển) đến Tòa án nhân dân TP.HCM với lý do công ty này đã vi phạm nghiêm trọng bản quyền Rap ViệtNgười ấy là ai, đòi bồi thường 9,5 tỷ đồng.

Trả lời truyền thông, đại diện Vie Channel cho biết, họ đang liên lạc với tác giả, đơn vị sở hữu hình ảnh mà họ vi phạm trong Rap Việt mùa 2 để xin phép sử dụng. Chẳng biết, sự vụ ồn ào này sẽ đi đến đâu, nhưng một lần nữa, ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại dính thêm một vết nhơ khó gột.

Hồi tháng Tư, Bảo Nam - một nghệ sĩ cắm hoa có tiếng, người sáng lập các thương hiệu trang trí nội thất, cung cấp hoa, đồng thời là đạo diễn nghệ thuật cho phim Gái già lắm chiêu V, Hạnh phúc máu - bị một nghệ sĩ người Úc tố ăn cắp ý tưởng, sao chép gần như toàn bộ sắp đặt của anh ta thực hiện từ năm 2014 vào triển lãm cá nhân Plus by Bao Nam.

Trước đó, hàng loạt vụ đạo, nhái thiết kế cũng bị lật tẩy trong lĩnh vực thời trang nhiều năm qua. Mới nhất là vụ nhà thiết kế Hoàng Tony nhái hàng loạt thiết kế của các nhà mốt lớn trên thế giới vào tháng 8/2021.

Khi chuyện Rap Việt “vừa ăn cắp vừa la làng” đang xôn xao dư luận, thì trong lĩnh vực âm nhạc, mấy ngày qua, những lùm xùm liên quan đến chiếc “gậy bản quyền” (xác nhận quyền sở hữu) mà BH Media tung ra đối với bản ghi âm ca khúc Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son và cả Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao… trên YouTube khiến người quan tâm không hiểu nổi điều gì đang xảy ra? Chưa hết, BH Media lại tiếp tục bị NSND Thu Hiền “tố” đã mạo danh bà lập kênh “NSND Thu Hiền” trên YouTube đồng thời tự ý đưa các sản phẩm âm nhạc của NSND Thu Hiền lên khai thác và xác nhận quyền sở hữu mà chưa xin phép “chính chủ”.Những điều đó góp phần làm xấu xí diện mạo của bức tranh công nghiệp sáng tạo Việt Nam. 

Cần “bệ đỡ” để bảo hộ sự sáng tạo

Theo UNESCO, “công nghiệp sáng tạo bao gồm những sản phẩm mang tính sáng tạo thuộc lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Đó là hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ”. Công nghiệp sáng tạo bao gồm các quy trình, sản phẩm và dịch vụ rộng lớn, mà ở đó sự sáng tạo là trung tâm. 

Giao diện kênh NSND Thu Hiền trên YouTube  do BH Media tự ý lập - ẢNH: HTP
Giao diện kênh NSND Thu Hiền trên YouTube do BH Media tự ý lập - ẢNH: HTP

Hoạt động trong ngành công nghiệp sáng tạo 5 năm, Khim Đặng - một nghệ sĩ chế tác - cho rằng ngành công nghiệp sáng tạo của nước ta đang trên đà phát triển, và ngày càng nâng cấp một cách bài bản hơn. Nghệ sĩ này ví dụ một “điểm sáng”, trong mấy năm qua, giới sáng tạo Việt Nam đã tham gia vào những dự án lớn của quốc tế, được cọ xát, trau dồi chuyên môn liên tục.

Mới đây nhất, phim Squid Game (Trò chơi con mực) của Hàn Quốc đã gây sốt toàn cầu, trong đó, toàn bộ phần hình ảnh đều do ê-kíp người Việt Nam thực hiện với các vị trí VFX Project Manager (quản lý dự án VFX), Data Wrangler (sắp xếp dữ liệu) và Digital Artist (xử lý đồ họa). Trên thực tế, các công ty đồ họa nước ta đã hợp tác trong nhiều sản phẩm “bom tấn” Hollywood và Hàn Quốc từ lâu như: Harry Potter, Fast & Furious, hay Sweet Home. Căn hộ Hera Palace trong phim truyền hình Cuộc chiến thượng lưu cũng do người Việt thiết kế đồ họa.

Tuy nhiên, có không ít vụ việc, con sâu làm rầu nồi canh. Tình trạng vi phạm bản quyền hiện đang là một trong những thách thức đối với ngành công nghiệp sáng tạo ở nước ta. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - mà trong đó có nhiều ngành thuộc ngành công nghiệp sáng tạo - nhưng theo Khim Đặng, lại “chưa có chính sách thiết thực để hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, và nhiều nội dung vẫn còn chung chung”. 

Hiện có 11 ngành được xếp vào công nghiệp sáng tạo, gồm: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Nhưng số ngành nhỏ thuộc về công nghiệp sáng tạo trong thực tế còn nhiều hơn thế. Đa phần những ngành vươn ra và tiệm cận thế giới là những ngành mới, chưa được công nhận ở nước ta. Chẳng hạn, thiết kế 3D, nghề làm môi trường trong phim, trong game; hay như ngành mỹ thuật công nghiệp có bốn ngành “con” là thiết kế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất…. “Các nhà làm chính sách phải hiểu chi tiết như vậy thì chính sách mới phát huy hết tác dụng”, Khim Đặng nói.

Theo Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam đang trong những năm đầu phát triển công nghiệp sáng tạo, vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết những tiềm năng vốn có trong ngành này.

“Ngành công nghiệp sáng tạo cũng như các ngành công nghiệp sản xuất, kinh tế khác, luôn cần những bệ đỡ, một hệ thống hoàn chỉnh từ quản lý nhà nước, chính sách, pháp lý và bộ phận thực thi luật pháp để bảo vệ những thành quả sáng tạo cũng như bảo vệ sản phẩm; đồng thời, tối ưu hóa tất cả các nguồn lực, đầu tư, sản phẩm. Ở nước ta, điều đó vẫn chưa được hình thành theo hệ thống, mà mới chỉ diễn ra lẻ tẻ trong một vài lĩnh vực”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói. Ông ví dụ, trong các ngành nghệ thuật, mới chỉ có một bộ luật duy nhất là Luật Điện ảnh. Âm nhạc cũng sinh ra lợi không kém gì điện ảnh, nhưng đến giờ ta vẫn chưa có luật riêng. 

Khi ý thức người dân còn kém, cần tăng cường luật, chính sách để kiểm soát những vụ vi phạm bản quyền, xử lý các rắc rối phát sinh trong thực tế hoạt động. Ông Tuấn nhận xét: “Chúng ta chưa có hệ thống quản lý tối ưu về mặt Nhà nước, hệ thống pháp lý để bảo hộ và phát triển, chính sách đầu tư, vay vốn dành cho các lĩnh vực sáng tạo khác nhau để có thể vận hành ngành công nghiệp sáng tạo nói riêng và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Nếu xem công nghiệp văn hóa là một bộ máy, thì các bộ phận đang chạy không đồng đều”. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI