Giúp trẻ ứng phó với nguy hiểm: Khi trẻ đến chỗ lạ

21/03/2015 - 06:19

PNO - PN - Trước thông tin một trẻ thiệt mạng bởi vướng chân vào con diều xảy ra mới đây, hay hai trẻ rơi khỏi tàu lượn ở khu vui chơi, các bậc phụ huynh (PH) không khỏi bàng hoàng. Những nơi lạ thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn những nơi quen thuộc. Vậy trẻ cần trang bị kỹ năng gì và PH hỗ trợ trẻ ra sao mỗi khi đến môi trường lạ? Là người trực tiếp dạy kỹ năng sống, cô Kiều Thùy Linh (giáo viên trưởng - Trường Ngoại khóa Tomato TP.HCM) chia sẻ:

edf40wrjww2tblPage:Content

Giúp trẻ nhận diện nhanh nguy cơ: Trẻ nhỏ chưa đủ trải nghiệm và hiểu biết để nhận ra mối nguy. Vì vậy, PH cần hỗ trợ trẻ. PH cần quan sát, khảo sát nhanh để đánh giá và nhận diện các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ví dụ, khi đưa trẻ đến một bãi đất trống, trước khi để trẻ thoải mái chạy chơi, PH cần phải tự mình kiểm tra khu vực đó.

Tiếp đó, PH nên chọn chỗ đất ít gập ghềnh, không có gạch đá, đá dăm, các loại rác nguy hiểm như thủy tinh, sắt vụn… để trẻ có thể thoải mái chạy nhảy mà không lo bị thương tích. Khi đưa trẻ đến một khu vui chơi, trước khi cho con tham gia bất kỳ trò chơi nào, PH hãy tự mình kiểm tra kỹ những máy móc, thiết bị liên quan. Nếu nhận thấy các vết đứt, gãy, hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, PH tuyệt đối không để trẻ chơi và báo với nhân viên phụ trách xử lý.

Đừng rời mắt khỏi trẻ: Dù trẻ có được trang bị kỹ năng kỹ lưỡng và biết vâng lời đến đâu, PH cũng cần “tự nhắc mình” không được chủ quan, rời mắt khỏi hoạt động của trẻ. Trẻ em thường chưa có đủ hiểu biết, thể lực cũng như kỹ năng để nhận biết và xử lý tình huống kịp thời khi gặp nguy hiểm. Nếu luôn để ý quan sát con mình, PH có thể xử lý và yêu cầu hỗ trợ.

Hiểu rõ tính cách của con: Hiểu rõ những đặc điểm tính cách của trẻ sẽ giúp PH lường trước những nguy cơ. PH cũng có thể trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ một cách có định hướng. Khi nhận ra những nguy hiểm có thể xảy đến do tính cách của mình, trẻ sẽ hiểu và có thêm động lực rèn giũa tính cách.

Ví dụ, nếu trẻ chưa kiểm soát tốt cơn giận và thường đánh nhau với bạn, PH có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện về sự xung đột giữa bạn bè và hậu quả; hướng dẫn trẻ cách xử lý trong tình huống đó. Nếu trẻ tò mò, thích khám phá, ưa mạo hiểm, PH có thể trang bị kiến thức về những nguy hiểm và hướng dẫn con cách xử lý, đồng thời cùng con đặt ra những giới hạn an toàn không được vượt qua. PH có thể hướng dẫn cụ thể cho con như: Nếu thấy tổ ong thì nên tránh xa, nếu bị ong đốt thì cần làm gì, nếu gặp đám cháy con cần chạy theo hướng nào, không được thò tay ra ngoài cửa khi trên tàu hoặc trên xe…

Giup tre ung pho voi nguy hiem: Khi tre den cho la

Việc hiểu rõ về đặc điểm thể chất của con sẽ giúp PH chủ động hơn trong việc lựa chọn những hoạt động cũng như không gian phù hợp với con. Nếu trẻ có vấn đề về tim mạch hay đang bị chóng mặt thì tránh chơi các trò chơi tốc độ cao, quay tròn nhiều. Nếu trẻ đang đau chân, đừng cho con chơi ở những khu vực dễ trượt ngã.

Cần được chuẩn bị tâm lý: Chuẩn bị trước tâm lý sẽ giúp trẻ chủ động và mạnh mẽ hơn. Ví dụ: PH có thể hướng dẫn trẻ cách xử lý khi bị lạc, bình tĩnh tìm kiếm sự giúp đỡ, ai là người con có thể tin cậy; những hành vi nào là đáng ngờ từ người lạ; lúc rơi vào nguy hiểm thì cần phải làm gì... Hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị té, chảy máu; khi bị vật sắc nhọn đâm vào…

Đừng nghĩ trẻ con không thể luyện kỹ năng: Nhiều PH nghĩ rằng con mình còn bé dại nên chưa vội dạy kỹ năng cho trẻ. Cần nhớ, có những kỹ năng thoát hiểm cơ bản mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể rèn luyện. PH cũng có thể đưa cho trẻ đọc tin, bài báo, xem các đoạn video… hoặc kể cho trẻ nghe những câu chuyện có các tình huống nguy hiểm đã xảy ra.

Điều đó sẽ giúp ích cho trẻ nhiều hơn trong việc nhận biết các mối nguy hiểm và biết cách tự mình đối phó khi không có người lớn bên cạnh. Càng được trang bị nhiều kiến thức, trẻ càng bình tĩnh, chủ động và xử lý tình huống nhanh hơn. PH cũng có thể phòng xa bằng cách nâng cao sức khỏe cho con. Việc thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao, các hoạt động xã hội, học kỹ năng sống sẽ giúp trẻ vừa có một sức khỏe tốt, vừa có được sự nhanh nhạy, tự tin.

“Mưa dầm thấm sâu”: Trong các tình huống khẩn cấp, trẻ thường mất bình tĩnh, không còn nhớ những điều đã được ba mẹ dặn dò trước đó. Do vậy, PH không chỉ dặn dò trước khi trẻ đến môi trường lạ, mà phải thực hiện thường xuyên, để ăn sâu vào tâm trí của trẻ. Tuy nhiên, PH không nên dặn dò trẻ theo hình thức cấm đoán. Mệnh lệnh, cấm đoán chỉ càng tạo sự tò mò và kích thích trẻ thực hiện ngược lại. Điều quan trọng là PH cần giải thích rõ cho trẻ vì sao không được làm như vậy, điều đó nguy hiểm như thế nào, hậu quả sẽ ra sao... Lúc đó trẻ sẽ tự nhận thấy nguy hiểm và không nên thực hiện. PH và trẻ có thể cùng nhau tập dợt bằng những tình huống giả định để trẻ hiểu sâu và nhớ kỹ hơn.

 TRẦN TRIỀU

(ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI