Giảm áp lực, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế

16/04/2024 - 06:05

PNO - Sự vất vả, căng thẳng, áp lực khi chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân TPHCM và hàng ngàn bệnh nhân ở các tỉnh, thành lân cận đã khiến ngày càng nhiều nhân viên y tế phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Hậu quả dai dẳng từ đại dịch

Đại dịch COVID-19 đã qua đi nhưng hậu quả mà dịch bệnh để lại vẫn dai dẳng, nhất là vấn đề sức khỏe tinh thần của người bệnh và cả nhân viên y tế. Nhiều bệnh viện (BV) đã triển khai phòng khám hậu COVID-19, khoa tâm lý… cho người dân. Tuy nhiên, ngay chính các y, bác sĩ cũng đang gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Nhân viên y tế của Bệnh viện Hùng Vương lên đường chi viện cho Bệnh viện Dã chiến  số 16 trong giai đoạn dịch COVID-19
Nhân viên y tế của Bệnh viện Hùng Vương lên đường chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 16 trong giai đoạn dịch COVID-19

Là một trong những BV đi tiên phong về chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế ngay từ khi dịch COVID-19 còn đang phức tạp, BV Hùng Vương đã có nhiều phương pháp hiệu quả. Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hằng - Phó giám đốc BV - cho hay: ngay trong mùa dịch, BV đã có một cuộc khảo sát về sức khỏe tinh thần của nhân viên. Lúc đó, có đến hơn 42% nhân viên bị lo âu, 24% người trầm cảm, chưa kể những nhân viên bị stress, mệt mỏi, cảm thấy kiệt quệ về cả tinh thần lẫn thể chất… “Đây là con số thôi thúc ban giám đốc BV phải đưa ra phương án hỗ trợ tinh thần cho nhân viên càng sớm càng tốt” - bà nói.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Đình Khoa Huân - Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, BV Hùng Vương - nhớ lại: thời điểm dịch COVID-19, bệnh nhân suy hô hấp quá nhanh, chuyển biến nặng quá nhiều, nhân lực lại mỏng khiến mọi người rất áp lực. Ông kể: “Chúng tôi phải chạy tới chạy lui cấp cứu liên tục, cơ thể mỏi nhừ, đau dạ dày vì ăn uống không đúng bữa, lo lắng không yên, mất ngủ kéo dài, tinh thần kiệt quệ…”. Thạc sĩ Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng BV Hùng Vương - cũng cho biết: “Áp lực lắm, tôi hoài nghi không biết bản thân mình có đáp ứng nổi công việc hay không. Nếu tôi dừng lại, liệu điều gì sẽ xảy ra? Tôi thấy khó chịu, không dám tin vào điều gì, nghi ngờ cả bản thân mình. Và tôi cứ mắc kẹt trong vòng xoay luẩn quẩn đó”.

Ngay sau khi khảo sát, BV Hùng Vương tổ chức 28 buổi trò chuyện với chuyên gia tâm lý cho nhân viên, đồng thời biên soạn, xuất bản sổ tay tâm lý, các clip hướng dẫn bài tập nâng đỡ cảm xúc, tổ chức các buổi vòng tròn chia sẻ... Tổ chức các nhóm trò chuyện trực tuyến với chuyên gia tâm lý, để những nhân viên vốn ngại giao tiếp có thể tham gia, từ đó nhận ra vấn đề của mình, tìm đến sự hỗ trợ hoặc lựa chọn phương pháp phù hợp với bản thân. Điều này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế. Như trường hợp của chị Võ Thị Ngọc Diệp, sau khi áp dụng phương pháp tĩnh lặng, chị đã có những phục hồi đáng kể về sức khỏe tinh thần.

“Tôi thường lên các buổi chia sẻ trực tuyến để lắng nghe mọi người. Từ đó tôi nhận ra bản thân mình cần có sự điều chỉnh về bồi dưỡng thể chất, nghỉ ngơi về tinh thần. May mắn, trong thời gian ngắn, tôi đã thoát khỏi lo âu, căng thẳng” - bác sĩ Đặng Đình Khoa Huân kể.

Thêm nhiều giải pháp

Theo bác sĩ Phan Thị Hằng, ngoài công việc, các cán bộ lãnh đạo hay các quản lý cấp trung đều có vai trò tác động đến sức khỏe tâm thần của nhân viên. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo cần được tập huấn, đào tạo cả về “nghệ thuật” giao việc để không tạo áp lực cho cấp dưới. Bà cho rằng: “Lãnh đạo phải có giải pháp cụ thể, kế hoạch công việc rõ ràng, tránh gây căng thẳng cho nhân viên. Trong đó, về cả cách nói chuyện, cử chỉ, làm sao để nhân viên cảm nhận mình được tôn trọng. Lãnh đạo cũng phải bảo đảm thu nhập cho nhân viên, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp. Từ đó giúp nhân viên kiểm soát căng thẳng, cân bằng cảm xúc, thoải mái và sáng tạo trong công việc”.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết nhân viên y tế thuộc nhóm nguy cơ về sức khỏe tinh thần vì đặc thù công việc nhiều áp lực. Khi gặp thất bại trong điều trị, người bệnh và thân nhân thất vọng thì nhân viên y tế càng thất vọng nhiều hơn. Tuy nhiên, do đặc thù nghề nghiệp, họ cần che giấu cảm xúc, tránh bị chi phối.

Chính việc che giấu cảm xúc là một trong những yếu tố dẫn đến áp lực nặng nề. Nếu không được ngăn ngừa, điều trị, nhân viên y tế dễ bị quá tải sức khỏe tâm thần. Ông cho rằng, y, bác sĩ cần xóa bỏ ngay định kiến, phải nhận ra, đối diện và vượt qua các vấn đề sức khỏe tâm thần. Đặc biệt là lãnh đạo các đơn vị đều phải hiểu, quan tâm và thực hiện tốt về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình và hỗ trợ cho nhân viên.

Theo ông, đến nay Sở Y tế TPHCM đã triển khai rất nhiều hoạt động, hình thành mạng lưới các chuyên gia về tâm lý để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế. Hiện tại, TPHCM đã có nhiều nơi chăm sóc tinh thần cho nhân viên y tế, thành lập mạng lưới chăm sóc sức khỏe tinh thần, mỗi BV được yêu cầu có 1-2 nhân viên phụ trách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Những người này được đào tạo, tập huấn về nhận biết, đánh giá sàng lọc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân viên tại đơn vị… Các lãnh đạo, quản lý được tập huấn để hiểu hơn về vai trò của sức khỏe tâm thần với nhân viên y tế và các phương thức xử lý, vượt qua căng thẳng.

Dự kiến trong tháng Tư này, Sở Y tế TPHCM sẽ ban hành cẩm nang, tài liệu hướng dẫn, kỹ năng nhận biết, hỗ trợ sàng lọc, can thiệp đối với nhân viên y tế có rối loạn sức khỏe tâm thần và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế. Với những trường hợp nhân viên y tế có biểu hiện về vấn đề sức khỏe tâm thần, sở yêu cầu các đơn vị bố trí công tác phù hợp. Các cơ sở y tế phải tăng cường chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng văn hóa và môi trường thân thiện, bổ sung các chính sách phúc lợi xã hội... để giảm áp lực cho nhân viên.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI