Đừng chủ quan với nhân tuyến giáp

16/06/2022 - 06:14

PNO - Mới đây Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa phẫu thuật bóc tách thành công khối bướu cổ khổng lồ cho một nữ bệnh nhân. Bệnh nhân chia sẻ trước đó, khối bướu cổ rất nhỏ nhưng bỗng to lên nhanh chóng trong hai năm dịch COVID-19.

Bướu cổ đường kính gần 30cm 

Người bệnh là bà L.K.N. (50 tuổi, ngụ Q.11, TPHCM). Trước đó, bệnh nhân đã biết mình bị bướu cổ nhưng do chưa ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nên không điều trị. Sau hai năm dịch COVID-19, khối bướu bỗng phát triển nhanh, to như trái dưa. Trước khi tới BV Đại học Y Dược TPHCM, bà N. đã được kiểm tra ở một vài BV khác.

Bà N. với khối bướu cổ to như trái dưa  trước khi phẫu thuật
Bà N. với khối bướu cổ to như trái dưa trước khi phẫu thuật

Các bác sĩ ở những cơ sở y tế trên đều đưa ra hướng can thiệp là phẫu thuật nhưng có rủi ro lớn do khối u quá to. Nếu không cẩn thận, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ vì suy hô hấp bởi không thể tiến hành đặt nội khí quản gây mê được như bình thường (đường thở đã bị biến dạng). Khi nghe phân tích về những rủi ro, người bệnh và gia đình lo sợ nên quyết định “không đụng đến dao kéo”. Mãi tới đầu tháng 6/2022, do bị khối bướu chèn ép gây khó thở, đặc biệt không thể nằm ngủ, lúc này bệnh nhân mới tới khám tại BV Đại học Y Dược TPHCM.

Khi khám cho bà N., tiến sỹ - bác sỹ Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực mạch máu xác định đây là khối u tuyến giáp, đường kính gần 30cm, bệnh nhân không thể cúi đầu xuống bởi khối u quá to. Các bác sĩ đã khảo sát khối u sâu hơn bằng cách siêu âm, chụp CT, chọc hút tế bào ra thử và xác định đây là khối u lành tính. Kết quả chụp CT cho thấy khí quản của bệnh nhân đã bị khối u này đè xẹp, các mạch máu cũng bị chèn ép gây phù ở dưới da vùng cổ.

Nói chung, tất cả cấu trúc quan trọng như đường thở, thực quản, các tĩnh mạch và động mạch nuôi dưỡng não của bệnh nhân đều bị chèn ép gây biến dạng ít nhiều. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ khối u thì nguy cơ bệnh nhân suy hô hấp, tử vong là khó tránh khỏi.

Khó đặt nội khí quản gây mê

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Hồng Chính - Khoa Gây mê hồi sức BV Đại học Y Dược TPHCM, người trực tiếp tiến hành gây mê cho bệnh nhân N. - đánh giá đây là một trường hợp khó khiến bản thân ông cũng cảm thấy áp lực lớn.

Sau ca mổ, tất cả chức năng của bệnh nhân đều được bảo toàn, đủ điều kiện sức khỏe để xuất viện  - ẢNH: THANH HUYỀN
Sau ca mổ, tất cả chức năng của bệnh nhân đều được bảo toàn, đủ điều kiện sức khỏe để xuất viện - Ảnh: Thanh Huyền

Bác sĩ Chính chia sẻ: “Không phẫu thuật thì bệnh nhân N. có thể lay lắt sống thêm vài tháng hoặc một năm. Nếu phẫu thuật mà khâu đặt nội khí quản trục trặc thì bệnh nhân có nguy cơ mất luôn trên bàn mổ”. Tuy vậy, việc phẫu thuật cho bà N. là bắt buộc, vô cùng cấp thiết. Chính vì vậy, bệnh nhân cần được mổ bóc tách khối u chủ động, chuẩn bị kỹ càng, đánh giá sát sao trước cuộc phẫu thuật cũng như có sẵn các phương án dự phòng. 

Lúc khảo sát đường thở của bà N. trước khi tiến hành đặt ống nội khí quản, bác sĩ Chính ghi nhận cấu trúc đường thở trên của bà tại vùng hầu họng bị thay đổi. Bệnh nhân không thể ngửa cổ ra cũng như há miệng to. Ngay cả đường thở dưới của bà cũng biến dạng, lệch trục, khối u chèn vào từ hai bên khiến nhiều đoạn chít hẹp. Làm cách nào để đặt được nội khí quản cho bệnh nhân là cả một vấn đề nan giải.

Tiến sĩ - bác sĩ Phan Tôn Ngọc Vũ - Trưởng khoa Gây mê hồi sức của BV - đã chỉ đạo ê-kíp gây mê đánh giá thật kỹ tình trạng bệnh nhân trên lâm sàng - kết quả chụp CT, MRI phổi - lồng ngực. 

Cuối cùng, bác sĩ Vũ đưa ra quyết định đặt nội khí quản cho ca này dưới sự hướng dẫn của ống nội soi mềm, bệnh nhân được an thần và gây tê bề mặt. Khi nội soi phế quản, bác sĩ gây mê sẽ xem xét ống nội soi có đi qua được chỗ bị chít hẹp ở đường thở hay không, căn cứ vào đó thay đổi kích thước ống nội khí quản cho phù hợp. Theo bác sĩ Chính, lúc đó mà không đặt được nội khí quản thì chỉ còn một cách cuối cùng là gây mê dưới sự hỗ trợ của máy ECMO. Nếu phải dùng tới phương pháp này chi phí sẽ rất lớn, lên tới hơn 1 tỷ đồng. 

May mắn, bác sĩ Chính đã luồn được ống nội khí quản lách qua những chỗ chít hẹp đường thở của bà N., vì mô của khối u vẫn còn độ đàn hồi, nếu khối u xơ cứng thì chưa chắc đã luồn ống qua được. Ca phẫu thuật diễn ra trong bốn tiếng đồng hồ vào ngày 9/6. Ê-kíp mổ đã bóc tách trọn vẹn khối u khổng lồ nặng 1kg. 

Tới nay, sau phẫu thuật ba ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục, nói chuyện được, bảo toàn được tất cả các chức năng, đủ điều kiện xuất viện. 

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đừng chủ quan khi thấy sức khỏe có dấu hiệu bất thường. Nếu được can thiệp điều trị sớm từ khi khối u mới chỉ là nhân tuyến giáp, kích thước nhỏ thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Hiện nay, có nhiều phương pháp can thiệp khối u tuyến giáp kích cỡ nhỏ mà không cần xâm lấn.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI