"Độc quyền, giá vắc xin COVID-19 đội lên ít nhất 5 lần"

29/07/2021 - 18:22

PNO - "Các hãng dược đang đòi cả thế giới tiền chuộc vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu chưa từng có. Đây có lẽ là một trong những vụ trục lợi lớn nhất trong lịch sử", bà Anna Marriott - Quản lý chính sách y tế của Oxfam cho biết.

Chi phí tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể giảm xuống ít nhất 5 lần nếu các hãng dược không giữ thế độc quyền để thu lợi riêng. Đây là tuyên bố mới nhất ngày hôm nay, 29/7, của Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người.

Công ty Pfizer/BioNTech và Moderna đang tính giá bán vắc xin cho chính phủ cao hơn 41 tỷ đô-la so với chi phí sản xuất ước tính, Liên minh phân tích. Ví dụ, nước Colombia có thể đã phải trả nhiều hơn 375 triệu đô-la cho các liều vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna, so với giá thành ước tính.

Bất chấp sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc và tử vong do COVID tại các nước đang phát triển, cho đến nay Pfizer / BioNTech và Moderna đã bán hơn 90% số vắc xin của họ cho các quốc gia giàu có, tính phí cao gấp 24 lần chi phí sản xuất ước tính.

Bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam cho biết: “Các hãng dược đang đòi cả thế giới tiền chuộc vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu chưa từng có...
Bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam cho biết: “Các hãng dược đang đòi cả thế giới tiền chuộc vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu chưa từng có..."

Tuần trước, Pfizer/ BioNTech thông báo họ sẽ cấp phép cho một công ty Nam Phi cung cấp và đóng gói 100 triệu liều để sử dụng ở châu Phi, nhưng đây chỉ là một con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Cả hai hãng dược đều không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vắc xin với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển, một động thái có thể giúp tăng nguồn cung toàn cầu, hạ giá thành và cứu sống hàng triệu người.

Phân tích các kỹ thuật sản xuất vắc xin mRNA hàng đầu do Pfizer/ BioNTech và Moderna sản xuất (chỉ được phát triển nhờ nguồn ngân sách công với khoảng 8,3 tỷ đô la) cho thấy những loại vắc xin này có thể được sản xuất với chi phí là 1,2 đô la một liều.

Tuy nhiên, COVAX, chương trình được thành lập để giúp các quốc gia tiếp cận với vắc xin COVID, đã phải chi trả trung bình gấp gần 5 lần. COVAX cũng đã phải vật lộn để có đủ liều lượng và đáp ứng tốc độ yêu cầu, vì nguồn cung không đủ và thực tế là các nước giàu đã tìm cách để được đứng đầu danh sách chờ bằng cách sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều.

Nếu không có độc quyền dược phẩm về vắc xin làm hạn chế nguồn cung và đẩy giá lên, Liên minh cho biết số tiền mà COVAX chi cho đến nay có thể đủ để tiêm chủng đầy đủ cho mọi người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bằng giá thành sản xuất, nếu có đủ nguồn cung. Do đó, COVAX sẽ chỉ tiêm được cho nhiều nhất là 23% dân số vào cuối năm 2021 này.

Liên minh của gần 70 tổ chức (bao gồm Liên minh châu Phi, Oxfam và UNAIDS) cho biết, việc một số nước giàu không ủng hộ việc dỡ bỏ độc quyền và giảm giá vắc xin đang ở mức cao một cách bất hợp lý đã góp phần trực tiếp vào tình trạng khan hiếm vắc xin ở các quốc gia nghèo hơn.

"Các hãng dược đang đòi cả thế giới tiền chuộc vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu chưa từng có. Đây có lẽ là một trong những vụ trục lợi lớn nhất trong lịch sử", bà Anna Marriott - Quản lý chính sách y tế của Oxfam cho biết.

 

Những loại vắc xin COVID-19 rẻ nhất trên thị trường như Oxford/AstraZeneca, cũng có giá gần gấp 4 lần giá mức giá trung bình - tuyên bố của Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người
Những loại vắc xin COVID-19 rẻ nhất trên thị trường như Oxford/AstraZeneca, cũng có giá gần gấp 4 lần giá mức giá trung bình - tuyên bố của Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người

Trong bản báo cáo được đăng hôm nay, Liên minh nêu tên các nước đang phát triển và cả những nước giàu hơn có khả năng đang trả một cái giá quá cao để có được vắc xin: Pfizer/BioNTEch đang bán cho Liên minh châu Phi với giá được cho là thấp nhất của họ ở mức 6,75 đô la, tuy nhiên mức giá này vẫn gấp gần 6 lần chi phí sản xuất dự tính cho loại vắc xin này. Một liều vắc xin hiện ngang với số tiền chi tiêu y tế của Uganda cho mỗi người dân trong vòng 1 năm.

Tương tự, Israel trả 28 đô la cho một liều vắc xin, mức giá được cho là cao nhất được trả cho Pfizer/ BioNTech tính đến hiện nay, gấp gần 24 lần chi phí sản xuất dự tính.

Liên minh châu Âu có thể đã thanh toán quá mức cho 1,96 tỉ liều vắc xin Moderna và Pfizer/BioNTech với số tiền lên tới 31 tỉ Euro.

Moderna ra mức giá gấp từ 4 đến 13 lần mức chi phí sản xuất cho các quốc gia khác. Công ty này được cho là đã đưa ra mức 30 - 42 đô la một liều cho Nam Phi, gấp gần 15 lần so với chi phí sản xuất dự tính.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Khayelitsha, ngoại ô thủ đô Cape Town của Nam Phi. Ảnh: Reuters
Một nhân viên y tế được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại ngoại ô thủ đô Cape Town, Nam Phi - (Ảnh: Reuters)

Columbia, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID, đang phải trả gấp đôi mức giá mà Mỹ trả cho vắc xin Moderna. Tính cả Moderna và Pfizer/BioNTech, Columbia đang trả cao hơn giá thực là 375 triệu đô la. Senegal, một nước có thu nhập thấp, thông báo rằng đã phải trả tận 4 triệu đô la cho 200.000 liều Sinofarm, với giá trung bình 20 đô-la/liều.

Quang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI