Điều trị u nang giáp móng như thế nào?

05/06/2022 - 08:01

PNO - Nếu không điều trị kịp thời, bệnh u nang giáp móng có thể gây các biến chứng nguy hiểm.

Hỏi: Tôi bị đau họng, nuốt vướng và thỉnh thoảng bị sốt từng cơn. Nhiều lần tôi mua thuốc điều trị nhưng không thuyên giảm. Giữa tháng 4/2022, tôi đi khám, chụp CT-Scan vùng cổ, bác sĩ kết luận bị u nang giáp móng vùng trước sụn, hạch ở góc hàm hai bên và cần phải phẫu thuật để điều trị. Hiện tại, tôi chỉ hơi sốt, nuốt vướng, ngoài ra không gặp thêm bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tôi từ chối mổ được không, khi nào tôi phải đến bệnh viện thăm khám?

Nguyễn Thị Yến (28 tuổi, ở TP.Thủ Đức)


Bác sĩ Đỗ Hồng Ân, Khoa Ngoại chuyên khoa Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông, trả lời: U nang giáp móng là tình trạng xuất hiện những khối u bẩm sinh của ống giáp lưỡi. Tức là trẻ sau khi được sinh ra, ống giáp lưỡi sẽ teo đi thành một dải xơ, nhưng khi gặp bất thường, ống giáp lưỡi không teo đi mà phát triển thành nang, bên trong chứa dịch nhầy. Dị tật này chiếm khoảng 7% dân số và có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Hiện nay, chỉ có phương pháp phẫu thuật, xử lý toàn bộ phần u nang, còn chọc dò, hút, bơm thuốc vào khối u cũng không thể điều trị triệt để được. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh u nang giáp móng có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng nang giáp (gây sưng nóng, đỏ, đau kèm áp xe mủ), rò rỉ mủ qua da hoặc vào họng, tái phát sau phẫu thuật, gây biến dạng vùng cổ, suy giáp, ung thư nang giáp lưỡi…

Trường hợp của chị cần cung cấp cho bác sĩ kết quả chẩn đoán hình ảnh mới có thể tư vấn phương án chính xác và cần phẫu thuật lúc này hay không. Tuy nhiên, nếu buộc phải mổ, chị cũng đừng lo lắng, bởi phẫu thuật u nang giáp móng thường kéo dài hơn một tiếng để cắt bỏ các lớp u nang, cũng như thám sát ở các vùng lân cận nhằm xử lý triệt để u nang. Nếu quyết định phẫu thuật nên tìm hiểu kỹ các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín nhằm đề phòng các biến chứng.

Sỹ Lý (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI