Diễn đàn "đừng sợ con làm hỏng", "xóa mù" bếp núc cho con

07/09/2016 - 15:27

PNO - Con gái năm nay vào lớp 9 mà chẳng làm việc nhà ra trò. Mỗi khi sai bảo, hối thúc, con mới chịu quét nhà, lau nhà, lau bàn ghế. Con chỉ biết làm những việc ấy. Còn chuyện bếp núc thì mù hoàn toàn.

Vừa bước vào bậc trung học cơ sở, chúng tôi đã được nhà trường rèn luyện tinh thần lao động. Tôi vẫn còn nhớ, trường tôi trồng ba loại cây xanh, là cây bàng, dương liễu, phượng. Tuy chỉ ba loại, nhưng cây phủ khắp sân trường, cho nhiều bóng mát. Bù lại, lá rụng cũng nhiều.

Nhà trường giao nhiệm vụ quét sân cho học sinh khối 6, nên cứ hai tuần, một nửa học sinh lớp tôi tới trường quét lá rụng. Chúng tôi chia khu vực để quét, rồi xúc rác đổ đúng nơi quy định. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp sức khỏe, độ tuổi. Mỗi khi xong việc, nhìn sân trường sạch bóng, chúng tôi rất vui, đứa nào cũng tự ý thức không xả rác bừa bãi.

Sau này lên các lớp lớn hơn, nhìn học sinh khối 6 quét sân trường, chúng tôi càng ý thức việc giữ gìn vệ sinh chung. Bây giờ ở trường đã có lao công. Nhiều trường cũng lợp mái che, ít trồng cây xanh. Một cọng rác giữa sân trường cũng lao công nhặt lấy. Ở phòng vệ sinh, lẽ ra các em cần ý thức giữ vệ sinh chung, nhưng lao công lúc nào cũng túc trực.

Dien dan
Ảnh minh họa

Ngoài trực lớp mỗi tháng không quá hai lần, học sinh bây giờ không phải lao động. Nhà trường yêu cầu các em không xả rác, giữ vệ sinh chung nhưng nhiều em vẫn chưa thực hiện tốt.

Ý thức ấy, tôi nghĩ phải bắt đầu từ cách giáo dục của mỗi gia đình. Phụ huynh dạy chỉ cần các con ý thức, thì nhà vệ sinh sẽ luôn sạch sẽ, sân trường, lớp học sẽ gọn gàng. Lao động ở trường là phục vụ bản thân học sinh, lợi ích học sinh, sẽ không nhọc nhằn mà còn thể hiện trách nhiệm, tình đoàn kết.

Liên quan việc xả rác, con gái tôi kể, thầy giáo từng thông báo là hễ bắt gặp bạn nào xả rác, sẽ hạ hạnh kiểm. Hôm ấy bạn H. ăn bánh tráng trộn, bạn bảo vì ớt cay nên tớ chỉ biết vứt ngay bọc ni lông đựng bánh tráng dưới chân, rồi đi tìm nước uống. Học kỳ ấy, học lực của bạn đạt giỏi, nhưng vì hạnh kiểm khá nên H. không được công nhận học sinh giỏi. Ba mẹ H. lên trường “quậy” hiệu trưởng, nhưng kết quả xếp loại vẫn không thay đổi.

Gia đình tôi, từ ngày vợ nghỉ việc ở nhà làm nội trợ, cô ấy chu toàn mọi thứ. Đến nỗi con gái năm nay vào lớp 9 mà chẳng làm việc nhà ra trò. Mỗi khi sai bảo, hối thúc, con mới chịu quét nhà, lau nhà, lau bàn ghế. Con chỉ biết làm những việc ấy. Còn chuyện bếp núc thì mù hoàn toàn.

Vợ tôi thấy mình rảnh rỗi nên ôm việc “để con học hành”. Vừa ôm vừa than. Các bạn con đến nhà chơi, hỏi ra thì đứa nào cũng biết nấu ăn, đi chợ, vì bố mẹ đi làm, việc nhà các con phải chia sẻ.

Tôi bảo với vợ, lẽ ra mẹ ở nhà là có thời gian tập tành cho con gái. Đằng này mẹ bao hết, nên con gái đã lớn mà mù bếp núc. Tôi đành vào cuộc dạy con nấu ăn. Thật ra tôi chẳng giỏi bếp núc, nhưng việc bắc nồi cơm, luộc mớ rau, nhặt rửa rau thì có khó gì.

Cha con tôi khởi đầu bằng những việc như thế. Tập con dần dần, chỉ cần nửa tháng là con đã tiến bộ. Trẻ con, đứa nào cũng thích vui chơi hơn làm việc, bố mẹ không dạy con làm việc nhà thì trẻ càng thích. Nhưng càng chạm việc, trẻ càng có nhiều cơ hội tích lũy kinh nghiệm, để khi ở nhà một mình, trẻ sẽ không lúng túng, mà cha mẹ cũng yên tâm.

Theo đà bố dạy con, vợ tôi cũng bắt tay vào dạy con gái chuyện bếp núc. Buồn cười nhất là mỗi lần chiên thức ăn, con gái tôi mang mắt kính, mặc áo khoác, đeo khẩu trang vì sợ dầu bắn vào da thịt. Kệ, dần dần rồi con sẽ tự tin vứt bỏ những thứ ấy.

Sợ vợ vì thương con, ngại bảo con làm việc nhà, tôi thường xuyên nhắc nhở vợ, rồi khích con nay đã nấu được những món gì... Biết lịch vào bếp của con, bản thân tôi cũng tranh thủ góp mặt, để tạo không khí rộn ràng nơi góc bếp.

Ngô Văn

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Đừng sợ con làm hỏng!” qua địa chỉ dungsoconlamhong@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI