Đào tạo diễn viên và khán giả cải lương: Chỉ cần đủ quyết tâm

03/01/2019 - 06:00

PNO - Đào tạo bài bản và đặt hàng những kịch bản phù hợp với khả năng, lứa tuổi của các diễn viên và khán giả nhí… cần được xem là chiến lược lâu dài của sân khấu cải lương.

Khán phòng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang rất đông khán giả trong suất hát chia tay năm 2018 với vở Máu nhuộm sân chùa (tác giả Yên Lang, đạo diễn: Lê Trung Thảo). Khán giả đa phần là fan của NSƯT Tú Sương từ khi cô còn là diễn viên nhí ở Đồng ấu Bạch Long hơn 20 năm trước.

Dao tao dien vien va khan gia cai luong: Chi can du quyet tam
Ươm mầm tài năng diễn viên nhí và gầy dựng khán giả cải lương tương lai là việc cần làm ngay Ảnh: T.B.

Dù chưa phải là bản dựng xuất sắc và khả năng ca diễn của các diễn viên trong suất hát này cũng chưa đồng đều, những tràng vỗ tay cho các lớp diễn hay, những câu vọng cổ ngọt ngào vẫn vang lên, cho thấy cải lương luôn được khán giả ủng hộ. Chợt nghĩ, tại sao ta không gầy dựng một thế hệ diễn viên và khán giả cải lương từ hôm nay?

Hơn nửa thế kỷ trước, đoàn cải lương Khánh Hồng - Minh Tơ đã có nhóm Đồng ấu Minh Tơ - chiếc nôi nuôi dưỡng những tài năng như Thanh Tòng, Công Minh, Bửu Truyện, Bo Bo Hoàng, Thanh Loan… Rất nhiều nghệ sĩ thành danh của sân khấu cải lương từng được ông bầu Viết Long của đoàn Kim Chung ngày xưa mời về, ký hợp đồng trong độ tuổi từ 13-16.

Đầu thập niên 1990, Đồng ấu Bạch Long ra đời, tiếp tục đào tạo ra Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo, Vũ Luân, Chinh Nhân, Bình Tinh, Linh Tý, Chấn Cường…

Các diễn viên nhí, vốn thừa hưởng “gen” cải lương từ cha mẹ, được nghệ sĩ Bạch Long đào tạo bài bản từ cách ca, ngâm đến diễn xuất, vũ đạo. Đặc biệt, những tuồng tích được dàn dựng lúc bấy giờ đều là những vở phù hợp với lứa tuổi các diễn viên nhí và khán giả đồng trang lứa: Cóc kiện trời, Trần Quốc Toản ra quân, Con ngựa và củ cải khổng lồ, Cầu vồng và đàn thỏ, Kim Đồng…

Dao tao dien vien va khan gia cai luong: Chi can du quyet tam
NSƯT Quế Trân- một trong những gương mặt trưởng thành từ Đồng ấu Bạch Long

Thời cải lương khó khăn, Đồng ấu Bạch Long vẫn đóng đô ở rạp Đại Đồng, với những suất hát chật kín khán phòng. Thậm chí, những ngày cuối tuần, có lúc phải diễn 3 suất. Những khán giả nhí ấy đã lớn lên cùng các diễn viên Đồng ấu Bạch Long, luôn đồng hành với nghệ sĩ, dù Đồng ấu Bạch Long đã ngưng hoạt động gần 20 năm.

Hè năm 2016, câu lạc bộ Bầu Trời Xanh ra đời, tập hợp con em nghệ sĩ và một số gương mặt nhí đoạt giải ở các game show dành cho thiếu nhi trên truyền hình. Các suất diễn tại rạp Công Nhân chật kín khán giả. Tiếc rằng, do hoạt động tự phát, câu lạc bộ không thể duy trì thường xuyên.

Cải lương ở cột mốc 100 năm rất cần một thế hệ diễn viên tài năng và một lớp khán giả cho tương lai. Nhưng với đặc thù của nghệ thuật truyền thống và thực tế của đời sống văn hóa nghệ thuật, trong sự tác động của những loại hình nghệ thuật thời thượng, đầu tư vào đào tạo tài năng nghệ thuật truyền thống ở bậc cao đẳng, đại học e chừng chưa đủ. Cải lương không thiếu những tài năng nhỏ tuổi.

Dao tao dien vien va khan gia cai luong: Chi can du quyet tam
NSƯT Tú Sương có rất nhiều khán giả "ruột" đã đồng hành cùng chị từ khi còn là DV nhí của Đồng ấu Bạch Long

Ngoài những tài năng nhí thuộc thế hệ thứ 6 của gia tộc Minh Tơ, như: Hồng Quyên, Thảo Trâm, Kim Thư… các tài năng nhí vừa có giọng ca, vừa có năng khiếu diễn xuất ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí có: Quách Phú Thành, Khánh Nhi, Huyền Trang, Y Bình, Ngọc Tâm, Nguyễn Thanh Tứ, Nguyễn Như Ý...

TP.HCM cũng có những đợt liên hoan đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi như giải Búp sen vàng 2016, liên hoan đờn ca tài tử thiếu nhi tại các trung tâm văn hóa quận, huyện... Mới nhất, phần thi đờn ca tài tử cũng đã được đưa vào Liên hoan văn nghệ thiếu nhi hè 2018.

Điều gây ngạc nhiên nhất ở những tài năng nhỏ tuổi là các em đã dám chọn những phần thi rất khó để thể hiện tài năng và đều rất thành công. Khánh Nhi (10 tuổi), Huyền Trang (5 tuổi) đã tự thử thách mình bằng những trích đoạn cải lương tuồng cổ. Các tài tử nhí Trọng Nhân, Võ Thị Huyền Trang đã chọn những bài bản khó như Tứ đại oán, vọng cổ nhịp 32 để dự thi…

Ngoài những tài năng về ca, diễn, chúng ta còn bắt gặp những tài tử đờn nhí: Lê Minh Khôi - đờn sến, Trần Nhựt Đức - guitar phím lõm, Nguyễn Như Cường - đờn kìm, Nguyễn Nguyệt Thu - đờn bầu…

Dao tao dien vien va khan gia cai luong: Chi can du quyet tam
Những tài năng nhí cần được chăm chút, vun bồi

Việc đào tạo tài năng nhí cho cải lương cần được xem là việc làm cấp bách. Bóng đá đào tạo cầu thủ từ khi họ còn rất nhỏ. Nhạc viện TP.HCM tuyển sinh từ 9-10 tuổi, đồng thời có chương trình đào tạo song song âm nhạc và văn hóa cho học sinh đã tốt nghiệp THCS, nhưng cải lương lại không có những chương trình tương tự. Có lẽ đã đến lúc nghĩ đến những chế độ đãi ngộ hợp lý và tạo điều kiện để các em có thể vừa học tập, vừa rèn luyện và phát huy tối đa tài năng.

Đào tạo bài bản và đặt hàng những kịch bản phù hợp với khả năng, lứa tuổi của các diễn viên và khán giả nhí… cần được xem là chiến lược lâu dài của sân khấu cải lương. Những vở cải lương thiếu nhi vừa là cơ hội để diễn viên nhí rèn nghề, đồng thời giúp khán giả nhí làm quen với cải lương, để hiểu và yêu hơn loại hình nghệ thuật sân khấu đặc trưng của mảnh đất phương Nam. Các em cũng chính là khán giả tương lai của sân khấu cải lương. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI