Sân khấu cải lương sau 100 năm: Còn gì, có ai?

19/09/2018 - 06:52

PNO - Nếu đặt để 32 vở diễn của 25 đơn vị từ Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 trong bức tranh tổng thể của sân khấu cải lương thì hẳn chưa đầy đủ, trọn vẹn.

Nhưng với tinh thần làm nghề, phô diễn chuyên môn và cả… đua chen giải thưởng, cuộc chơi này ít nhiều phản chiếu mặt bằng của loại hình sân khấu trăm năm tuổi, để sau cột mốc 2018, cải lương liệu còn gì, có gì để đi tiếp mà giữ gìn, trao gửi cho mai sau…

San khau cai luong sau 100 nam: Con gi, co ai?
Anh hùng di hận là một kịch bản chắc tay tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 - Ảnh: Thảo Vân

Đâu rồi “người bán thuốc mê” thời đại?

Là một nhà cách tân sân khấu lỗi lạc của thế kỷ XX, nhưng B.Brecht (1898-1956) lại có cái nhìn khá cực đoan với sân khấu truyền thống. Ông xem nghệ sĩ kịch hát như những “người bán thuốc mê”, khiến bao con người bị áp bức, cùng khổ bỏ hết nhọc nhằn, ưu phiền ngoài cửa rạp, để bước vào thánh đường lung linh, ca diễn bay bổng.

Nhưng nào chỉ có thế! Gần 40 năm trước, từ hai cánh gà đã vang tiếng đồng ca “sát thát”, trên sàn diễn dậy lời hiệu triệu: “Đất này có chủ, nước này có vua. Thần dân có xã tắc để khuôn phò. Xã tắc có thần dân tông miếu để hợp thành khí thiêng sông núi. Từ lâu rồi Việt - Tống biên thùy đà chia cõi... Đất hẹp, người thưa, nhưng không là tiểu nhược”. (Thái hậu Dương Vân Nga - Hoa Phượng, Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân).

Khán giả 2018 đâu chỉ nghe, xem cải lương bằng ký ức. Họ thắp sáng ký ức bằng ý thức công dân mạnh mẽ, tỉnh táo. Hãy nghe lời can gián của Cao Thục với Thục Phán An Dương Vương (Chiếc áo thiên nga - Lê Duy Hạnh): “Hoàng thượng tự biệt giam trong những lời ngợi ca trống rỗng. Tự biệt giam trong gấm vóc lụa là, coi đó là sự sống... Vui say với thanh bình, tin rằng chiến chinh sẽ không bao giờ trở lại”. Để đến khi quân Triệu phá thành, trống đồng im tiếng, nỏ thần bất động bởi chí khí ba quân cùng lòng dân đã hoang mang, rời rã. Bởi tận cùng, “nền móng của một vương triều phải được xây dựng từ lòng dân. Lòng dân mất, vương triều sẽ sụp đổ” (Anh hùng di hận - Đăng Minh)…

Ba trong số hiếm hoi kịch bản có giá trị tại liên hoan, mà tính tư tưởng tỷ lệ thuận với thi pháp sáng tác kịch bản sân khấu, chinh phục người xem. Cùng với Cuộc đời của mẹ, Tổ quốc nơi cuối con đường, Ngày đó... họ đều còn trẻ, Hiu hiu gió bấc, Ngạ quỷ... Còn lại, đa phần rơi vào sự trình bày cốt truyện, xếp lớp tình huống, minh họa tính cách, ngôn ngữ, nên về tổng thể, tính tư tưởng mờ nhạt, thi pháp kịch thô sơ, cũ kỹ. Trên cái nền kịch bản như thế, khả năng dàn dựng bị thử thách nặng nề.

Hồi sinh là một kịch bản có đề tài tốt, nhưng cấu trúc kịch quá non, dẫn dắt tâm lý phi lý, dàn dựng đã không thể cứu vãn. Tình huống bà Hậu đang khóc trước cái chết của con trai mình - Tuấn - một chiến sĩ công an hy sinh khi đột nhập nhóm chơi ma túy thì vợ chồng ông Bình - bà Hương (chủ quán bar mà Tuấn đột nhập làm nhiệm vụ) lại bình thản xin người mẹ ấy ký giấy đồng ý hiến tạng cho con trai mình.

San khau cai luong sau 100 nam: Con gi, co ai?
Cảnh trong vở Hồi sinh

Hay Người đồng bằng có thủ pháp dàn dựng thiếu nhất quán. Đem cả chim, cá, vịt thật lên sân khấu, nhưng lại để ông Ba nhảy xuống sông là… hố nhạc ngay trước hàng ghế khán giả, nhiệt tình vẫy vùng, quẫy đạp. Ý tưởng giấu của nả dưới đầm sen là chấp nhận được, nhưng cách xử lý lại quá vụng, khiến cả hội trường cười rần khi nhân vật bà nội đào xới bụi sen rồi lôi ra cái hộp láng mướt đựng tiền, vàng…

Khi kịch bản sơ lược, có là… màn hình led to, cài cắm hoa hòe tứ phía cũng không tạo được tính nghệ thuật cho vở diễn. Nên nhớ, tính chỉnh thể của một tác phẩm sân khấu là sự thống nhất, hòa quyện nhiều yếu tố: kịch bản, âm nhạc, thiết kế, ánh sáng, dàn dựng, diễn xuất. Nó không phải là màn trình diễn rộn ràng, múa may theo kiểu đại nhạc hội.

Rõ ràng, thiếu hụt đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, chủ yếu dừng lại ở vai trò chuyển thể, đặt để bài ca; thiếu vắng những tên tuổi đạo diễn có thực lực; nhiều nhạc công nhưng hiếm hoi nhạc sĩ, nên chỉ sử dụng cho tròn hệ thống bài bản, còn chưa thấy tính sáng tạo và phát triển được gì từ bài bản và nhạc tính cho từng vở diễn nói chung; sự nghèo nàn của ánh sáng cộng thêm tính thủ công sơ sài trong thiết kế lẫn đạo cụ đã cho thấy một diện mạo sân khấu cải lương đang thụt lùi và bế tắc.

Xã hội hóa không phải tiêu chí nghệ thuật

Sự phản ứng trước những phê bình về chất lượng nghệ thuật của một số đơn vị xã hội hóa đã bộc lộ một nhầm lẫn tai hại về quan niệm: hễ bỏ tiền ra nuôi sống điểm diễn, phục dựng vở diễn, luyện ngày tập đêm thì ắt là vở diễn hay, có giá trị. Xã hội hóa là hình thức huy động các nguồn lực xã hội thay vì hoạt động bằng ngân sách. Đó là phương thức tồn tại. Còn chất lượng nghệ thuật chỉ có một: hay hoặc dở.

Hãy nhìn sang kịch nói, từ sân khấu Idecaf, Hoàng Thái Thanh đến Hồng Hạc, sẽ thấy cách thức tổ chức, vận hành là bài toán quản trị - kinh tế; còn giá trị nghệ thuật thì tùy vào phong cách của mỗi thương hiệu mà họ xây dựng, lao động và bảo vệ bằng chính chuẩn mực, sức sáng tạo và thông điệp nghệ thuật của họ.

Cũng là phục dựng một vở diễn đã thành công trong quá khứ, nhưng hãy chiêm ngưỡng Tiên Nga. Sự làm mới, làm lạ đã đạt đến trình độ sáng tạo, thông qua sự hư cấu nghệ thuật (xây dựng nhân vật người dẫn chuyện là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu), tái cấu trúc - liên kết đường dây nhân vật Kiều Nguyệt Nga - Võ Thể Loan - Kim Liên để phục vụ cho ý đồ tư tưởng: lòng ái quốc không phân biệt sang hèn, nó có thể trỗi dậy mạnh mẽ ở ngay chính con người đại diện cho tầng lớp thấp cổ bé họng nhất.

Nếu một Lục Vân Tiên khóc vì thương nhớ mẹ đến mù mắt thì cũng có một Nguyễn Đình Chiểu khóc đến mù mắt vì họa mất nước. Một dân tộc mất nước là một dân tộc có mắt cũng như mù. Tôi thật sự kính trọng và thán phục cuộc phục sinh nghệ thuật - thông qua một vở diễn - mà không phải người nghệ sĩ nào (công lập hay tư nhân) cũng có thể làm được và làm bằng một hiểu biết thấu đáo, một trách nhiệm công dân - nghệ sĩ cao quý.

Ở Hồng Hạc, cho đến giờ, NSƯT - đạo diễn Việt Linh còn chưa gặp mặt chính thức phía tài trợ nước uống cho khán giả trước mỗi đêm diễn. Những doanh nhân bảo trợ cho sân khấu Hồng Hạc không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào ngoài tinh thần yêu quý, góp một phần nhỏ vào việc giữ gìn một không gian văn hóa cho mảnh đất Sài Gòn. Đổi lại, Hồng Hạc chỉ cố công để tạo nên những tác phẩm giá trị.

Xét về khía cạnh nào đó, cải lương, đúng ra là nghệ sĩ cải lương, luôn có một sức hút với các Mạnh Thường Quân. Nhưng từ sức hút cá nhân đến khả năng quy tụ nguồn lực, đầu tư cho hoạt động sáng tạo - biểu diễn - phục vụ lại là thách thức không nhỏ, thiếu bền vững, ổn định ở lĩnh vực này.

Một lần nữa, vai trò bảo trợ của Nhà nước được đặt ra - không chỉ là bảo trợ tài chính mà cả sự liên kết để đảm bảo tính kiểm định, đánh giá và có kiểm soát các nguồn lực. Không phân bổ, phân phối - dù là nguồn ngân sách hay xã hội hóa - một cách thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả như hiện nay.

Phê bình sân khấu trong không gian văn hóa

NSND Nguyễn Thành Châu từng khẳng định, khán giả là người thầy cuối cùng của một vai diễn. Ký giả kịch trường, trước hết cũng là một khán giả, lại là khán giả “đặc biệt”, bởi khả năng cảm thụ, nắm bắt, tìm hiểu cùng kỹ năng chuyển tải giá trị nghệ thuật đến với công chúng.

Nếu nghệ sĩ sáng tạo vai diễn trên nền tảng của xúc cảm, hiểu biết thì sự tiếp nhận, phê bình (khen và chê) của nhà báo cũng xuất phát từ sức cảm thụ và hiểu biết của mình, của những yêu cầu, đòi hỏi của bạn đọc - công chúng. Đó là sự tương tác mang tính cộng sinh, thúc đẩy cho quá trình sáng tạo - tiếp nhận ngày một thăng hoa, tiến bộ.

Điều này đang thiếu vắng, thậm chí bị bỏ quên trong sinh hoạt của sân khấu cải lương. Có thể một phần vì sân khấu hiếm hoi tác phẩm, chủ yếu là trích đoạn, bài ca, game show… nhưng không vì thế mà tiếng nói phê bình lại vắng bặt hoặc khi tiếng nói ấy cất lên lại trở nên lạc lõng bởi thái độ và văn hóa tiếp nhận phê bình mang đầy tính cực đoan, thiếu chuẩn mực.

Cải lương là đặc sản văn hóa phương Nam. Xây dựng, giữ gìn một không gian văn hóa, một ứng xử có văn hóa cho một loại hình nghệ thuật những tưởng là điều tất yếu. Nhưng xem ra, sau cột mốc 100 năm, đó lại là điều hụt hẫng, thiếu vắng ngay trong một bộ phận những người làm sân khấu cải lương.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI