Đại dịch được cải thiện ở một số nơi, nhưng trở nên tồi tệ hơn trên toàn cầu

04/06/2021 - 09:44

PNO - Cuộc sống đang trở lại bình thường ở Mỹ - các nhà hàng và quán bar dần đông khách, các hãng hàng không bán hết vé các kỳ đi nghỉ. Tại các sự kiện thể thao, những người hâm mộ không đeo khẩu trang ôm nhau reo hò cổ vũ, nhiều bữa tiệc nướng gia đình được tổ chức cuối tuần qua, vào dịp lễ Memorial Day (Ngày Chiến sĩ trận vong).

 

Đại dịch tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trên toàn cầu, ngay cả khi nó đã được cải thiện tại Mỹ - Ảnh: Getty Images
Đại dịch tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trên toàn cầu, ngay cả khi nó đã được cải thiện tại Mỹ - Ảnh: Getty Images

Điều đó có lý do của nó: 50,9% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 và các ca nhiễm mới cũng như các trường hợp tử vong hàng ngày đều ở mức thấp nhất trong gần một năm. Đại dịch đang dần rút khỏi cuộc sống hàng ngày của nhiều người Mỹ khi các doanh nghiệp mở cửa và chính quyền địa phương nới lỏng các quy định phong tỏa.

Tình hình ở Anh Quốc cũng được cải thiện rõ nét. Hôm 1/6 Anh thông báo không có ca tử vong mới nào liên quan đến COVID-19, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.

Devi Sridhar, Chủ tịch tổ chức Sức khỏe cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh (Anh), viết: “COVID-19 sẽ không kết thúc bằng một tiếng nổ hay một cuộc diễu hành. Trong suốt quá trình lịch sử, các đại dịch đã kết thúc khi căn bệnh này không còn chi phối cuộc sống hàng ngày và rút lui vào hậu trường như những thách thức về sức khỏe khác”.

Nhưng COVID-19 vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Sự xuất hiện của các biến chủng virus có độc lực mạnh hơn ở Brazil, Ấn Độ và sự chậm chạp của các nỗ lực tiêm chủng ở nhiều quốc gia đã góp phần làm cho số ca tử vong mỗi ngày một tăng. Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới năm 2021 đã cao hơn so với năm 2020 và số người chết chắc chắn cũng sẽ tỷ lệ thuận.

Từng là thành trì chống COVID-19 khi đại dịch đang tàn phá các nước phương Tây, nhưng nay Đông Nam Á đang đối phó với số ca nhiễm gia tăng đột biến. Trong tháng qua, các ca nhiễm mới gia tăng đáng kể ở Thái Lan và Việt Nam. Malaysia ghi nhận nhiều ca nhiễm mới trên một triệu người. Con số này cao hơn bất kỳ quốc gia quy mô trung bình hoặc lớn nào ở châu Á, kể cả Ấn Độ, điểm nóng COVID-19 trên toàn cầu. Hôm 2/6, chính phủ Malaysia đã thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc trong hai tuần.

Ở châu Phi, những lo ngại đang gia tăng về khả năng xuất hiện làn sóng mới của đại dịch liên quan đến biến chủng dễ lây lan hơn của virus, trong bối cảnh hệ thống y tế nhiều quốc gia có nguy cơ nhanh chóng bị quá tải bởi sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy ở châu lục này bệnh nhân nặng do COVID-19 có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, một phần nguyên nhân là do thiếu các cơ sở chăm sóc đặc biệt cũng như nguồn dự trữ y tế quan trọng như oxy.

“Sẽ là một sai lầm lớn đối với bất kỳ quốc gia nào khi nghĩ rằng nguy cơ đã qua đi”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đầu tuần qua khi bế mạc Đại hội đồng Y tế Thế giới - Ảnh: Reuters
“Sẽ là một sai lầm lớn đối với bất kỳ quốc gia nào khi nghĩ rằng nguy cơ đã qua đi”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hồi đầu tuần qua khi bế mạc Đại hội đồng Y tế Thế giới - Ảnh: Reuters

Ở Mỹ Latinh, virus vẫn hoành hành và về cơ bản không suy giảm. Peru, theo dữ liệu đã điều chỉnh của chính phủ nước này, hiện có tỷ lệ tử vong do COVID-19 tính trên đầu người cao nhất thế giới. Mặc dù vậy, nước này dự kiến vẫn tổ chức bầu cử tổng thống vào cuối tuần này.

Ngay cả ở Đông Á, nơi một số quốc gia đặt ra tiêu chuẩn vàng trong việc ngăn chặn bệnh dịch lây lan trong cộng đồng, virus vẫn tiếp tục hoành hành. Đài Loan đã chứng kiến ​​sự bùng nổ các ca nhiễm trong tháng qua. Tại Nhật Bản, quốc gia vẫn giữ ý định tổ chức Thế vận hội Mùa hè, nhiều khu vực - bao gồm cả Tokyo - vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.

Một số chuyên gia y tế công cộng cho rằng các phương pháp nghiêm ngặt giữ cho những nơi như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore “an toàn hơn” các đối tác ở phương Tây trong suốt năm 2020 có thể không bền vững về lâu dài - vì một số lý do, việc triển khai vắc xin ở các quốc gia và vùng lãnh thổ này bị chậm lại do thiếu nguồn cung, nên đã không tạo ra được tình trạng miễn dịch cộng đồng cần thiết.

Từ đó, những người đấu tranh cho sức khỏe cộng đồng và các tổ chức quốc tế nhận ra một vấn đề quan trọng là hố ngăn cách toàn cầu về tiêm chủng.

Trong khi tại Mỹ đã thảo luận về các mũi tiêm tăng cường cho người dân, thì các nhân viên y tế tuyến đầu ở một số nước đang phát triển thậm chí vẫn chưa được tiêm liều vắc xin đầu tiên. Trong một tuyên bố chung gần đây, những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD cho hành động tập thể nhằm đẩy nhanh việc phân phối vắc xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, mở rộng và đa dạng hóa năng lực sản xuất vắc xin trên toàn thế giới.

“Việc phân phối vắc xin không hợp lý đang khiến hàng triệu người dễ bị nhiễm virus trong khi không ngăn chặn được sự xuất hiện của các biến chủng chết người và nguy cơ phát tán (dịch) trở lại trên toàn thế giới”, tuyên bố chung được tờ Washington Post trích đăng.

“Sẽ là một sai lầm lớn đối với bất kỳ quốc gia nào khi nghĩ rằng nguy cơ đã qua đi”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định hồi đầu tuần qua khi bế mạc Đại hội đồng Y tế Thế giới. Ông cảnh báo rằng sự phối hợp toàn cầu không đủ hiện có nghĩa là “chúng ta sẽ vẫn phải đối mặt với những lỗ hổng tương tự đã cho phép một ổ dịch nhỏ trở thành một đại dịch toàn cầu”.

Giờ đây, mọi sự chú ý chuyển sang cuộc họp trong tháng này của nhóm G7, khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia phát triển nhất thế giới dự kiến ​​sẽ thúc đẩy và cung cấp cho nhu cầu vắc xin trên toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống Biden cũng ủng trợ các cuộc đàm phán tại WTO về khả năng từ bỏ các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ đối với vắc xin COVID-19, tạo điều kiện cho nhiều quốc gia có thể sản xuất vắc xin. Tuy nhiên việc này vẫn bị các chính phủ lớn ở châu Âu phản đối, trong khi những người chủ trương cho rằng những cuộc thảo luận này lẽ ra phải diễn ra ở giai đoạn sớm hơn nhiều trong đại dịch.

Tô Châu (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI