Khi giới trẻ… rỗng túi

04/07/2025 - 06:54

PNO - Giới trẻ (sinh từ năm 1997 đến 2012) chiếm khoảng 30% lực lượng lao động toàn cầu. Nhưng theo các chuyên gia tài chính, gần một nửa trong số họ hết tiền mỗi tháng và có chưa đến 1/4 ổn định về tài chính.

Nhiều người trẻ hiện đang đối mặt với tình trạng tiền lương không đủ chi tiêu cho cá nhân - Minh họa của Newsweek, Getty
Nhiều người trẻ hiện đang đối mặt với tình trạng tiền lương không đủ chi tiêu cho cá nhân - Minh họa của Newsweek, Getty

Khảo sát gần đây của Cục Thống kê lao động Mỹ, giới trẻ là nhóm đối tượng sẽ chiếm 1/3 lực lượng lao động toàn cầu, nhưng họ đang phải đối mặt với áp lực tài chính cao hơn so với những người ở nhóm tuổi khác do tình trạng lạm phát tăng cao, suy thoái, khủng hoảng kinh tế, chi trả các khoản phí và nhà ở.

Một cuộc khảo sát về tài chính với hàng chục ngàn người trẻ ở Mỹ và châu Âu cho thấy, 41% gần như hết tiền mỗi tháng và chỉ 21% ổn định về tài chính. Có đến 20% cho biết họ thậm chí không đủ khả năng chi trả các nhu yếu phẩm cần thiết ở tuần cuối tháng. Gần 20% còn lại cho biết phải làm nhiều hơn 1 công việc để kiếm sống.

Lin Peng - giáo sư Đại học Baruch (Mỹ) chuyên về những khó khăn tài chính của giới trẻ - cho biết, có 2 yếu tố chính tạo nên vấn đề là: các chi phí cho giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe tăng cao, trong khi tiền lương thì trì trệ, việc làm bấp bênh.

“Nhiều bạn trẻ phải gánh khoản nợ sinh viên vì chi phí giáo dục đại học đã tăng lên đáng kể trong vài thập niên qua. Gánh nặng của các khoản vay này kết hợp với chi phí sinh hoạt tăng cao, để lại gánh nặng tài chính. Khả năng chi trả tiền nhà ở tiếp tục là một rào cản đáng kể, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, nơi giá thuê nhà đã tăng vọt” - Peng nói.

Cũng theo Peng, mặc dù tỉ lệ thất nghiệp thấp, nhưng nhiều công việc mới bắt đầu có mức lương thấp, không theo kịp lạm phát, khiến lao động trẻ phải vật lộn để kiếm sống.

Giáo sư Peng nhấn mạnh đến phương tiện truyền thông xã hội và văn hóa tiêu dùng là yếu tố khác tạo ra sự bất an tài chính của giới trẻ. “Phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một nền văn hóa tiêu dùng phổ biến, nơi giới trẻ thường xuyên tiếp xúc với những người có ảnh hưởng và đồng nghiệp thể hiện lối sống xa hoa, điều này tạo ra hiệu ứng khiến những người trẻ chi tiêu quá mức hoặc căng thẳng tài chính”.

Một cuộc khảo sát gần đây từ trang Savings.com cho thấy một nửa số cha mẹ Mỹ vẫn đang hỗ trợ tài chính cho con cái trưởng thành của họ. Khảo sát còn cho thấy, có đến 28% những người trẻ dựa vào tài chính của cha mẹ, khi hết tiền trước ngày có lương, họ tìm đến gia đình hoặc bạn bè để được giúp đỡ.

CJ MacDonald - Giám đốc điều hành công ty tài chính Step - chia sẻ: “Đây là một trong những khoảnh khắc tài chính khó khăn nhất mà giới trẻ phải đối mặt, họ đang phải đối mặt với việc trả nợ sinh viên, chi phí sinh hoạt tăng và bây giờ là các chương trình “Mua trước trả sau” có thể âm thầm khiến họ trở thành con nợ. Cần có các chính sách giáo dục giới trẻ về tác động của điều này và cách tránh cạm bẫy. Chúng đang phá hoại một thế hệ đang cố gắng đạt được nền tảng tài chính ổn định”.

Giáo sư Lin Peng chia sẻ thêm: “Sự bất ổn tài chính của giới trẻ bắt nguồn từ sự kết hợp của những thách thức bởi các yếu tố xã hội như chủ nghĩa tiêu dùng được thúc đẩy bởi phương tiện truyền thông xã hội. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi một cách tiếp cận từ 2 hướng: cải cách cơ cấu để giảm chi phí sinh hoạt cùng với giáo dục tài chính thực tế, hiện đại hóa để chuẩn bị cho những người trẻ về thực tế tài chính ngày nay”.

Lệ Chi (theo Newsweek, PSR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI