Cửa hàng kinh doanh truyền thống dần biến khỏi đô thị

28/07/2025 - 06:54

PNO - Dưới áp lực kinh tế và xu hướng tiêu dùng trực tuyến, nhiều cửa hàng nhỏ, mang tính “cha truyền con nối” tại các thành phố lớn ở châu Á đang dần biến mất.

Ông Tsutomu Nishiwaki đứng trước tiệm mì của mình ở Tateishi Nakamise - một khu mua sắm lâu đời ở phía đông Tokyo, Nhật Bản - ẢNH: JUSTIN MCCURRY (The Guardian)
Ông Tsutomu Nishiwaki đứng trước tiệm mì của mình ở Tateishi Nakamise - một khu mua sắm lâu đời ở phía đông Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Justin McCurry (The Guardian)

Đoạn kết của chặng đường kinh doanh

Khi ông Tsutomu Nishiwaki (80 tuổi) kéo cửa chớp, tiếng lách cách báo hiệu một ngày mới bắt đầu tại con phố mua sắm Tateishi Nakamise, Nhật Bản. Tấm biển hiệu ghi tiệm mì gia truyền. Ông Nishiwaki đã đứng bếp trong suốt 60 năm qua. Nhưng giống như những sợi mì tươi mà chủ cửa hàng làm mỗi sáng, cửa hàng này cũng có hạn sử dụng.

Hàng chục cửa hàng, nhà hàng và quán bar nằm trên con phố này - một khu mua sắm có mái che, còn gọi là shotengai - ở vùng ngoại ô phía đông thủ đô Tokyo sẽ phải nhường chỗ cho một dự án phát triển mới, hứa hẹn đem đến cảnh quan hiện đại. Trên khắp Nhật Bản, các shotengai mọc lên trong thời kỳ Showa (thời kỳ Thiên hoàng Chiêu Hòa, 1926-1989) đang dần lùi bước trước những nhà phát triển bất động sản, sự suy giảm dân số và văn hóa tiêu dùng đòi hỏi sự tiện lợi.

Tại một ki ốt nhỏ ở Hồng Kông (Trung Quốc), ông Cheung Shun King khắc chữ lên một quân bài mạt chược chỉ trong vài giây. Ông già 72 tuổi này là thế hệ nghệ nhân thứ ba, có lẽ cũng là thế hệ cuối cùng làm ra những quân bài mạt chược chạm khắc thủ công tại Hồng Kông. Ông nói: “Tôi nghĩ, nghệ thuật chạm khắc mạt chược sẽ biến mất. Vấn đề chỉ là nó sẽ tồn tại thêm được bao lâu”.

Năm 2014, những quân bài mạt chược chạm khắc thủ công được công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Hồng Kông. Dù vậy, chủ sở hữu của tiệm Biu Kee Mahjong - người đã hành nghề từ năm 10 tuổi - cho biết, không ai trong 3 người con của ông chịu tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Bản thân ông cũng không dạy các con kỹ năng chạm khắc vì không nhìn thấy tương lai của nghề. Ông cho biết thêm, các cửa hàng thủ công truyền thống trong thành phố đang dần nhường chỗ cho sự hiện đại của công nghệ.

Khuyến khích người trẻ gìn giữ nét đẹp truyền thống

Trung tâm Di sản văn hóa phi vật thể Hồng Kông được thành lập năm 2016 là nơi trưng bày các loại hình thủ công truyền thống. Năm 2024, trung tâm đã tổ chức 1.400 hoạt động như biểu diễn, trình diễn, hội thảo cả trong và ngoài khuôn viên, thu hút hơn 130.000 du khách. Ngoài việc nâng cao nhận thức về các nghề thủ công di sản, trung tâm còn thúc đẩy quá trình truyền nghề cho giới trẻ.

Tại Yuet Tung China Works - một cửa hàng đồ sứ vẽ tay với gần 100 năm phát triển - bà Ruby Tso (66 tuổi) và chồng đang điều hành việc kinh doanh với sự giúp đỡ của con gái Martina. Martina chia sẻ: “Trước đây, tôi cảm thấy những thứ này đã lỗi thời. Sau khi tham dự một triển lãm do chính phủ tổ chức, tôi bắt đầu đánh giá cao nghề thủ công ở Hồng Kông và nghĩ việc kế thừa là trách nhiệm của mình”.

Cửa hàng gốm sứ và đồ thủ công mỹ nghệ Chan Ngee trên đường South Bridge, Singapore, được thành lập vào năm 1969 bởi ông Goh Yong Chiang. Nay ông Chiang đã 88 tuổi, vẫn điều hành doanh nghiệp cùng con trai Goh Seng Ngee. Cửa hàng là 1 trong hơn 80 đơn vị nộp đơn tham gia Chương trình doanh nghiệp di sản SG, do Ủy ban Di sản quốc gia Singapore (NHB) khởi xướng vào tháng 3/2025. Để tham gia, các doanh nghiệp phải hoạt động ít nhất 30 năm và tọa lạc tại khu vực trung tâm, cùng với các điều kiện khác.

Thông qua chương trình, họ sẽ được chính phủ hỗ trợ về thương hiệu, tiếp thị và dịch vụ tư vấn. Anh Goh Seng Ngee chia sẻ: “Các doanh nghiệp truyền thống như chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức như: chi phí vận hành cao, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế, tụt hậu về công nghệ. Chúng tôi cần cân bằng giữa việc bảo tồn di sản và phát triển theo thời đại để duy trì sự hiện diện”.

Phó giáo sư Dianna Chang (Khoa Kinh doanh, Đại học Khoa học xã hội Singapore) giải thích, nhiều người trẻ không muốn tham gia vào những ngành kinh doanh truyền thống vì sự bấp bênh và thiếu cơ hội thăng tiến. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ có thể hỗ trợ trang bị cho doanh nghiệp truyền thống năng lực tiếp thị và quản lý tốt hơn.

Bà nói: “Việc hỗ trợ các thương hiệu truyền thống không chỉ có ý nghĩa trong việc thúc đẩy doanh nghiệp địa phương mà còn là bảo tồn di sản văn hóa, mang đến cơ hội kết nối với lịch sử, bản sắc quốc gia, cũng như giữa các thế hệ với nhau”.

Linh La (theo The Guardian, The Straits Times, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI