Cẩn thận với “sự tiện lợi độc hại”

28/07/2025 - 06:43

PNO - Những chiến dịch truyền thông rầm rộ, những hình ảnh ấn tượng về tác hại của nhựa dường như vẫn chưa đủ để thay đổi thói quen tiêu dùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong một hội nghị, một vị bác sĩ có tiếng ở TP Hà Nội từng chia sẻ, những năm đầu khi đất nước thống nhất, phần thưởng học sinh giỏi cấp thành phố mà ông được lãnh là một chiếc túi nhựa trong suốt đựng vài quyển vở.

Khi đó, đây là món quà quý, hiếm và hiện đại đến mức ông không dám dùng. Nó cũng là dấu mốc đánh dấu sự len lỏi của nhựa vào đời sống, cho đến khi nó tràn ngập mọi ngóc ngách của đời sống hiện đại.

Từng được xem là một phát minh quan trọng của nhân loại, là biểu tượng tiến bộ, giờ đây, nhựa đang trở thành sản phẩm “tiện lợi độc hại”. Nhựa rẻ, dễ sản xuất, sẵn có và khiến con người lệ thuộc một cách vô thức vào nó. Một ly trà sữa, một gói rau, một hộp cơm thường đi kèm những món đồ nhựa dùng 1 lần như ly, muỗng, nắp, túi, ống hút… Những vật dụng này chỉ dùng trong vài phút nhưng phải mất hàng trăm năm để phân hủy hoặc vĩnh viễn không thể phân hủy.

Theo ước tính của ngành môi trường, Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong số đó được tái chế, phần lớn còn lại ngấm vào đất, trôi ra sông, biển, phân rã thành hạt vi nhựa và quay trở lại cơ thể con người, động thực vật. Vi nhựa hiện diện trong muối ăn, nước uống, không khí, trong nhau thai, phổi, máu và thậm chí cả trong não người. Nhựa không chỉ là rác mà còn xâm nhập thầm lặng vào cơ thể, sức khỏe và tương lai của con người.

Đáng nói, con người biết rất rõ những nguy cơ này nhưng vẫn không ngừng sử dụng đồ nhựa. Sự tiện lợi tạo ra cảm giác “không thể thay thế”. Người ta vẫn xách dăm, bảy bịch ni lông mỗi lần đi chợ. Người ta vẫn đựng đồ nóng trong hộp xốp dù biết chúng độc hại.

Những chiến dịch truyền thông rầm rộ, những hình ảnh ấn tượng về tác hại của nhựa dường như vẫn chưa đủ để thay đổi thói quen tiêu dùng. Cảm giác tiện lợi đã trở thành cái cớ để trì hoãn hành động. Chúng ta không còn nhớ cách mang theo túi vải, bình nước cá nhân, rửa ly tái sử dụng hay gói đồ bằng lá sen, lá chuối như các thế hệ trước từng làm.

Thêm vào đó, những sản phẩm thay thế nhựa như hộp làm bằng bã mía, túi phân hủy sinh học, ly giấy vẫn quá khó tiếp cận do chi phí cao hơn. Hệ thống phân phối thiếu, chính sách hỗ trợ chưa tạo ra được đột phá; các quy định về hạn chế, cấm đồ nhựa dùng 1 lần trước đây vẫn chỉ là “kêu gọi”, chưa thành quy định bắt buộc.

Bởi vậy, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ và một loạt kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa - như nghị quyết của HĐND TP Hà Nội - có thể được xem là “cú hích” để tạo ra sự thay đổi thói quen của người dân, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh bứt phá.

Để thực sự có một cuộc “cách mạng xanh”, cần hành động đồng bộ ở cả 3 phía: người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Người dân phải kiên quyết từ chối túi ni lông, biết dùng bình nước cá nhân, ưu tiên đồ tái sử dụng. Doanh nghiệp phải thay đổi quy trình, đổi mới bao bì, hạn chế dùng nhựa nếu không cần thiết. Chính quyền cần có biện pháp mạnh tay, gồm hỗ trợ chuyển đổi, xử phạt nghiêm minh các hành vi gây hại môi trường.

Chống rác thải nhựa không đồng nghĩa với việc phủ nhận mọi giá trị của chất liệu này. Nhựa vẫn cần thiết trong y tế, công nghiệp, xây dựng… Nhưng với đồ nhựa dùng 1 lần, phải tuyên chiến không khoan nhượng. Chúng ta cần dùng nhựa một cách có kiểm soát và có trách nhiệm.

Thu Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI