“Nổ” số lượt booking căn hộ để trục lợi

28/07/2025 - 07:11

PNO - Các sàn môi giới bất động sản quảng cáo số lượt booking (giữ chỗ) mua căn hộ trong các chung cư mới mở bán ở TPHCM cao gấp rưỡi, gấp đôi số căn hộ thực tế. Kèm với đó là hình ảnh chuyển khoản, xếp hàng chọn căn nhằm tạo “cơn sốt” ảo, kích thích nhà đầu tư.

Có1 căn, công bố bán được 2 căn

Chung cư The Prive (phường Bình Trưng) có tổng cộng 3.175 sản phẩm gồm căn hộ thương mại, penthouse (căn hộ riêng lẻ ở tòa cao nhất chung cư) và duplex (căn hộ đôi) nhưng từ khi mở bán (tháng 5/2025) đến nay, các sàn môi giới tung tin rằng đã có 4.019 lượt booking. Chung cư La Pura (phường Thuận Giao) có tổng cộng 5.920 căn hộ nhưng trước khi mở bán chính thức, các sàn môi giới đã công bố có 6.202 lượt booking.

Các sàn và nhân viên môi giới bất động sản liên tục khoe thông tin, hình ảnh booking phi thực tế trên các nền tảng mạng xã hội
Các sàn và nhân viên môi giới bất động sản liên tục khoe thông tin, hình ảnh booking phi thực tế trên các nền tảng mạng xã hội

Ngay trong ngày đầu mở bán, chung cư Happy One Sora (phường Linh Xuân) cũng được truyền thông rầm rộ rằng “96,8% sản phẩm đã có chủ”. Chỉ sau vài ngày mở bán hồi cuối tháng 6/2025, chung cư Blanca City (phường Vũng Tàu) cũng được các sàn môi giới thông báo đã có 1.769 căn hộ được chốt cọc thành công.

Một số dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý để rao bán nhà hình thành trong tương lai vẫn được công bố là “gần như cháy hàng”. Thậm chí, để tạo hiệu ứng đám đông và kích cầu người mua, nhiều sàn môi giới còn tung hình ảnh chuyển khoản đặt cọc nhằm tạo cảm giác được đông người quan tâm, giành mua.

Chiêu trò tạo sốt ảo

Chuyên gia tài chính bất động sản Lê Quốc Kiên nhận định, những con số booking trong các đợt mở bán căn hộ phần lớn là ảo, không phản ánh đúng tình hình giao dịch thật. Booking thực ra không có nhiều ý nghĩa bởi bên mua và bên bán không có cam kết nào; nếu người đặt giữ chỗ đổi ý thì vẫn được hoàn tiền.

Theo ông, hiệu ứng “cháy hàng” là do có những người được nhà môi giới bất động sản mời tới dự sự kiện, đăng ký giữ chỗ bừa để tạo không khí sôi động, nhận quà hoặc để giúp nhà môi giới đạt chỉ tiêu. Cũng có khi chính các sàn môi giới tự booking với số lượng lớn. Đây cũng có thể là “kịch bản truyền thông” do chủ đầu tư dự án bất động sản dàn dựng và phối hợp với các sàn đồng diễn. “Việc công bố số lượt booking bao nhiêu là do chủ đầu tư quyết định nên họ muốn nâng lên bao nhiêu tùy thích” - ông Lê Quốc Kiên nói.

Ông khẳng định, việc công bố lượt booking “trên trời” là nhằm tạo ra một “cơn sốt” giả, tạo hiệu ứng đám đông để kích thích nhà đầu tư (người mua). Khi đó, người muốn mua nhà trong dự án bất động sản phải mua lại qua sàn môi giới với giá chênh 100-200 triệu đồng/căn dù căn hộ chỉ mới được chào bán. Điều đáng nói là chiêu thức này đang phổ biến trong hầu hết các đợt mở bán căn hộ của dự án bất động sản mới, khiến người có nhu cầu mua nhà thực dễ dàng rơi vào bẫy giá. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản ngày càng thiếu minh bạch, người mua “thiệt đơn, thiệt kép”.

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng, “nổ” số lượt booking là một chiêu thức truyền thông quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản nhằm tạo hiệu ứng “cháy hàng”, đánh vào tâm lý Fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) của người mua, nhất là khi thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở. Chủ các dự án bất động sản thường chia nhiều đợt mở bán, mỗi đợt chỉ tung ra vài chục đến vài trăm căn. Sau mỗi đợt, chủ đầu tư và sàn môi giới tung tin cháy hàng để kích thích thị trường và tăng giá bán cho đợt sau. Chiêu trò này tuy cũ nhưng người mua vẫn dễ bị thao túng tâm lý, dính bẫy.

Theo ông Lê Bá Chí Nhân, cơ quan chức năng cần có quy định về việc công bố sản phẩm của các chủ đầu tư, trong đó có chế tài xử phạt nếu công bố không đúng sự thật. Các trang web của Sở Xây dựng cũng nên cập nhật thông tin cụ thể về những dự án bất động sản được cấp phép, số căn hộ đủ điều kiện rao bán để người dân nắm thông tin, tránh mua nhầm căn hộ trong các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý. “Cần kiểm soát và làm minh bạch thông tin bởi các chiêu thức tạo sốt ảo này làm méo mó thị trường, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng” - ông nói.

Chớ nên tin vào phối cảnh hay lời hứa miệng

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công Thương vừa đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng về việc cẩn trọng khi mua nhà trong bối cảnh xuất hiện nhiều kênh quảng cáo không trung thực về các dự án bất động sản.

Cụ thể, cách thức quảng cáo ngày càng tinh vi, thao túng cảm xúc, tâm lý người tiêu dùng, như “sở hữu ngay - hưởng thụ liền” hoặc “đầu tư sinh lời siêu tốc”, “Sống chuẩn resort ngay giữa lòng thành phố - chỉ từ 999 triệu đồng, thanh toán linh hoạt”, “Đặt cọc hôm nay, nhận ngay suất lợi nhuận 20% sau 6 tháng”, “Căn hộ view hồ bơi vô cực, đẳng cấp 5 sao, cam kết bàn giao đúng tiến độ”, “Đầu tư ngay, chỉ cần 0 đồng vốn tự có - ngân hàng hỗ trợ vay đến 90% giá trị căn hộ”…

Tuy nhiên, nhiều mẩu quảng cáo chứa thông tin sai lệch, phóng đại tiện ích, cam kết lợi nhuận phi thực tế. Khi phát hiện sự khác biệt giữa quảng cáo và hợp đồng thì một số người đã mất hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc mà không thể đòi lại. Một trong những hình thức quảng cáo sai lệch phổ biến là đưa ra các tiện ích không có thực trong dự án như hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao hoặc công viên.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyên, trước khi tham gia các giao dịch bất động sản, người tiêu dùng không tuyệt đối tin vào hình ảnh phối cảnh hoặc lời hứa miệng; nên lựa chọn kênh giao dịch uy tín như giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư hoặc các đại lý được ủy quyền chính thức, có hợp đồng phân phối rõ ràng và đầy đủ thông tin pháp lý; yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng về các tiện ích, dịch vụ của dự án, đảm bảo những thông tin này được ghi đầy đủ trong hợp đồng mua bán; yêu cầu cung cấp và đọc kỹ hợp đồng mua bán trước khi đặt cọc hoặc ký kết hợp đồng mua bán.

Không được bán một tài sản cho nhiều người

Số khách hàng đặt cọc giữ chỗ trong các dự án bất động sản không phải là số giao dịch thành công bởi chỉ cần vài chục triệu đồng là giữ chỗ được, sau đó người mua có thể rút lại tiền nếu không chọn được căn hộ ưng ý. Do đó, số lượt booking được công bố không phản ánh đúng sức mua thật của thị trường.

Về nguyên tắc pháp lý, không thể bán một tài sản cho nhiều người. Nếu cố tình nhận tiền và giao dịch cùng lúc với nhiều khách hàng trên cùng một tài sản, chủ đầu tư hoặc sàn môi giới có thể bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, để lách luật, nhiều chủ đầu tư gọi tên các giao dịch này là “giữ chỗ”, “thỏa thuận thiện chí” - những kiểu cam kết dân sự. Pháp luật không cấm những thỏa thuận dạng này, miễn là chưa phát sinh hợp đồng mua bán chính thức khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán theo Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, không loại trừ việc chủ đầu tư lợi dụng hình thức giữ chỗ để huy động vốn trái phép từ khách hàng khi chưa được phép mở bán căn hộ trong dự án.

Ngoài ra, có một số chủ đầu tư dự án bất động sản lật kèo với người mua, không tiếp tục thực hiện các cam kết trong hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ do giá nhà đất tăng cao so với thời điểm ký hợp đồng. Pháp luật chỉ cho phép nhận tiền đặt cọc khi dự án đã đủ điều kiện mở bán. Do đó, khách hàng nên cẩn trọng với việc đặt cọc, giữ chỗ quá sớm dưới hình thức “thỏa thuận thiện chí” bởi khi xảy ra tranh chấp, các hợp đồng này rất dễ bị tòa án tuyên vô hiệu và người mua gần như không có cơ sở pháp lý để đòi lại quyền lợi. Tốt nhất là trước khi quyết định đặt cọc, người dân nên kiểm tra tính pháp lý của dự án bất động sản, hợp đồng mua bán, điều kiện hủy cọc, khả năng tài chính của bản thân. Hãy mua bằng lý trí, không phải bằng cảm xúc.

Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc Công ty luật TMC Lawyers

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI