Hàn Quốc rà soát tình trạng ngược đãi lao động nhập cư

25/07/2025 - 14:11

PNO - Tổng thống Hàn Quốc đã ra lệnh tìm cách ngăn chặn tình trạng ngược đãi người lao động nhập cư sau khi đoạn video quay cảnh một công nhân Sri Lanka bị trói vào xe nâng hàng tại một nhà máy ở Hàn Quốc gây phẫn nộ trong công chúng.

Một công nhân Sri Lanka bị trói vào xe nâng tại nhà máy gạch ở Naju, Hàn Quốc - Ảnh: Mạng lưới Nhân quyền của Người lao động Nhập cư Gwangju Jeonnam
Một công nhân Sri Lanka bị trói vào xe nâng tại nhà máy gạch ở Naju, Hàn Quốc - Ảnh: Mạng lưới Nhân quyền của Người lao động Nhập cư Gwangju Jeonnam

Vụ việc bị lên án

Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung viết trên Facebook vào ngày 24/7: "Sau khi xem video, tôi không thể tin vào mắt mình. Đó là một hành vi vi phạm an toàn không thể chấp nhận được và là hành vi vi phạm nhân quyền rõ ràng đối với một nhóm người thiểu số".

Trong một cuộc họp Hội đồng Nội các sau đó, ông Lee một lần nữa lên án hành vi ngược đãi và nêu lên những lo ngại về hình ảnh quốc tế của Hàn Quốc.

Ông đã ra lệnh cho các bộ ngành xác định tình trạng vi phạm nhân quyền mà người lao động nhập cư và các nhóm thiểu số khác ở Hàn Quốc đang phải đối mặt và tìm ra các bước thực tế để ngăn chặn những hành vi ngược đãi như vậy.

Trong ngày 23/7, các nhà hoạt động nhân quyền Hàn Quốc đã đăng tải đoạn video được quay tại một nhà máy gạch ở thành phố Naju, phía tây nam Hàn Quốc. Họ cho biết, một công nhân Sri Lanka đã quay đoạn video vào cuối tháng 2/2025.

Đoạn video cho thấy một tài xế xe nâng, được xác định là người Hàn Quốc, đang nâng một công nhân khác bị trói bằng màng bọc thực phẩm vào chồng gạch. Tài xế đưa anh ta đi quanh sân nhà máy trong khi tiếng cười của một người khác vang lên.

Theo Mun Gil Ju - một trong những nhà hoạt động địa phương tham gia vào việc công bố đoạn video, nạn nhân 31 tuổi đến Hàn Quốc từ tháng 11/2024. Anh này đã bị tài xế xe nâng người Hàn Quốc hành hạ trong khoảng 5 phút như một hình phạt vì họ không hài lòng với kỹ năng bọc gạch của anh ấy.

Các quan chức thành phố Naju cho biết người đứng đầu nhà máy nói ông ta đã được thông báo rằng sự kiện chỉ như một trò đùa. Tuy nhiên, ông Mun nhận định hành vi "trói người bằng màng bọc thực phẩm" không thể được coi là một trò đùa.

Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết sẽ mở cuộc điều tra về nhà máy và kiểm tra xem liệu công nhân nước ngoài tại đó có bị đánh đập, bắt nạt và nợ lương hay không.

Tổng thống Hàn quốc Lee Jae Myung phát biểu tại cuộc họp các thư ký và trợ lý cấp tại Phủ Tổng thống ở quận Yongsan, trung tâm Seoul, vào ngày 24/7 - Ảnh: JOONGANG ILBO
Tổng thống Hàn quốc Lee Jae Myung phát biểu tại cuộc họp các thư ký và trợ lý tại Phủ Tổng thống ở quận Yongsan, trung tâm Seoul, vào ngày 24/7 - Ảnh: JOONGANG ILBO

Lao động nhập cư gặp nhiều khó khăn

Ngày càng có nhiều công nhân nước ngoài tại Hàn Quốc đang góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của đất nước, chủ yếu do dân số già hóa và tỉ lệ sinh giảm.

Lao động nước ngoài đảm nhận những công việc chân tay lương thấp trong các ngành tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản. Những ngành này thường bị người dân địa phương xa lánh.

Nhưng khi số lượng lao động nước ngoài tăng lên - với hạn ngạch giấy phép lao động mới hàng năm cho những người lao động tăng hơn gấp đôi từ 60.000 vào năm 2022 lên 165.000 vào năm 2024 - thì ngày càng có nhiều trường hợp lạm dụng lao động nhập cư bị đưa ra ánh sáng.

Khi Mary Kris Omangay, một công dân Philippines, đến Hàn Quốc vào tháng 5/2024 để làm việc đồng áng theo mùa vụ trong 3 tháng, cô hy vọng kiếm được tiền để nuôi em gái út đang theo học trường điều dưỡng.

Người môi giới đã thỏa thuận rằng cô chỉ cần chuyển một nửa số tiền lương hàng tháng là 1,28 triệu won cho người môi giới dưới dạng hoa hồng, trong thời gian 3 tháng, và cô Omangay đã tuân thủ.

Nhưng khi hợp đồng của người phụ nữ 35 tuổi được gia hạn thêm 3 tháng, người môi giới vẫn tiếp tục yêu cầu trả hoa hồng, điều mà Omangay cảm thấy quá đáng và từ chối tuân thủ.

"Ông ta đe dọa sẽ trục xuất tôi về Philippines nếu tôi không trả" - Omangay nói tại một cuộc họp báo vào tháng 11/2024.

Cô đã nghỉ việc từ tháng Chín và nộp đơn khiếu nại lên cơ quan lao động chống lại người môi giới với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ 1218 For All, tổ chức giúp đỡ người lao động nhập cư gặp khó khăn.

Đại diện Ko Gi-bo của 1218 For All cho biết: "Truyền thông địa phương rất quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của người lao động nhập cư kể từ khi chúng tôi bắt đầu hoạt động vào năm 2022, nhưng mọi thứ hầu như vẫn không có gì thay đổi".

Linh La (theo Independent, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI