 |
Góc đường trên phố Khâm Thiên, phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP Hà Nội có rất nhiều túi ni lông do là nơi tập kết rác từ chợ Khâm Thiên - Ảnh: Bảo Khang |
Rác thải nhựa bức tử môi trường
16g30, khu chợ tạm ở khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM đông nghẹt công nhân mua hàng sau giờ tan làm. Ghé chợ 10 phút, công nhân Bùi Thị Ánh rời đi với 5 túi ni lông đủ màu, mỗi túi chứa mỗi loại gồm cá, thịt, rau, trái cây. “Khu chợ tạm này bán theo giờ công nhân tan ca, người bán lẫn người mua đều vội nên dùng túi ni lông là tiện lợi nhất” - chị Ánh phân bua.
20g, khi vãn chợ, các công nhân vệ sinh hì hục quét rác. Bên cạnh rau, củ, quả dập úng, nguồn rác chính ở đây là bao ni lông, đồ nhựa. Xung quanh khu chợ này, cũng có nhiều bãi rác tự phát chất đầy túi ni lông và đồ nhựa.
Thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng 1 lần còn là nguyên nhân gây ô nhiễm kênh rạch. Ở TPHCM, rác nhựa nổi lềnh bềnh trên các con kênh xa trung tâm như Hy Vọng, Nước Đen, 19/5, kênh Đôi hay thậm chí trên những dòng kênh từng được đổ rất nhiều tiền để cải tạo như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm…
Ở TP Hà Nội, những góc phố sầm uất ở khu trung tâm hay bên những con đường ngoại ô, trên sông lớn, kênh nhỏ, đều ngổn ngang những đống túi ni lông.
Trước thực trạng trên, ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu thí điểm việc cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như ly, ống hút, hộp, khay, bao bì tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng đồ uống ở nội đô TP Hà Nội, bắt đầu từ quý IV/2025.
 |
Người phụ nữ rời chợ đầu mối Bình Điền, TPHCM với nhiều túi ni lông đựng rau củ - Ảnh: Phùng Huy |
Kỳ vọng những thay đổi mạnh mẽ
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa, thuộc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) - đánh giá, nghị quyết của HĐND TP Hà Nội có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường, thể hiện tầm nhìn chiến lược để xây dựng thành phố xanh, hiện đại, bền vững. Những chính sách này sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm rác nhựa thải ra môi trường đô thị.
Theo bà, các yêu cầu của nghị quyết có thể tạo ra làn sóng tích cực, đổi mới về đầu tư vào ngành tái chế trong nước, tạo bước đi vững chắc để hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TPHCM - cũng cho rằng, nghị quyết trên có tính khả thi cao. Điều cần làm là bắt tay thực thi nghị quyết. HĐND các thành phố lớn như TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng cũng có thể ban hành các chính sách, lộ trình phù hợp để tiến tới “nói không” với đồ nhựa dùng 1 lần.
Bày tỏ sự ủng hộ với chỉ thị của Chính phủ cũng như nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về giảm rác thải nhựa, nhưng phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo - cho rằng, thực thi việc này không dễ, do ý thức của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của thương mại điện tử cũng khiến nhu cầu sử dùng sản phẩm nhựa dùng 1 lần tăng cao.
Theo ông, Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quản lý, từng cán bộ trong việc thực thi chỉ thị về bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống giám sát và báo cáo định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần, để làm rõ những điểm đã đạt được, những yếu kém và giải pháp khắc phục.
Ông cũng đề nghị, cần tăng cường tính minh bạch và dân chủ trong thực thi nhiệm vụ, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện và xử lý các vi phạm về môi trường. Cần đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết bảo vệ môi trường thông qua việc giảm, tiến tới dừng hẳn việc dùng đồ nhựa xài 1 lần.
 |
Túi ni lông, đồ nhựa dùng 1 lần vứt ngổn ngang ven đường Nguyễn Văn Linh, phường Bình Đông, TPHCM - Ảnh: Phùng Huy |
Ngày 10/7, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 22/2025 quy định về việc giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo nghị quyết này, lần lượt kể từ ngày 1/1/2026 và 1/1/2028, khách sạn, khu du lịch, chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm trên.
Phụ nữ TPHCM chung tay giảm rác thải nhựa Hội LHPN các cấp của TPHCM đã và đang triển khai nhiều phong trào, mô hình nhằm giảm thiểu và tiến tới “nói không” với rác thải nhựa, nổi bật là mô hình “Bếp yêu thương” của Hội LHPN phường Bình Đông (phường 6, quận 8 cũ). Ra mắt từ tháng 4/2025, đến nay, “Bếp yêu thương” đều đặn trao tặng 200 suất ăn cho người lao động nghèo vào mỗi thứ Bảy hằng tuần. Điều đặc biệt là bếp tuyệt đối không dùng túi ni lông hay hộp nhựa xài 1 lần. Thay vào đó, các suất ăn được phục vụ tại chỗ, đựng trong những dụng cụ có thể dùng lại. Những người không ăn tại chỗ được yêu cầu mang theo cà mèn hoặc tô để đựng thức ăn mang về. Việc không dùng đồ nhựa khiến đội ngũ phục vụ bếp vất vả hơn, phải cử thêm người lo rửa tô, chén. Tuy nhiên, chị Nguyễn Kim Hằng - người thành lập “Bếp yêu thương” - khẳng định, việc làm nhỏ bé của mình góp phần thay đổi nhận thức của người dân, của cán bộ, hội viên. “Ban đầu, việc phải cầm cà mèn đi lấy thức ăn khiến một số người cảm thấy phiền phức, khó chịu, nhưng sau gần 4 tháng hoạt động, họ cũng quen dần. Tôi tin rằng, hành động nhỏ sẽ tạo sức lan tỏa lớn, trực tiếp làm giảm lượng rác thải nhựa mỗi ngày, đồng thời nâng cao nhận thức về lối sống xanh ngay từ bữa ăn của cộng đồng” - chị Kim Hằng bộc bạch. Ngoài “Bếp yêu thương”, từ nhiều năm qua, Hội LHPN các cấp đã phát động các phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Phụ nữ nói không với túi ni lông”, “Hội nghị không sản phẩm nhựa”, mô hình “Phụ nữ vì môi trường xanh”. Hằng năm, các cấp hội đều tổ chức ngày hội “Phụ nữ vì môi trường” với các hoạt động như thi tái chế vật liệu, trưng bày sản phẩm xanh, hướng dẫn làm túi giấy, đổi rác thải nhựa lấy quà, khuyến khích sử dụng giỏ đi chợ truyền thống thay vì túi ni lông. |
Đánh thuế cao hơn đối với sản phẩm nhựa Sản phẩm xanh không thiếu nhưng khó tiếp cận thị trường do chưa đủ tiện lợi, do giá còn cao. Việc đánh thuế sản phẩm nhựa chưa hiệu quả do cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm soát số lượng, nhất là từ các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề. Cần đẩy mạnh số hóa việc quản lý để thu thuế hiệu quả hơn, đồng thời dùng công cụ thuế để điều tiết sản xuất. Khi thuế đánh vào sản phẩm nhựa cao hơn, giá bán sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi mua. Ngược lại, việc đánh mức thuế thấp hoặc miễn thuế sẽ giúp sản phẩm thân thiện với môi trường giàu sức cạnh tranh hơn. Một số sản phẩm gắn mác “xanh” hiện nay chưa hẳn thân thiện với môi trường. Ví dụ, một số loại túi ni lông được gọi là “tự phân hủy” nhưng lại được làm từ polymer và chỉ phân rã thành vi nhựa. Thậm chí, chính sản phẩm xanh cũng tạo ra khí thải trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, nên vẫn cần kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ như thuế, quy chuẩn. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng các biện pháp hành chính như kiểm tra, xử phạt vi phạm để đảm bảo chính sách đi vào thực tiễn. Phó giáo sư, tiến sĩ VŨ THANH CA |
Cơ hội vàng cho doanh nghiệp sản xuất xanh Để thay đổi thói quen tiêu dùng, nói không với nhựa 1 lần độc hại, cần có nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường với giá cả phải chăng. Nhưng trên thực tế, các sản phẩm xanh này vẫn khó tiếp cận thị trường. Ông Nguyễn Hồng Vũ - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hunufa, chuyên cung cấp hộp làm từ bã mía ép, ly làm từ bột bắp - đúc kết, có 3 rào cản lớn khiến sản phẩm xanh khó cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Trước hết là giá thành cao dẫn đến giá bán cao: chi phí sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thường cao hơn nhiều do yêu cầu khắt khe về công nghệ và nguyên liệu. Kế đến, chất lượng và tính năng sản phẩm chưa được tối ưu hóa: nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, chẳng hạn khả năng chịu nhiệt kém, dễ biến dạng khi gặp nước. Thêm nữa, sản phẩm thân thiện với môi trường khó bảo quản do được làm từ nguyên liệu dễ phân hủy sinh học, dẫn đến khó lưu trữ, phân phối, vận chuyển… Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cũng gặp thách thức do chi phí đầu tư ban đầu rất cao, bao gồm chi phí nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng nhà máy, vận hành sản xuất, trong khi thời gian thu hồi vốn lại kéo dài. Bên cạnh đó, họ còn gặp khó khăn về chuỗi cung ứng nguyên liệu và phải cạnh tranh với những sản phẩm nhựa, xốp đã có mặt lâu năm trên thị trường với giá rẻ hơn và mạng lưới phân phối mạnh hơn. Nhận thức của người dân về sản phẩm xanh vẫn còn hạn chế, trong khi chính sách hỗ trợ từ cơ quan nhà nước chưa đủ mạnh. Ông Nguyễn Hồng Vũ nhận định, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội vàng để phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Để tận dụng được cơ hội này, cần có thêm những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, như ưu đãi về thuế, phí, về cho vay vốn với lãi suất thấp và thời gian ân hạn dài. Về mặt công nghệ và tiêu chuẩn, cần hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm xanh, đồng thời có bộ tiêu chuẩn thống nhất cho sản phẩm thân thiện với môi trường, có chính sách hỗ trợ chi phí và đơn giản hóa quy trình chứng nhận. Về thị trường và truyền thông, doanh nghiệp mong có cơ chế buộc các cơ quan nhà nước, trường học ưu tiên mua và sử dụng sản phẩm xanh; có nhiều hội chợ, diễn đàn kết nối cung cầu sản phẩm xanh. Cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp họ hiểu và chủ động lựa chọn sản phẩm xanh. Khi có thị trường, doanh nghiệp mới có động lực cải tiến và phát triển sản phẩm. Minh Quang |
Như Diệp - Thu Lê