 |
Ông Nguyễn Văn Sáu (bìa trái) và ông Nguyễn Văn Xê được người dân trong thôn tin tưởng giao chăm lo hương khói đền thờ liệt sĩ ấp Tư - Mỹ Thủy |
Quá khứ hào hùng
Men theo đường Tôn Thất Sơn, phường Thanh Thủy, chúng tôi đến nhà tưởng niệm 27 liệt sĩ quân giải phóng nằm khuất sâu nơi phía cuối con đường. Cùng lúc, chính quyền địa phương cũng đang thực hiện nghi thức dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ông Nguyễn Văn Sáu - 78 tuổi, Trưởng ban quản lý đền thờ liệt sĩ ấp Tư - đưa chúng tôi vào thắp hương cho 27 liệt sĩ và giới thiệu di ảnh của các anh đang được cất giữ trang nghiêm trong gian thờ.
Ông Sáu kể, vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ấp Tư nằm trên tuyến hành lang Đông Tây, án ngữ trục giao thông giữa căn cứ kháng chiến ở vùng trung du và đồng bằng Hương Thủy. Đây là chỗ dựa vững chắc cho nhiều cơ sở nuôi giấu cán bộ, cung cấp thông tin và nhu yếu phẩm cho cách mạng.
Mỹ Thủy chỉ cách căn cứ quân sự Phú Bài khoảng 5km về phía tây bắc và cách chiến khu Dương Hòa 10km, do đó địch thường xuyên tổ chức càn quét hòng ngăn chặn đường tiếp tế cho bộ đội chủ lực.
Tại ấp Tư, vào ngày 7/1/1965 đã diễn ra trận quyết chiến của đại đội 3, tiểu đoàn 802, Quân khu Trị Thiên, đánh tan 1 đại đội địch, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Trong trận đánh này, 27 chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh anh dũng, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ, phát triển phong trào cách mạng tại địa phương.
Với người dân ấp Tư, vào thời điểm đó, họ không biết những liệt sĩ vừa nằm xuống thuộc đơn vị nào, quê quán ở đâu, chỉ biết họ là quân giải phóng và phần lớn là con em từ miền Bắc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà tình nguyện vào Nam chiến đấu và hy sinh.
Thấy các chiến sĩ phơi thân trên chiến địa, chị em tiểu thương chợ Hôm, cùng các mẹ, các chị không cầm được nước mắt. Họ đã vận động tiền mua chiếu, hương, hoa… cùng mọi người chăm lo hậu sự cho các anh. Sau khi an táng, người dân ấp Tư đã dùng gạch, đá khắc ghi lại ngày hy sinh và đặc điểm nhân dạng của từng người để chôn theo với hy vọng sau này khi hòa bình lập lại, thân nhân của các liệt sĩ có thể căn cứ vào đó mà tìm kiếm, cất bốc.
Không vô tâm với những người đã khuất, các cụ ở ấp Tư như Võ Ca, Võ Luyến, Võ Cáo, Võ Giai, Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Viết Chắc, Nguyễn Viết Ban, Nguyễn Văn Lòn - những người từng nuôi giấu cán bộ - đã bàn bạc, thống nhất lập miếu thờ và cúng các anh vào mùng Bốn tháng Chạp âm lịch hằng năm. Các cụ đã chọn một lùm cây nằm ở phía đông bìa làng, cách trận địa chừng 300m rồi bí mật dựng miếu thờ và phân công nhau hương khói.
Mùng Bốn tháng Chạp năm Bính Ngọ 1966 - ngày giỗ đầu của các anh - do phải tập trung đối phó với phong trào đấu tranh đô thị nên địch có nới lỏng việc lùng sục ở nông thôn, nhờ vậy việc cúng kỵ đã diễn ra suôn sẻ.
Những năm tiếp theo, trước sự kiểm soát gắt gao của địch, các cụ đã bàn và thống nhất: đến tháng Chạp, hễ nhà nào có giỗ người thân thì sắm thêm một mâm mang ra miếu cúng các anh hùng liệt sĩ. Trên đường đi, nếu địch phát hiện, tra hỏi thì cứ trả lời là mang lễ vật cúng người thân. Nếu chúng truy hỏi ở đâu thì cứ bảo là ở ngoài rừng.
 |
Người dân địa phương đến thăm, dâng hương tại bia tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ ấp Tư - Mỹ Thủy |
Đền thờ từ lòng dân
Ngót nghét đã gần 60 năm qua, người dân ấp Tư (nay là tổ dân phố 9, phường Thanh Thủy) đã tự nguyện thay nhau trông coi, hương khói đền thờ liệt sĩ với lòng tri ân những người đã không tiếc máu xương cho đất nước.
Ông Nguyễn Văn Sáu kể, thời gian đầu, ban quản lý đền thờ đã vận động tiền mua heo giống, nhờ bà con trong ấp nuôi hộ, đến gần ngày giỗ thì đem bán lấy kinh phí tổ chức. Việc tổ chức cúng giỗ, ban đầu chủ yếu do người dân ấp Tư thực hiện, sau đó lan rộng ra các địa bàn lân cận, bởi ai cũng mong muốn được bày tỏ lòng biết ơn.
Đến năm 1975, chiến tranh kết thúc, nước nhà thống nhất, người dân ấp Tư lại đóng góp vật liệu, công sức tôn tạo miếu thờ cho trang nghiêm hơn. Miếu có mái che, gắn bia chiến tích và ban quản lý gồm 3 người (trưởng ban, ủy viên và thủ quỹ) theo nhiệm kỳ 3 năm.
“Những năm sau đó, thấy miếu nhỏ quá nên tôi và các anh em Hội Trường Sơn trong xã lên tiếng muốn xây đền thờ cho các liệt sĩ. Không ngờ ý kiến ấy được bà con trong thôn ủng hộ. Thế là người ủng hộ vài bao xi măng, người cho xe cát, tấm tôn, ai không ủng hộ vật chất thì ủng hộ vài ngày công… Và đền tưởng niệm các liệt sĩ phải mất nhiều năm mới hoàn thiện như hôm nay” - ông Nguyễn Văn Sáu trải lòng.
“Từ nhiều năm nay, đã thành thông lệ, cứ đến ngày giỗ - mùng Bốn tháng Chạp - là bà con trong xóm ấp lại tự nguyện đóng góp vật phẩm để tổ chức lễ cúng. Chị em quanh xóm mỗi người một tay, xúm vào chế biến, bày biện mâm lễ. Khách mời, người dân và thân nhân liệt sĩ về dự rất đông, có năm lên đến 300-400 người” - bà Trương Thị Thu Thủy - Tổ trưởng tổ dân phố 9 - cho hay.
Theo bà Thu Thủy, thân nhân liệt sĩ từ xa về dự lễ hoặc thăm mộ, đều được bà con tại tổ dân phố 9 đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo, thực hiện tốt đạo lý đền ơn đáp nghĩa.
“Hằng năm, chúng tôi tranh thủ về đây thắp nén tâm hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, không tiếc xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây cũng là dịp để giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về những giá trị lịch sử, khắc sâu đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta” - ông Nguyễn Gia Chương - cựu chiến binh ở Nghệ An - xúc động nói.
Ngày 9/1/2019, đền thờ 27 liệt sĩ ấp Tư - Mỹ Thủy được công nhận là di tích lịch sử cách mạng lưu niệm sự kiện cấp tỉnh. Từ đó đến nay, lễ giỗ được tổ chức trang trọng, chu đáo hơn. Nơi đây cũng trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn TP Huế.
Ông Nguyễn Văn Sáu và ông Nguyễn Văn Xê là những thành viên ban quản lý đền thờ đã quá 3 nhiệm kỳ. Ông Xê nói: “Nếu được bà con tín nhiệm, còn sức khỏe thì chúng tôi sẽ tiếp tục chăm lo hương khói cho các anh, các bác”.
Bà Ngô Thị Ái Hương - Phó bí thư Đảng ủy phường Thanh Thủy, TP Huế - cho biết, đền thờ 27 liệt sĩ ấp Tư - Mỹ Thủy là công trình đền ơn đáp nghĩa đậm tính nhân văn, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Dù các anh không phải người ở đây, nhưng đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trên mảnh đất này để bảo vệ quê hương, đất nước này, thì chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo địa chỉ “đỏ” này bằng tất cả tấm lòng” - bà Ái Hương bày tỏ. |
Thuận Hóa