Cụ ông để lại di chúc cho người nghèo thuê trọ miễn phí

13/10/2020 - 08:56

PNO - Nếu việc tốt trong khả năng có thể thực hiện, ông Hồ Đề chẳng ngần ngại hỗ trợ mọi người. Đương lúc còn khỏe mạnh, ông Hồ Đề đã lo xa, làm di chúc cho người già neo đơn, học sinh - sinh viên khó khăn thuê trọ miễn phí.

“Cứu kẹt”, khuyến học… việc tốt nào cũng làm

Hơn 45 năm qua, căn nhà cấp 4 của ông Hồ Đề (sinh năm 1944, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM) đã trở thành tổ ấm của nhiều người nghèo và học sinh - sinh viên khó khăn. Ông Đề phân chia ngôi nhà 300m² của gia đình thành hơn 20 phòng nhỏ cho người nghèo, học sinh - sinh viên khó khăn thuê trọ miễn phí hoặc với mức giá rẻ bất ngờ và không phải đóng tiền điện, nước.

 

Ông Hồ Đề nhiều lần được biểu dương gương Người tốt - Việc tốt

Ông Đề bắt đầu những việc tốt mà theo như ông nói “nó nhỏ xíu” từ sau ngày giải phóng miền Nam. Căn nhà cấp 4 của ông lần lượt đón hàng chục bà con nghèo xứ Huế và các tỉnh miền Trung vào tạm trú, chờ đi các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ lập nghiệp. Trong số đó, ông Đề nhớ có khoảng 5-7 người học chữ, học nghề cần lưu lại nhiều năm. Nhiều người đến và đi. Số khách đến nhà ông Đề tá túc có lúc lên đến 40 người. Đặc biệt, tất cả đều được ông cho ở trọ miễn phí.

Năm 1985, nhà của bà Nguyễn Thị Thanh, một hộ nghèo thuộc diện chính sách sống phía trước nhà của ông Đề bị sập. Thấy cảnh vợ chồng bà Thanh và 3 con nhỏ đứng khóc bên đường, ông đưa 5 người vào nhà và cho ở miễn phí suốt 30 năm. Đồng thời, ông còn giúp 3 con của bà Thanh được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. 5 năm sau, nghe tin vợ chồng ông Nguyễn Thuận và 5 con bán vé số, ngủ ở gầm cầu thang chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM), ông Hồ Đề đến rước về và cho ở nhà ông miễn phí 22 năm. Ông còn giúp 3 con của ông Thuận thoát cảnh bán vé số, được đến trường.

Ngoài hỗ trợ người nghèo, ông Đề còn mở rộng cửa nhà trọ tiếp đón sinh viên từ nhiều miền đất nước đến tạm trú. Cứ đến mùa thi đại học, bà con ở hẻm nhỏ trên đường Trần Kế Xương lại thấy ông lão râu tóc bạc phơ, thoăn thoắt hướng dẫn, giúp đỡ các thí sinh, tân sinh viên. Ông hăng hái tham gia các công tác khuyến học như tiếp sức mùa thi, nâng bước các sinh viên đến trường đại học, tạo điều kiện cho 25 sinh viên học thêm kỹ năng mềm như vi tính, Anh văn… Nhà của ông Đề chẳng mấy chốc thành “nhà khuyến học ẩn mình trong hẻm nhỏ”.

 

Ông Hồ Đề thường giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng vi tính, Anh văn

Nhờ nguồn tiền từ cho thuê phòng trọ giá rẻ khoảng 200 triệu đồng/năm, ông Đề đã tài trợ cho nhiều sinh viên, học sinh nghèo và treo giải thưởng cũng khá cao cho những học sinh - sinh viên giỏi xuất sắc. Các sinh viên được ông tài trợ có thành tích học tập cao, đạt thủ khoa các kỳ thi. Trong 45 năm gắn bó với sự nghiệp khuyến học, ông Đề nhận được nhiều khen thưởng từ cấp phường, quận, thành phố cho đến Trung ương.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, nhà khuyến học của ông Đề tiếp tục miễn giảm tiền thuê trọ cho người nghèo và sinh viên sớm nhất ở TPHCM với số tiền 42 triệu đồng. Tính đến nay, ông đã miễn giảm tiền trọ hơn 100 triệu đồng cho người thuê.

Người ở trọ nhà ông Đề toàn người nghèo, lúc gặp tai họa bất ngờ thì không biết cầu cứu ở đâu. Thấy vậy, ông Đề lập quỹ “cứu kẹt” giúp người rơi vào thắt ngặt vượt qua khó khăn trước mắt. Từ lúc lập quỹ, nhiều người thuê trọ đã được nhờ cậy. Quỹ giúp chị Châu có tiền về quê nuôi mẹ bệnh, lo lộ phí cho hộ ông An hồi hương, đóng học phí cho 2 sinh viên nghèo, hỗ trợ cho gia đình chị Nguyệt trong lúc chồng bị tai nạn lao động phải nằm một chỗ…

Làm di chúc cho người nghèo trọ miễn phí

Dù làm chủ nhà trọ nhưng ông Đề chỉ có một chiếc ghế xếp làm chỗ ngả lưng. Phía trước nhà, ông bài trí một gian phòng thờ tự trang nghiêm. Trong lòng ông, quê hương, dòng tộc luôn hết mực nặng tình. Mấy ngày qua, nghe quê xa bão lũ trắng trời, ông Đề buồn lắm. Rồi, ông tự dặn lòng phải làm nhiều việc ý nghĩa hơn, giúp được bà con chuyện gì thì cứ mạnh dạn mà thực hiện.

 

Căn phòng của ông Đề chỉ có chiếc ghế xếp, lót thêm tấm nệm để ngả lưng

Dưới mái nhà cấp 4 đơn sơ, ông Đề đọc lại bài thơ đã sáng tác từ lâu. Giọng của ông hào sảng, chất chứa nhiều tâm tư, run run khi câu thơ có “Mạ”.

“Nước lũ về thích thú biết bao nhiêu

Tôi đóng rớ đặt lừ câu cá

Mỗi lần cá đầy, tôi khoe Mạ

Sung sướng ngập tràn có hạnh phúc nào hơn”

Ông nói, hạnh phúc của người nghèo đơn sơ, ít ỏi nhưng khó khăn thì chồng chất. Ông từ quê nghèo mà đi cho nên hiểu được cảnh nghèo. Đủ ăn rồi, ông phải giúp đồng bào, giúp học sinh - sinh viên hiếu học. Còn sức khỏe, ông còn tiếp tục làm, lỡ may ông mất thì đã có di chúc để lại dặn dò chuyện hỗ trợ người nghèo, học sinh - sinh viên.

Ông đưa cho tôi xem 2 bản di chúc mà ông ấp ủ, thuyết phục vợ con ủng hộ trong suốt gần 20 năm. Ông kể: “Năm 2009, tôi đã có ý định làm di chúc dùng ngôi nhà của gia đình cho người nghèo tá túc miễn phí. Thế nhưng, vợ tôi kịch liệt phản đối. Bà ấy nói: “Làm từ thiện là tốt, bởi vì cha mẹ ăn ở có đức thì con cái mặc sức mà ăn. Nhưng mình có con trai, có con gái, có cháu ngoại, có cháu nội thì mình phải tập trung cho chúng”. Tôi nói: “Con trai của mình đã có phần của con trai. Hắn đẻ ra đã thành nhà giàu. Con gái cũng có nhà. Giàu không biết bao nhiêu là đủ, quan trọng là mình biết đủ, mình làm phước để có đức”. Bà ấy nghe tôi nói thì giận dỗi”.

Di chúc do ông Đề thực hiện, đã được chính quyền địa phương xác nhận
Di chúc do ông Đề thực hiện, đã được chính quyền địa phương xác nhận

Bằng sự khéo léo và giỏi vận động, cuối cùng, vợ ông cũng chấp thuận cho ông toại nguyện. Ông lần lượt làm di chúc để lại 2 căn nhà hiện tại để giúp người nghèo. Cụ thể, một căn dùng vào việc từ thiện, cho người già neo đơn và học sinh - sinh viên nghèo ở miễn phí. Một căn trích 40% thu nhập từ tiền cho thuê trọ giá rẻ chăm lo cho công tác khuyến học.

Biết việc ông làm, người dân sống xung quanh đều ngả mũ thán phục. Bà Nguyễn Thị Điềm (70 tuổi, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận) cho biết: “Bác Đề sống rất tốt. Việc nhỏ việc to, bác đều nhiệt tình giúp đỡ. Tôi mới về đây sống, căn nhà bí bách nên xin bác cho trổ cửa sổ, bác gật đầu đồng ý ngay”.

Bà Điềm kể, đợt dịch bệnh bùng phát đầu tiên, thấy người thuê trọ không có việc làm, ông Đề liền miễn giảm tiền, cho cái này cái kia. Sinh viên thiếu tiền đóng tiền học phí, ông cũng lấy quỹ “cứu kẹt” ra hỗ trợ.

 

Em Như Quỳnh cảm thấy thoải mái, yên tâm học tập khi được trọ ở nhà ông Đề

Em Hồ Thị Như Quỳnh, sinh viên trường đại học Công nghiệp 4, họ hàng xa với ông Hồ Đề, chia sẻ: “Quê em ở Huế, em ở trọ chỗ ông được 2 năm. Ông cho ở phòng miễn phí, điện nước miễn phí, rồi ông còn giúp nhiều việc khác. Họ hàng nhiều hộ khó khăn đều được ông gửi quỹ khuyến học giúp đỡ. Phòng trọ nhỏ nhưng mát mẻ, em ở một mình nên thấy rộng lắm. Ông còn cho tủ, cho vật dụng, dạy em học thêm tiếng Anh, vi tính".

Em Nguyễn Thị Phương Anh, sinh viên Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, đến thuê phòng trọ của ông Đề mà không khỏi bất ngờ: “Tiền phòng rẻ hơn những chỗ khác, mà ông còn hướng dẫn em cách rèn luyện học tập, nhà trọ còn có quỹ “cứu kẹt” giúp cho sinh viên đóng học phí". 

Bài và ảnh: Lâm Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI