COVID-19 vô tình "kích hoạt" tinh thần khởi nghiệp của phái đẹp

27/01/2021 - 06:02

PNO - Trong khi đại dịch COVID-19 gây ra hệ lụy nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của con người thì vẫn có nhiều phụ nữ đã nắm bắt cơ hội ngay trong "tâm dịch" để đứng dậy và thành công.

Ngay khi rời giảng đường đại học vào năm 2017, Tamika Scriven đã có ý định một ngày nào đó sẽ khởi nghiệp bằng chính sở thích thời sinh viên của mình: làm và bán tóc giả.

Cô Tamika Scriven, chủ một doanh nghiệp chuyên làm và bán tóc giả, đã tìm được hướng đi ngay trong đại dịch bằng chính niềm đam mê từ hồi sinh viên của mình.
Tamika Scriven, chủ một doanh nghiệp chuyên làm và bán tóc giả, đã tìm được hướng đi ngay trong đại dịch bằng chính niềm đam mê từ hồi sinh viên của mình - Ảnh: Calla Kessler

Khởi nghiệp từ sở thích cá nhân

Ý tưởng này xuất phát từ việc có nhiều khách hàng mỗi khi ghé shop chuyên kinh doanh đồ hóa trang nơi Tamika làm nhân viên bán thời gian đều tỏ ra thích thú với những bộ tóc giả mà cô đang đội, và hỏi  liệu họ có thể mua ở đâu những sản phẩm tương tự. Khi được biết cô tự làm ra chúng, hầu như ai cũng muốn đặt cô một bộ để sử dụng hàng ngày.

“Tôi âm thầm lên kế hoạch ra làm ăn riêng bằng chính sở thích của mình. Bên cạnh đó, tôi rất thích được gặp gỡ và làm cho khách hàng của mình cảm thấy vui vẻ”, Scriven chia sẻ.

Thay vì chịu cảnh bấp bênh với việc làm công ăn lương truyền thống, cô Tamika Scriven tự mình khởi nghiệp với một cơ sở làm ăn của riêng mình.
Thay vì chịu cảnh bấp bênh với việc "làm công ăn lương" truyền thống, Tamika Scriven khởi nghiệp với một cơ sở làm ăn của riêng mình - Ảnh: Calla Kessler

Thế rồi đại dịch COVID-19 ập đến khiến mọi thứ đảo lộn cùng làn sóng thất nghiệp thổi bay công ăn việc làm của hàng triệu người dân Mỹ. Ngay cả mẹ cô với hơn 20 năm làm việc cho duy nhất một công ty cũng chịu cảnh bị sa thải.

“Tôi chứng kiến sự lo lắng đến khủng hoảng của mẹ tôi và nhiều người khác và tự nhủ: Mình không thể để bản thân rơi vào tình cảnh như thế này được. Phải làm cái gì đó mà mình có thể tự quản lý cuộc đời của mình, cả về công việc lẫn sự đảm bảo về thu nhập”.

Vào tháng 4/2020, ngay trong thời điểm sự suy thoái kinh tế kinh khủng nhất trong lịch sử nước Mỹ khiến hơn 1/3 số doanh nghiệp nhỏ rơi vào bờ vực phá sản, Scriven lại “liều lĩnh”  khai trương Allure Wigs -một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng tóc giả theo phương thức “trọn gói từ A-Z”: Khách chỉ việc nêu ý tưởng, mọi việc còn lại sẽ do công ty lo.

Ít ai nghĩ rằng, chỉ từ một sở thích cá nhân, cô Scriven lại có thể kiếm được tiền bằng cách dám đứng lên làm chủ.
Ít ai nghĩ rằng, chỉ từ một sở thích cá nhân, Scriven lại có thể kiếm được tiền bằng cách dám đứng lên làm chủ - Ảnh: Calla Kessler

COVID-19 không ngăn được phụ nữ đứng lên

Cô Scriven không hề là trường hợp cá biệt. Số liệu của Ủy ban Thống kê Mỹ cho thấy, đến giữa tháng 12/2020, có hơn 1,5 triệu hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp lần đầu được nộp lên cơ quan quản lý của Mỹ, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước đó.

Có một điều thú vị là, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ được “trình làng” trong thời điểm khó khăn vì đại dịch lại do phụ nữ làm chủ khiến các nhà kinh tế phải gọi hiện tượng này bằng cụm từ “COVID-19 đã bơm thêm năng lượng cho tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ”.

Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi mạng lưới AllBright với hàng chục ngàn thành viên là phụ nữ làm công việc quản lý trên khắp nước Mỹ cho thấy, cứ 4 thành viên thì có 1 người khởi nghiệp và điều hành cơ sở làm ăn riêng của mình.

“Những con số đã nói lên khao khát được làm chủ và tự lập về kinh tế của phụ nữ”, bà Debbie Wosskow, sáng lập và điều hành mạng lưới phân tích. Dữ liệu của trang chuyên kết nối nhân sự cấp cao LinkedIn cũng cho ra kết quả tương tự.

Phụ nữ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong đại dịch do phải cáng đáng nhiều vai trò cùng một lúc - Ảnh: Tom Werner/Getty Images
Phụ nữ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong đại dịch do phải cáng đáng nhiều vai trò cùng một lúc - Ảnh: Tom Werner/Getty Images

Điều này hoàn toàn trái ngược với suy đoán trước đó của nhiều người khi cho rằng, “đại dịch COVID-19 là thảm họa cho phụ nữ”, giáo sư Debora Spar, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, cho biết. Thực tế cho thấy, phụ nữ đã làm tốt một lúc nhiều vai trò trong suốt thời gian dịch bệnh càn quét mọi lĩnh vực đời sống của con người: Làm việc từ xa, chu toàn việc nhà, chăm sóc và giáo dục con cái, và cả chăm lo bố mẹ già, cùng hàng tá những công việc khó kể tên khác. Một báo cáo gần đây của công ty tư vấn McKinsey tiết lộ rằng, các bà mẹ đã phải làm việc gấp 3 lần so với các ông bố trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

“Không chỉ có vậy, nhiều phụ nữ còn tận dụng thời cơ trong khó khăn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của mình… Trước đó, họ chính là những người bị mất việc làm, không có tiền để chi tiêu cho cái ăn hàng ngày... Và rồi, cũng là họ, can đảm đứng dậy để làm chủ bằng cách tận dụng mọi thế mạnh của mình: làm bánh, dạy học trực tuyến, tư vấn từ xa...”, giáo sư Spar nói.

“Tất nhiên không phải ai cũng thành công. Nhưng rõ ràng, ngày càng có nhiều phụ nữ đã nhìn thấy và nắm bắt cơ hội để kinh doanh ngay trong thời gian khó khăn của dịch bệnh”.

Nhiều phụ nữ bắt nhịp rất nhanh với sự thay đổi của cuộc sống bằng cách thay đổi suy nghĩ truyền thống thành những kế hoạch táo bạo và thực tế hơn - Ảnh:
Nhiều phụ nữ bắt nhịp rất nhanh với sự thay đổi của cuộc sống bằng cách thay đổi suy nghĩ truyền thống thành những kế hoạch táo bạo và thực tế hơn - Ảnh: The Conversation

Khả năng thích nghi giúp phụ nữ vượt qua thách thức

Sau vài năm làm huấn luyện viên môn Zumba trong các trung tâm thể hình, Martha Palacios từng có ý định dồn hết vốn liếng để mở phòng tập gym riêng. Thế nhưng, kế hoạch của cô đã bị dập tắt, bởi sự tấn công của COVID-19 khiến mọi phòng tập thể hình đều rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. “Cái khó ló cái khôn”, cô cùng chồng ngay lập tức chuyển phòng tập của mình “lên mây” bằng các khóa luyện tập môn Zumba theo hình thức trực tuyến.

“Buổi tối khi đăng tải thông tin khóa học đầu tiên lên mạng xã hội, thậm chí tôi còn chả dám mong là sẽ có ai đó quan tâm”, Palacios nhớ lại. “Thế nhưng sáng hôm sau thức dậy, tôi không dám tin vào mắt mình: hơn 100 người nộp đơn đăng ký học. Tôi đã bật khóc vì vui sướng”.

Công việc làm ăn cứ tiến triển từng ngày khiến cô luôn bận bịu với các buổi live stream hướng dẫn mọi người tập luyện, đi kèm với tiền bạc cứ đổ vào tài khoản một cách đều đặn.

“Nếu không có các biến cố lớn như đại dịch lần này, những phụ nữ có tố chất kinh doanh như cô Martha sẽ không có cơ hội để bộc lộ tiềm năng của mình và để tỏa sáng”, giáo sư Spar từ Trường Kinh doanh Harvard, và cũng là khách hàng thường xuyên của các khóa tập Zumba trực tuyến, bình luận.

Từ những nữ nhân viên văn phòng với 8 tiếng vàng ngọc nơi công sở, 2 bà mẹ bỉm sữa Asya Geller, left, co-founded Werkzy with Talia Friedman, right - Ảnh: Alexandra Blair Photography; RIGHT: Photo by Larissa Block
Từ những nữ nhân viên văn phòng với 8 tiếng vàng ngọc nơi công sở, 2 bà mẹ "bỉm sữa" Asya Geller (trái) và Talia Friedman (phải) đã bắt tay nhau sáng lập và quản lý trang web việc làm dành riêng cho phụ nữ - Ảnh: Alexandra Blair, Larissa Block

Đối với các bà mẹ bỉm sữa như cô Asya Geller và Talia Friedman thì khả năng linh hoạt về giờ giấc lại chính là điều kiện quan trọng thúc đẩy họ trở thành những “quý bà khởi nghiệp”.

Sau hơn 10 năm làm việc cho công ty đấu giá lớn nhất thế giới Sotheby (Mỹ), cả 2 đã quyết định “dứt áo ra đi” vào đầu năm 2020 khi công ty có sự xáo trộn về chiến lược kinh doanh lẫn cơ chế quản lý do ảnh hưởng của COVID-19.

Sau hơn 2 tháng chịu đựng stress với cảnh “ăn không ngồi rồi” do không thể kiếm được việc làm khác trong thời điểm mọi công ty đều đang lao đao vì dịch bệnh, cũng như thấm thía với cảnh từng chồng hóa đơn phải thanh toán cứ dày lên mỗi tháng trong khi tiền bạc dành dụm cứ vơi dần đi trong tài khoản ngân hàng, Geller và Friedman chợt nảy ra suy nghĩ: có hàng ngàn phụ nữ đang vật lộn với hoàn cảnh như mình, trong khi cũng có hàng trăm cơ sở kinh doanh và công ty cần người làm việc bán thời gian nhưng lại không thể tuyển được nhân công phù hợp.

Từ ý tưởng trên, 2 người phụ nữ này đã bắt tay xây dựng một nền tảng trực tuyến giúp kết nối người tìm việc với doanh nghiệp cần người. Và chỉ trong tháng đầu tiên ra mắt, họ đã giới thiệu thành công cho 50 phụ nữ có được công việc bán thời gian phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của từng người.

“Một khởi đầu đầy hứa hẹn”, Geller nói, và cho biết, ngày càng nhiều công ty tìm đến trang web của họ để tìm kiếm nhân công thời vụ.

Càng trong khó khăn thì tinh thần khởi nghiệp và vượt qua nghịch cảnh của phụ nữ càng được kích hoạt mạnh mẽ - Ảnh: triplepundit
Càng trong khó khăn thì tinh thần khởi nghiệp và vượt qua nghịch cảnh của phụ nữ càng được "kích hoạt" mạnh mẽ - Ảnh: Triplep Undit

Phái đẹp không hề là "phái yếu" trên thương trường

Những tấm gương kể trên là minh chứng cho tinh thần không chịu lùi bước trong nghịch cảnh của giới nữ vốn bị xem là “phái yếu” trên thương trường. Có tới 47% doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ quản lý nói rằng, họ vẫn “sống tốt ngay cả trong những thời điểm đại dịch tấn công dữ dội nhất”, trích báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ hồi tháng 8/2020.

Và mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp do đàn ông quản lý vẫn cao hơn với 62% thì điều đó không có nghĩa là tinh thần khởi nghiệp của “phái đẹp” trong những thời điểm khó khăn như dịch bệnh bị giảm đi.

“So với 4% doanh nghiệp được quản lý bởi phụ nữ hồi năm 1972 thì sự trỗi dậy của phụ nữ trên thương trường hiện nay cho thấy, họ không còn là những chiếc bóng của đàn ông trong việc kiếm tiền”, cô Bridgette Taylor vừa hoàn thành chương trình Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Kinh doanh Harvard nêu ý kiến.

“Và đại dịch lần này đã và đang làm thay đổi các quan niệm truyền thống về khả năng của người phụ nữ, vốn không còn phù hợp với bối cảnh cuộc sống có quá nhiều rủi ro như hiện nay”.

Nguyễn Thuận (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI