COVID-19 và nỗi lo về những triệu chứng kéo dài

02/10/2021 - 06:00

PNO - Khi COVID-19 lan rộng khắp thế giới, gây nhiều nguy hiểm hơn vì biến chủng, các nhà khoa học ngày càng tìm thấy nhiều bằng chứng về việc SARS-CoV-2 tác động xấu đến tế bào của bệnh nhân, tạo ra những triệu chứng kéo dài và bệnh lý mạn tính.

Gần 5% trẻ em phát triển các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Tỷ lệ này vào khoảng  1/3 trên tổng số bệnh nhân COVID-19 nói chung - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Gần 5% trẻ em phát triển các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Tỷ lệ này vào khoảng 1/3 trên tổng số bệnh nhân COVID-19 nói chung - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Các triệu chứng kéo dài

Các nhà nghiên cứu tại Anh đã thống kê những triệu chứng ở hơn 270.000 bệnh nhân COVID-19 đang hồi phục và nhận thấy các triệu chứng kéo dài ảnh hưởng đến khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân. Một trong những nhà nghiên cứu - tiến sĩ Max Taquet từ Viện Nghiên cứu sức khỏe Anh - cho biết triệu chứng kéo dài ảnh hưởng đến một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.

Kết quả nghiên cứu chưa thể giải thích nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng hoặc thời gian hồi phục, nhưng nhìn chung, triệu chứng của COVID-19 lâu dài hơn bệnh cúm thông thường. Số triệu chứng mà mọi người trải qua rất đa dạng, người lớn tuổi và nam giới có nhiều khả năng bị khó thở và gặp vấn đề về nhận thức, trong khi những người trẻ tuổi và phụ nữ cho biết họ bị đau đầu, đau ở bụng, lo lắng và trầm cảm nhiều hơn.

Nhóm tác giả nhấn mạnh rằng mặc dù số lượng các trường hợp thể hiện triệu chứng kéo dài cao hơn ở người già và những người bị bệnh nặng, nhưng điều đáng chú ý là những người bị bệnh nhẹ, trẻ em và thanh niên cũng trải qua COVID-19 “kéo dài”. Dữ liệu kèm theo cho thấy có tới 46% trẻ em và thanh niên trong độ tuổi từ 10 - 22 đã trải qua ít nhất một triệu chứng trong vòng sáu tháng kể từ khi hồi phục.

COVID-19 có thể biến đổi chức năng tế bào

Phát hiện mới công bố tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội châu Âu về Nghiên cứu bệnh tiểu đường cho thấy, khi SARS-CoV-2 lây nhiễm vào các tế bào, nó không chỉ làm suy giảm hoạt động mà còn có thể thay đổi chức năng của tế bào. Để đi đến kết luận trên, giáo sư Shuibing Chen và các đồng sự tại Trường Weill Cornell Medicine ở New York (Mỹ) đã sàng lọc các tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nhằm xác định loại nào có thể bị COVID-19 tấn công.

Kết quả cho thấy các tế bào ở phổi, ruột kết, tim, gan và tuyến tụy đều có thể bị nhiễm bệnh, cũng như các tế bào não sản xuất dopamine. Giáo sư Chen giải thích: “Ngoài suy hô hấp, nhiều người mắc COVID-19 còn có các biến chứng lâm sàng đa cơ quan, bao gồm dị tật tim, tổn thương thận, chức năng gan bất thường, biểu hiện thần kinh và một số sai biệt về chuyển hóa”.

Thí nghiệm sâu hơn cho thấy rằng các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy cũng nhạy cảm với COVID-19, khi nhiễm bệnh, các tế bào này sản xuất ít insulin hơn. Nhóm tác giả quan sát thấy hiện tượng diễn ra tương tự ở một số người mắc bệnh tiểu đường loại 2. 

Trong khi đó, nghiên cứu của giáo sư Francesco Dotta tại Đại học Siena ở Ý và các đồng nghiệp xác nhận rằng, COVID-19 tấn công các tế bào tuyến tụy bằng cách nhắm mục tiêu vào protein enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) trên bề mặt tế bào. Họ cũng chứng minh rằng số ACE2 tăng lên trong điều kiện viêm, tức những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn chức năng tuyến tụy cao hơn nếu họ mắc COVID-19.

Vào tháng 8/2021, một nghiên cứu quy mô lớn điều tra những thay đổi ở não của bệnh nhân COVID-19 đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong cộng đồng khoa học thần kinh. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu hình ảnh não và sau đó đưa những người được chẩn đoán mắc COVID-19 trở lại để quét não bổ sung, cuối cùng họ đã tìm thấy sự khác biệt rõ rệt về chất xám giữa những người đã bị và không bị nhiễm COVID-19.

Cụ thể, độ dày mô chất xám ở các vùng não thùy trán và thùy thái dương giảm ở nhóm nhiễm COVID-19. Đáng chú ý, những người chỉ trải qua triệu chứng COVID-19 nhẹ cũng có sự suy giảm chất xám, không khác những người bị bệnh nặng. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu điều tra những thay đổi về hiệu suất trong các nhiệm vụ nhận thức và phát hiện ra rằng, một số người từng mắc COVID-19 xử lý thông tin chậm hơn so với những người không mắc bệnh. 

Như vậy, ngay cả khi bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc không tiến triển bệnh phổi “nặng”, điều đó không có nghĩa là bệnh nhân sẽ không bị nhiễm trùng đa cơ quan. 

 Tấn Vĩ (theo CNN, Scientific American, Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI