COVID-19: Trả giá đắt từ những định hướng sai lầm

14/07/2020 - 14:48

PNO - Xem nhẹ mức độ nguy hiểm của đại dịch, nới lỏng các biện pháp hạn chế nhanh chóng khiến Brazil, Mỹ và Ấn Độ gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Sáng 14/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lần đầu cảnh báo thẳng thắn: “Hãy để tôi nói thẳng, quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng, virus corona vẫn là kẻ thù công khai số một. Nếu các biện pháp cơ bản không được tuân theo, đại dịch sẽ ngày càng tồi tệ và tồi tệ hơn.”

Lời trần tình của người lãnh đạo WHO cùng số liệu cập nhật, tăng hơn 1 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 5 ngày qua là bằng chứng cứng rắn và xác thực nhất cho thấy chỉ cần một định hướng lệch lạc của các nước giữa việc chọn lựa chọn kinh tế hay sự an toàn của người dân đã khiến dịch bệnh vượt tầm kiểm soát.

Nam Mỹ trở thành tâm dịch COVID-19 nguy hiểm trên thế giới hiện nay.
Nam Mỹ trở thành tâm dịch COVID-19 nguy hiểm trên thế giới

Brazil: Khi “kinh tế” cướp đi mạng sống của hơn 72.000 người

Từ ít chịu ảnh hưởng khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Brazil phải trả giá cực đắt, hiện là quốc gia nguy hiểm thứ 2 thế giới với hơn 72.000 người chết và gần 1,9 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 chỉ vì xem thường dịch bệnh.

Với mong muốn nhanh chóng khôi phục kinh tế, Tổng thống Jair Bolsonaro liên tục đưa ra chính sách trái chiều trước các khuyến cáo. Tính đến thời điểm hiện tại, ông là vị tổng thống duy nhất từng trực tiếp tham gia các cuộc tuần hành phản đối lệnh phong tỏa do thống đốc các bang đưa ra, thẳng tay sa thải Bộ trưởng Y tế vì bất đồng quan điểm.

Mặc ý kiến phản đối của đại đa số người dân, yêu cầu áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa trước sự tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh nhưng Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn kiên định với chính sách của mình. Ngay cả khi dương tính virus corona, ông Jair Bolsonaro vẫn tiếp tục kêu gọi các thống đốc và thị trưởng nối lại các hoạt động giao thương, và thường xuyên xuất hiện trước công chúng mà không đeo khẩu trang trong ngày 10/7.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, những quyết định trên của Tổng thống Brazil chỉ dẫn đến một làn sóng lây nhiễm thứ 2 và lệnh phong tỏa chặt chẽ hơn trong tương lai. Mọi người sẽ không thể hoặc không muốn tham gia vào các hoạt động kinh tế khi họ bị bệnh và sợ lây nhiễm.

Mỹ: Dỡ bỏ lệnh phong tỏa sớm thổi bay thành quả chống dịch

Với hơn 3,3 triệu ca nhiễm, gần 136.000 người chết, Mỹ đã trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới. Rất nhiều chuyên gia bày tỏ sự tiếc nuối giá như chính phủ Mỹ quyết liệt hơn, thẩm định chặt chẽ các ý kiến từ nhiều nhà chuyên môn về y tế trước khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch thì hậu quả sẽ không trầm trọng đến vậy.

Giai đoạn đầu dịch bệnh lây lan mạnh đã đẩy số ca nhiễm ở Hoa Kỳ nhanh chóng vượt mặt Trung Quốc (tâm điểm bùng phát dịch COVID-19). Khi số ca nhiễm mới dần ổn định trong tháng 5, từ 10.000-20.000 trường hợp/ngày thì việc tái mở cửa nền kinh tế đã thổi bay những cố gắng trước đó của Hoa Kỳ.

Trong những ngày qua, Mỹ liên tục ghi nhận số ca nhiễm virus tăng kỷ lục trên 60.000 ca nhiễm, nhất là ở 4 tiểu bang: California, Florida, Arizona và Texas. Theo Reuters, tại 40 bang khác số bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 cũng đang tăng nhanh trong hai tuần gần đây. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục các chính sách đẩy mạnh mở cửa kinh tế.

Số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tiếp tục tăng nhanh.
Số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tiếp tục tăng nhanh

Ấn Độ: Nới lỏng hạn chế dù số ca nhiễm tăng kỷ lục

Dù tổng số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 không ngừng tăng mạnh, Ấn Độ vẫn giảm bớt các biện pháp phong tỏa để khởi động lại nền kinh tế. Đáng chú ý, quyết định mạo hiểm này của chính phủ khiến các điểm nóng dịch COVID-19 đang dần dịch chuyển sang các bang phía nam và hai thành phố phát triển công nghệ trọng điểm Bengaluru và Hyderabad.

Tái khởi động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bất chấp tìm cách thu hút hàng triệu công nhân, những người gần như nổi loạn, chạy trốn khỏi các biện pháp hạn chế của chính phủ, đã kích hoạt tốc độ lây lan nhanh của virus corona.

Thậm chí, Ấn Độ còn tái mở cửa đền Taj Mahal, địa điểm du lịch nổi tiếng, cho phép tiếp đón 5.000 lượt khách du lịch mỗi ngày. Dẫu yêu cầu du khách phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn vẫn không thể loại trừ nguy cơ lây nhiễm cao.

Hiện, Ấn Độ ghi nhận hơn 23.000 người chết và 900.000 ca nhiễm, là quốc gia nguy hiểm thứ 3 trên thế giới trong đại dịch lần này.

Minh Hương (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI