COVID-19: Những chiếc bóng tài hoa đã đi qua…

02/04/2020 - 07:00

PNO - Không có điều gì là vô nghĩa cả, với cái chết thì càng không. Nó buộc ta nghĩ ngợi không ngừng về thân phận con người, về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Danh sách cáo phó về những con người tài hoa nhất còn sót lại của thế kỷ đang nối dài ra mỗi ngày. COVID-19 không còn là một phép thử cho bất kỳ điều gì nữa; nó đang trở thành nỗi khiếp sợ khi chúng ta nhắc về số phận con người, cách chúng ta đối xử với chúng ta. Kính tiễn những bậc tài hoa về bên kia thế giới, chúng ta sẽ còn nhắc về đại dịch này, như một sự ám ảnh lớn nhất của thế kỷ XXI.

Không ai miễn dịch với COVID-19 

Ngày hôm qua, Laura Merrill - con gái của huyền thoại nhạc rock Alan Merrill - người vừa qua đời ngày 29/3 ở tuổi 69 vì COVID-19 - đã dùng hai chữ “ác mộng” để nói về cái chết của cha mình trên trang cá nhân: “Cuối cùng, tôi cũng ngủ thiếp đi để rồi thức dậy trong cơn ác mộng này. Tôi rất biết ơn khi nhận được tất cả những lời chia buồn sâu sắc… Nhưng tôi chỉ muốn cha tôi trở lại”. Cô nói, thế giới xung quanh trở nên mờ mịt hơn rất nhiều khi không còn “ánh sáng” của ông.

huyền thoại nhạc rock Alan Merrill - người vừa qua đời ngày 29/3 ở tuổi 69 vì COVID-19
Huyền thoại nhạc rock Alan Merrill - người vừa qua đời ngày 29/3 ở tuổi 69 vì COVID-19

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, ông sẽ không được tưởng nhớ với một đám tang đúng nghĩa. “Tôi vừa đánh mất tình yêu lớn nhất của đời mình, và sẽ không thể nhận được chiếc ôm chia sẻ từ những người thân thiết, vì tôi phải tự cách ly trong hai tuần”, Laura Merrill nói thêm. 

Vào ngày COVID-19 “cướp” mất cha mình, cô chỉ có hai phút để nói lời tạm biệt với ông trước khi buộc phải rời đi. Lúc đó, nhìn Alan Merrill có vẻ nhẹ nhõm; và con gái ông vẫn có một tia hy vọng rằng, ông sẽ không xuất hiện trên bản tin của hãng tin CNN hay Fox… Nhưng rồi, điều đó đã trở thành sự thật. 

Cho đến lúc này, khi nghe lại ca khúc Bridge to the moon (Chiếc cầu tới mặt trăng) của cha mình, cô vẫn không tin điều đó là sự thật: “Tại sao điều này có thể xảy ra? Tôi vừa mới tham dự concert của ông ấy chỉ một vài tuần trước cơ mà? Tôi còn có cả bức ảnh chụp chân dung của ông ấy cho album mới nhất. Tôi còn nhắn tin với ông cách đây không lâu”…

Qua sự mất mát của bản thân, Laura Merrill cũng gửi lời cảnh báo: “Tôi xin bạn hãy nghiêm túc với điều này. Mọi người đang chết dần vì con vi-rút ấy. Bạn không nghĩ rằng, điều đó sẽ xảy ra với bạn hoặc gia đình của bạn; thế nhưng, nó đã diễn ra, bằng một cách nào đó. Hãy ở nhà, không chỉ vì bạn, mà còn cả cho những người khác… Xin hãy giữ an toàn. Không ai miễn dịch với COVID-19; đó là điều có thật”.

Từng có bốn năm cộng tác chung với nhau, rocker Meat Loaf nhớ lại I Love Rock ‘N’ Roll - một trong những ca khúc kinh điển của kho tàng âm nhạc thế giới được viết bởi Alan và gửi lời cầu nguyện tới người bạn của mình. Ông chia sẻ, ông đã không giữ liên lạc với Alan nhiều năm qua, và điều đó khiến ông cảm thấy khá tồi tệ. “Đây là một bài học cho tất cả chúng ta: hãy cố gắng giữ liên lạc với những người mà bạn thực sự yêu thương và quan tâm. Cuộc sống rất ngắn ngủi”, Meat Loaf nhắn gửi.

Khoảng trống… cho những gì còn lại

Nhưng cơn “ác mộng” sau cái chết của huyền thoại Alan Merrill không phải duy nhất. Và lịch sử thế giới sẽ phải chứng kiến thêm nhiều cơn mất ngủ khác nữa, khi mỗi ngày, chúng ta mở mắt ra, “bóng ma” dịch bệnh bao trùm đời sống, những cuộc tiễn đưa trong đau đớn và âm thầm, số ca nhiễm mới, số ca tử vong “nhảy múa” liên tục, chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Cùng ngày mất với Alan Merrill, còn có sự ra đi của huyền thoại nhạc đồng quê người Mỹ Joe Diffie, công chúa Maria Teresa của Tây Ban Nha - người được biết đến với những quan điểm tiến bộ về xã hội học và quyền phụ nữ, “vua hài” nổi tiếng nhất Nhật Bản Ken Shimura… Tới hết ngày 31/3, trên thế giới, đã có khoảng 800.000 ca nhiễm bệnh, gần 40.000 ca tử vong. Trong số đó, có không ít “ngôi sao” đã chết vì COVID-19. Đến nỗi tờ The New York Times, phải mở một mục có tên gọi là “Those we’ve lost” (Những người mà chúng ta đã mất), cập nhật tin tức về những người nổi tiếng đã qua đời vì COVID-19.  

Nhiều người tài hoa đã qua đời vì COVID-19
Nhiều người tài hoa đã qua đời vì COVID-19

Tin mới nhất, ngày 31/3, nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ William Helmreich cũng phải “đầu hàng” con vi-rút ấy. Trước đó, vi-rút chủng mới đã “cướp” đi sinh mạng của hàng loạt tên tuổi của giới nghệ thuật: hai huyền thoại khổng lồ của châu Phi Manu Dibango và Aurlus Mabele, nhà biên kịch nổi tiếng người Mỹ Terrence McNally, nam diễn viên gạo cội Mark Blum, Michael Sorkin - kiến trúc sư người Mỹ - đồng thời là nhà phê bình, nhà quy hoạch đô thị tiên phong nhất, Vittorio Gregotti - “kiến trúc sư hiện đại cuối cùng của Venice”, nữ diễn viên người Ý Lucia Bosè, nhà thiết kế thời trang người Dominican Jenny Polanco… 

Và biết bao con người tài hoa trong bóng tối khác, những người chưa kịp, chưa được cả thế giới nhớ tên, nhưng sự tồn tại của họ đã trở thành tài sản nhân văn của đất nước họ, không phân biệt màu da, tôn giáo, lãnh thổ. Mỗi ngày sống đều là một ngày ý nghĩa; cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời, trước khi bị vi-rút giày vò, họ vẫn sống, lao động và cống hiến, góp phần quan trọng vào việc tạo lập bộ khung di sản văn hóa, nghệ thuật và xã hội của nhân loại. 

Và nếu định nghĩa “tài hoa” không giới hạn trong địa hạt nghệ thuật; mà rộng hơn, tài hoa như cách sống, ý hướng sống, đại diện cho những tài năng, tiếng nói nhân văn, yêu cái đẹp, lẽ phải và con người; hẳn bác sĩ Lý Văn Lượng (Trung Quốc) - người đầu tiên cảnh báo về COVID-19, bác sĩ Jean-Jacques Razafindranazy (Pháp) - dù đã nghỉ hưu vẫn tham gia chống dịch… hay những nhân viên y tế khác đã qua đời vì nhiễm bệnh, cũng là một kiểu tài hoa sẽ được ghi nhớ. 

Câu chuyện cuối cùng

Đã có bao nhiêu người ra đi trong mùa dịch này? Họ là ai, đến từ đâu, họ nổi tiếng hay vô danh? Khi họ bị bệnh, họ có được chăm sóc y tế đầy đủ hay trải qua “miễn dịch cộng đồng”? Lúc lâm chung, có ai bên cạnh? Khi qua đời, ai đã tiễn đưa họ về thế giới bên kia? Người thân, nhân viên y tế, hay tài xế xe đông lạnh chở thi thể bệnh nhân chết vì vi-rút?…  

Những số liệu, những câu chuyện dù được nhắc đến hay không, được nhớ hay không, thì mai này, đều trở thành sử liệu về thời chúng ta đang sống. Chúng diễn dịch, và như “phát lộ” cho chúng ta thấy những câu chuyện khác về chính chúng ta. Không có điều gì là vô nghĩa cả, với cái chết thì càng không. Nó buộc ta nghĩ ngợi không ngừng về thân phận con người, về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Trong đoạn kết tiểu thuyết Dịch hạch, Camus viết rằng: “Và chắc hẳn là, khi anh nghe thấy tiếng la khóc của niềm hân hoan ngân lên từ thị trấn, Rieux nhớ ra rằng niềm hân hoan đó luôn bị đẩy vào tình thế hiểm nghèo. Anh biết rằng những đám đông vui mừng đó không biết, nhưng có thể học được từ sách vở: đó là những khuẩn bệnh dịch không bao giờ chết hoặc biến mất mãi mãi; rằng nó có thể nằm bất động hàng năm trời trong đồ nội thất và những chiếc rương vải lanh; rằng nó đợi thời cơ của mình trong những phòng ngủ, trần nhà, trong những chiếc thùng, trong giá sách; và có thể khi ngày đó sẽ đến, cho tai ương và sự khai sáng của loài người, nó có thể làm thức tỉnh những con chuột thêm một lần nữa và đẩy chúng chết ở những thành phố hạnh phúc”.

Vậy thì, câu chuyện sau cùng mà những con người tài hoa ấy để lại trước khi vi-rút tàn phá cơ thể họ, có lẽ, không phải là thành tựu hay sự nghiệp của họ; cũng không phải là sự tiếc thương vô hạn của những người thân yêu, mà chính là câu chuyện nhân văn, câu chuyện về thân phận con người, sự đối đãi giữa con người với nhau.

Hơn cả một phép thử, hơn cả một khoảng trống, là đôi mắt đang nhìn dõi theo chúng ta. 

Đậu Dung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI