COVID-19 khiến người dân Ấn Độ đói càng thêm đói

05/08/2020 - 13:30

PNO - Nhiều người Ấn Độ đang phải đối mặt với sự lựa chọn khá tàn khốc, hoặc bất chấp dịch bệnh để ra ngoài làm việc, kiếm ăn, hoặc ngồi ở nhà và nhìn kho lương thực vơi dần qua từng ngày.

Ấn Độ là một trong những quốc gia sản xuất lương thực lớn nhất thế giới. Trớ trêu thay, đây cũng là quốc gia có lượng người đói lớn nhất thế giới, 1/3 trẻ em suy dinh dưỡng của toàn thế giới. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn. Người nghèo đói ở Ấn Độ đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn bao giờ hết.

Người lao động nhập cư và gia đình của họ phản đối
Người lao động nhập cư và gia đình của họ ở Maharastra kêu gào vì thiếu lương thực trong dịch bệnh

Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu nông nghiệp đạt 100 tỷ USD vào năm 2025, khai thác thị trường mới ở Mỹ La tinh và châu Đại Dương. Quốc gia này đã mong đợi thu hoạch được 295,7 triệu tấn nông sản trong năm nay. Đến tháng 3,  dịch bệnh bùng phát đã làm rung chuyển đất nước, tình hình thay đổi hoàn toàn.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp ước tính gần 40% thực phẩm được sản xuất ở Ấn Độ bị mất hoặc lãng phí hàng năm do chuỗi cung ứng không hiệu quả. Việc thiếu các thiết bị làm mát, lưu trữ ở Ấn Độ cũng khiến 20% thực phẩm bị mất trước khi đưa ra thị trường.

Dịch bệnh càng khuếch đại các lổ hổng này. Nó đã phá vỡ chuỗi cung ứng ở địa phương, quốc gia và khu vực, thêm vào tác động từ việc hao mòn do bảo quản không tốt.

Những hộ trồng lương thực, rau củ với quy mô vừa, nhỏ phải chấp nhận bán tháo, nếu có thể bán. Những container chứa hành tây, rau củ đã bắt đầu mục rữa do nhu cầu từ các dịch vụ ăn uống giảm mạnh trong đại dịch. Việc phong toả đất nước khiến thiếu hụt lao động thu hoạch lúa mì hồi tháng Tư vừa qua, khiến sản lượng bị ảnh hưởng.

Nhập khẩu thực phẩm cũng bị ảnh hưởng do dịch bởi một phần cảng và đường bộ đã bị đóng cửa.

Tình trạng mất việc làm, thu nhập ít ỏi cộng với an ninh lương thực bị ảnh hưởng đã khiến vấn đề an ninh dinh dưỡng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt trong nhóm dễ bị tổn thương. Gần 38.000 trại cứu trợ đang cung cấp bữa ăn cơ bản cho 16 triệu người mỗi ngày ở Ấn Độ trong đại dịch này.

Người lao động nhập cư và người vô gia cư xếp hàng chờ nhận thức ăn miễn phí trong thời gian đất nước phong toả để ngăn chặn dịch bệnh
Người lao động nhập cư và người vô gia cư xếp hàng chờ nhận thức ăn miễn phí trong thời gian đất nước phong toả để ngăn chặn dịch bệnh

Trong khi đó, tại các bang chuyên sản xuất khoai tây như: Uttar Pradesh, Tây Bengal thì nhu cầu gia tăng từ người lao động nhập cư đã khiến giá bán sỉ tăng 9% và giá bán lẻ tăng 11%. Điều này cũng đặt thêm gánh nặng lên vai người dân trong thời buổi thắt lưng buộc bụng. Đặc biệt khi dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến thu nhập của họ.

Nhiều người đứng trước sự lựa chọn tàn khốc: bất chấp dịch bệnh, virus để làm việc hoặc ở nhà đảm bảo an toàn sức khoẻ nhưng nhìn kho lương thực vơi đi mỗi ngày.

Một số sáng kiến ​​đã được đưa ra, thực hiện nhằm tạm thời làm giảm bớt tình hình căng thẳng.

Ở Mumbai, Hunger Collective mới được thành lập - đây là một phong trào hợp tác để giúp mọi người đảm bảo các nhu cầu cơ bản trong cuộc khủng hoảng thông qua việc phân phối khẩu phần cho những người có nhu cầu.

Các tổ chức như: Impactree, CI Metric và EDUCO đã hợp tác để giúp đỡ những người lao động nhập cư bị mắc kẹt ở Mumbai. Các nhóm này sẽ gửi thông tin của họ cho các tổ chức phi chính phủ để phân phối thực phẩm trong cộng đồng nơi có những người lao động này.

Tập thể này cũng đã tặng thiết bị, trang phục bảo vệ cá nhân, cho nhân viên y tế, đồng thời gây quỹ để đảm bảo việc đi tàu an toàn đến bang Tamil Nadu, sau khi 7.000 công nhân nhập cư bị mắc kẹt ở bang Maharashtra.

Tuy nhiên, phạm vi huy động xã hội dân sự này không thể cung cấp một mạng lưới an toàn cho 60 đến 80 triệu công nhân di cư giữa các bang. Điều này đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn, từ chính phủ.

Thuỳ Anh (theo Channel News Asia)           

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI