Con trai chống đối 'tập sau' của mẹ

24/06/2017 - 10:24

PNO - Chúng tôi nói với cháu việc sẽ kết hôn, cháu ừ à cho qua chuyện rồi thôi. Thế nhưng, ngày cưới của chúng tôi thì cháu bỏ đi đâu không rõ từ sớm, điện thoại tắt máy.

Sau khi vợ chồng tôi ly hôn, con trai sống với tôi, năm nay 14 tuổi. Tôi thương con thiếu thốn một mái ấm đầy đủ nên gắng sức bù đắp cho con mọi thứ. Cháu ít nói nhưng rất thương mẹ. Hai tháng trước tôi tái hôn. Trong thời gian chúng tôi tìm hiểu, người chồng sau đã cố gắng thiết lập quan hệ với con tôi và cháu cũng tỏ ra quý mến anh ấy.

Con trai chong doi 'tap sau' cua me

Chúng tôi nói với cháu việc sẽ kết hôn, cháu bình thản, ừ à cho qua chuyện rồi thôi. Thế nhưng, ngày cưới của chúng tôi thì cháu bỏ đi đâu không rõ từ sớm, điện thoại tắt máy. Tôi tìm kiếm khắp nơi mới biết cháu về nhà nội, không dự đám cưới của mẹ.

Đã hai tháng trôi qua nhưng cháu vẫn tránh mặt chồng sau của tôi, không ăn chung mâm, không nói chuyện. Hôm qua, tôi vừa mở lời với cháu về chuyện này thì cháu chỉ buông một câu: “Mẹ nói nữa là con về ở với bố”. Bố cháu cũng đã lập gia đình mới rồi. Tôi phải làm thế nào để cháu không phản ứng nữa?

Anh Thùy
(Q.Tân Phú, TP.HCM)

Chị Anh Thùy mến, 

Thái độ của con trai chị cho thấy cháu hiện đang gặp khó khăn tinh thần, cần có thời gian để chấp nhận sự thay đổi lớn trong gia đình. Sau biến cố cha mẹ chia tay, hai mẹ con chia sẻ cuộc sống chung trong cảnh thiếu thốn một mái ấm đủ đầy và giờ là đám cưới của mẹ.

Con người muốn thích nghi với mọi sự thay đổi cần có thời gian và sự nỗ lực của bản thân, sự đồng hành của người thân xung quanh. Và có lẽ, không chỉ cháu mà chính bản thân chị cũng cần thời gian để thích nghi với cuộc sống mới, khi phải trải qua nhiều thay đổi, trong đó có cả việc con trai thay đổi cách ứng xử. Dù tốt hay xấu chúng ta cũng phải chấp nhận những thay đổi, tìm cách sống tốt hơn trong điều kiện mới. 

Chị đã làm đúng khi trong thời gian anh chị tìm hiểu, chị đã cố gắng thiết lập quan hệ giữa người chồng sau và con trai. Chị nhận xét, cháu cũng tỏ ra quý mến anh. Khi chị thông báo hai người sẽ cưới nhau cháu chỉ ừ à, tỏ ra bình thản. Thật ra, lúc này có lẽ cháu chưa sẵn sàng nhưng không phản ứng hoặc không biết nên phản ứng thế nào, đành ừ à, im lặng cho qua.

Thời điểm đó, nếu chị nhạy bén trao đổi nhiều hơn với cháu để tìm hiểu rõ suy nghĩ, cảm xúc của cháu, giúp cháu hiểu và thông cảm hơn với quyết định của chị, có thể cả ba người sẽ dễ chấp nhận nhau hơn.

Do suy nghĩ chưa thông suốt, cháu đã có phản ứng là bỏ đi trong ngày cưới, và đã hai tháng qua vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với anh trong tư cách cha dượng. Chị cần cố gắng gần gũi thêm để chia sẻ những cảm xúc phức tạp của con trai, bởi cháu đang tuổi dậy thì; lứa tuổi dễ xúc động, dễ tổn thương và dễ trở chứng. 

Lúc này, chị nên tôn trọng tâm trạng của cháu, cháu còn chưa muốn nói chuyện thì cứ tạm để cháu yên, đợi khi nào tâm trạng ổn định lại, cháu sẽ có dấu hiệu cho chị biết là cháu đã sẵn sàng đối thoại. Anh chị hãy xem như cháu đã chấp nhận thực tế là có thêm cha dượng đang sống cùng hai mẹ con. Cháu chịu quay về sống chung với anh chị cũng là dấu hiệu cho thấy cháu đã ngầm chấp nhận hoàn cảnh rồi; chỉ là chưa sẵn sàng thích nghi nên còn có sự cách biệt, khó mở lời với mọi người.

Cháu cần có thời gian sinh hoạt chung, ăn uống, làm việc cùng anh chị để tự hòa nhập dần. Quá trình này ngắn hay dài tùy thuộc vào tính cách của cháu và thái độ của anh chị. Anh chị cần ứng xử bình thường, không ép cháu phải coi anh là cha ngay, đừng khó chịu mà cần thông cảm với những chống đối của cháu.

Nếu có thể, chị cố gắng tạo cơ hội cho hai cha con giúp đỡ lẫn nhau. Tình cảm yêu thương và sự độ lượng của anh với cháu là rất quan trọng. Đồng thời, anh cần hết sức kiên nhẫn. Có những người cha dượng/mẹ kế mất hàng năm trời để chinh phục con riêng của vợ/chồng mình. Anh chị đừng vội nản lòng. Chúc anh chị sớm tìm thấy hạnh phúc cùng cháu.

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ:
tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI