Con gái thì đã sao?

08/03/2013 - 16:26

PNO - PN - Thư chị viết, chị đã sinh đến đứa thứ ba rồi, không thể cố vào đâu được nữa. Sinh toàn con gái, chị lo lắng trước mỗi cơn trầm tư, mỗi đêm mất ngủ của chồng.

Canh cánh bên lòng cái ý nghĩ “hay anh ấy đang đi tìm ai đó để kiếm con trai”, chị nhìn đâu cũng ra hiểm nguy rình rập. Tưởng như mỗi góc phố anh đi về, mỗi ngày anh đến sở làm, đều có sẵn một cô chân dài hoặc chưa dài nào đó, xinh đẹp hay chưa xinh đẹp nào đó đứng chờ sẵn, sẽ nhảy xổ ra giữa đường trước mặt anh, hớn hở bày ra với anh một cậu bé bụ bẫm, rồi anh sẽ bị người ta dắt tay đi mất theo niềm say mê khao khát ấy. Ôi con trai! Sao ông trời không thương chị? Nhà anh ba đời “độc đinh”, mẹ anh cũng khổ sở vì sinh bốn bà chị rồi mới đến anh, cậu út. Tuy nhiên được như mẹ anh cũng còn đỡ! Đến đó thì bà thỏa mãn để dồn sức chăm bẵm cho anh. Còn chị, 43 tuổi rồi, sinh nở giờ bao nhiêu rủi ro rình rập, nói dại, nhỡ sinh ra con bị làm sao thì…

Con gai thi da sao?

Một lá thư khác gửi Hạnh Dung kể một hoàn cảnh bấp bênh đẫm nước mắt. Áp lực có con trai nặng nề đến nỗi chị phải chọn một giải pháp chẳng ai có thể ngờ được. Anh chị đã sinh con thứ ba rồi, đã chịu kỷ luật của cơ quan rồi, nhưng vẫn là con gái. Để không ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh, chị phải nộp đơn ly hôn. Ly hôn rồi, chị sinh con sẽ không ảnh hưởng đến công tác của anh nữa. Nhiều hôm cầm tờ quyết định ly hôn, chị khóc: xin anh đừng bỏ mấy mẹ con em... Kỳ này, lỡ mà chị sinh thêm một “con vịt trời” nữa, biết đâu ly hôn giả sẽ thành thật chứ chẳng chơi...

Nghe đâu có bản dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm... đối với người sinh toàn con gái...”. Vậy là nỗi khổ dân gian đã được luật hóa. Nhưng nghĩ kỹ, làm sao mà phạt được, bởi cái lời trêu chọc ấy đa phần xuất phát từ bạn bè, người thân; cái mặc cảm “ngồi chiếu dưới”, “xây nhà tình nghĩa”, “nuôi vịt trời” nó âm ỉ trong lòng, ai cũng tìm cách giấu mà lúc này lúc khác, nó vẫn lộ ra.

Nhưng, nghĩ cho cùng, con gái thì đã sao?

Hàng trăm lý do thuyết phục đã được nói ra rồi: “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, con gái đỡ đần cha mẹ, chăm lo em út, hiếu thảo, nâng giấc tỉ mỉ miếng cơm miếng nước cho cha mẹ già khi đau yếu. Con gái lấy chồng rồi vẫn chăm lo cha mẹ, sống tình cảm, không như con trai hoặc nghe lời vợ hoặc vô tư đểnh đoảng đâu ngoài đường ngoài ngõ… Cứ xét từ đời mình mà ra, nhiều anh nhiều chị cũng gật đầu công nhận cha mẹ nhờ cậy được con gái nhiều hơn là con trai. Nhưng rồi cái mong ước có con trai nối dõi tông đường vẫn ám ảnh, vẫn khiến người ta phải tính toán, nhiều khi nhẫn tâm đến mức bỏ thai khi biết đó là con gái.

Con gai thi da sao?

Chỉ kêu gọi không thôi, chỉ thưởng tiền cho những gia đình yên bề con gái không thôi, chưa đủ. Điều cần thiết là phải có những đứa con gái thật giá trị, giá trị hơn hẳn, trong việc làm rạng rỡ mẹ cha, vinh danh dòng họ bằng chính tên tuổi của mình, trong việc hiếu thảo, trong việc chăm lo gia đình và chu toàn công việc ngoài xã hội. Những đứa con gái ấy sẽ làm thay đổi dần nhận thức “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Mà muốn có những đứa con gái ấy, thì cả cha mẹ, gia đình, xã hội phải chăm lo, nuôi dạy. Xã hội có chính sách, gia đình có sự trân trọng, nâng niu. Thay vì mong đợi, tính toán, dồn hết tâm trí cho một đứa bé trai chưa có mặt trên đời, mà biết đâu rồi sẽ chỉ mang lại thất vọng, hãy yêu quý nâng niu những đứa con mình đang có. Sự trưởng thành, học giỏi, ngoan ngoãn, thương cha thương mẹ của những đứa con gái sẽ là một minh chứng thực tế và đầy sức thuyết phục để trả lời câu hỏi: con gái thì đã sao?

Điều mà chị em mình chủ động làm được ngay, đó là đừng quá chiều theo những mong ước vô lý của các ông chồng. Chị em hãy góp phần làm yên lòng chồng bằng chính sự “vượng phu ích tử” của mình. Ngay chính nỗi lo lắng của chị em cũng đã là một dấu hiệu chứng tỏ sự bất an trong gia đình, đã làm cho những đứa con gái trong gia đình cảm thấy mình có mặt trên đời không theo mong đợi của mẹ cha. Đó là mặc cảm đầu tiên, nền tảng cho những mặc cảm tiếp theo sẽ dày lên cùng năm tháng, dẫn tới một thế hệ phụ nữ tiếp theo cũng sẽ tiếp tục mong đợi những đứa bé trai. Dấu hằn của vòng luẩn quẩn trọng nam khinh nữ chỉ nhạt dần đi nếu mỗi thế hệ góp một phần công sức để xóa bớt những cách biệt. Hãy bắt đầu ngay từ chính thế giới bên trong của mỗi người đàn bà.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI