Cô gái trẻ định nhắm mắt lấy chồng để có tiền chữa bệnh

13/01/2021 - 16:15

PNO - Hoàn cảnh túng quẫn, lại mắc bệnh ung thư, cùng đường, cô gái lên Facebook vay tiền, mong có cơ hội chữa bệnh.

Những ngày cuối năm, khi mọi nhà rục rịch kế hoạch sắm sửa hay sum họp gia đình, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Hoài (thôn Cầu Đá, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) và đứa em trai chỉ ru rú góc bếp.

Hai đứa trẻ không cha

Nhà nghèo, mẹ đơn thân nuôi hai con, bà già yếu, lại thêm người bác gái không tỉnh táo, những tưởng Hoài lớn lên sẽ đi làm giúp mẹ gánh vác gia đình, thì tin cô mắc bệnh ung thư phần mềm cẳng tay trái ấp đến.

Ít ai ngờ rằng, cô gái trẻ trung nhanh nhẹn thế này đang phải đối diện với nguy cơ tháo khớp cẳng tay (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ít ai ngờ rằng, cô gái trẻ trung nhanh nhẹn đang phải đối diện với nguy cơ tháo khớp cẳng tay (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cuộc đời của Hoài là chuỗi ngày buồn không biết chia sẻ cùng ai. Hai chị em cô đều ra đời vì ý chí của mẹ và không được cha thừa nhận. Hoài kể rằng, mẹ cô từng một lần đò, nhưng hôn nhân sớm kết thúc vì người chồng suốt ngày chìm trong rượu. Người đàn bà ấy về nhà mẹ đẻ, nơi có căn nhà cấp 4 đã xập xệ với người chị nửa tỉnh nửa mê. Khao khát được nghe tiếng “mẹ ơi” là lý do để bà mang thai Hoài và rồi cô bé xinh xắn ấy có mặt trong cuộc đời này.

Ở vùng quê nghèo tỉnh Tuyên Quang, lời ra tiếng vào về một đứa trẻ không cha khiến mẹ con Hoài chỉ quanh quẩn trong nhà. Tuổi thơ của em là nghe những lời thì thào của xóm làng: “Bố mày là ông ấy đấy. Gọi bố đi, biết đâu ông cho mày kẹo”.

Nghe thì nghe thế thôi, Hoài chẳng dám gọi, vì người đàn ông ấy có gia đình, vì ông cũng chẳng có biểu hiện tình cảm gì với Hoài.

Hoài ngồi cùng mẹ và bà ngoại đã 94 tuổi (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hoài ngồi cùng mẹ và bà ngoại 94 tuổi trong căn nhà rách (Ảnh nhân vật cung cấp)

Năm Hoài 9 tuổi, mẹ sinh thêm em bé. Hoài ghét mẹ và ghét cả em, vì hàng xóm cứ chỉ trỏ vào mẹ và em bé mà bàn tán, chê trách. Ngày ấy, Hoài ghét mẹ bao nhiêu thì giờ cô càng thương mẹ bấy nhiêu. Vì muốn Hoài "có chị có em", mẹ đã mang thai, vượt cạn một mình.

Lên mạng vay tiền đi chữa bệnh

Tháng 7/2019, khi vừa rời ghế nhà trường đi làm công nhân, cô gái 20 tuổi Thu Hoài phát hiện có khối u ở cổ tay trái. Mẹ em đắp đủ các loại lá, nhưng chỉ khiến tay Hoài sưng to, chứ không đỡ. Vay được 1 triệu đồng, Hoài nhờ bạn chở sang Vĩnh Phúc để kiểm tra.

Câu đầu tiên của Hoài với bác sĩ là: “Hết nhiều tiền không ạ?”. Sau khi được chỉ định chụp phim, xét nghiệm, bác sĩ kết luận “bị viêm xương, nên nằm lại điều trị”,  nhưng Hoài xin về nhà, vì biết rằng “gà trong chuồng còn được 5 con, lúa chưa vào mùa gặt”.

Những viên thuốc giảm đau và bài thuốc nam mẹ kiếm không khiến các cơn đau nhức ở cổ tay Hoài thuyên giảm. Hoài nghĩ đến ung thư xương khi thấy người bạn có triệu chứng tương tự đã phải tháo khớp.

Không có ai đi viện cùng, một mình Hoài tự xoay xở với những cơn đau mổ và xạ trị (Ảnh nhân vật cung cấp)
Không có ai đi bệnh viện cùng, một mình Hoài xoay xở với những cơn đau mổ và xạ trị (Ảnh nhân vật cung cấp)

Xin mẹ xuống Hà Nội để sinh thiết và xét nghiệm lần nữa cho chắc chắn, Hoài nhận được tiếng thở dài: “Con ơi, mẹ lấy đâu ra tiền” rồi mẹ khóc. Mẹ khóc trước, con khóc sau. Cứ tưởng tượng mình đang lành lặn mà thành què cụt, Hoài lấy can đảm tự đăng lên Facebook cá nhân dòng cầu cứu: “Ai có tiền cho em vay lãi để đi khám bệnh”.

Không lâu khi Hoài viết status, có một người phụ nữ đã nhắn tin riêng cho cô với nội dung: “Chị có người em trai thần kinh không được bình thường, nếu em đồng ý làm em dâu chị, mọi chi phí khám chữa bệnh của em, chị sẽ lo hết”.

Đọc xong, Hoài sợ, nhưng lại phân vân: “Nhà mình không có tiền, đằng nào rồi cũng chết, hay là nhắm mắt làm liều”.

Khi Hoài định nhắn tin nhận lời, thì cũng là lúc mẹ cô xoay xở xóm làng và mượn được trong quỹ tín dụng 10 triệu đồng. Nhìn nắm tiền được mẹ gói ba tầng bảy lớp, mắt Hoài chảy nước mắt. Cô cùng mẹ bắt xe buýt  xuống Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (số 30 Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội).

Lần đầu xuống phố, mẹ con Hoài bị lừa mất 4 triệu, chỉ còn 6 triệu trong tay, 2 mẹ con sốc khi bác sĩ chỉ định “phải mổ”. Càng choáng váng hơn sau khi mổ, Hoài nghe bác sĩ nói với nhau: “Phải xạ trị”.

Đau bệnh không đáng sợ bằng cảm giác cô đơn

Đã hơn một năm nay, khu xạ trị  Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã trở thành ngôi nhà bất đắc dĩ thứ 2 của cô gái Tuyên Quang. Tổng cộng Hoài đã mổ 2 lần, xạ trị 25 lần. Sự mệt mỏi rã rời sau mỗi lần xạ trị không khiến Hoài sợ bằng cảm giác cô đơn.

Mẹ chỉ ở cùng cô 7 ngày sau mỗi lần phẫu thuật. Phần vì ở nhà còn bà ngoại 94 tuổi đã mờ một bên mắt, phần nhà còn có bác gái không bình thường và còn em trai 11 tuổi cần chăm sóc. 

Mẹ về, một mình Hoài xoay xở. Xạ trị xong phải kiêng nước, Hoài mang găng tay để tự giặt giũ. Cách ngày, cô lại đi bộ từ phòng trọ đến khu chờ xạ trị, hóa chất vào, người mệt rã rời, nhưng cô vẫn cố lê từng bước, vì sợ tốn tiền xe ôm.

Từ một cô gái 47 kilôgam, Hoài xuống còn 41 kilôgam. Mỗi lần về Hà Nội, mẹ "xoay" được 500 ngàn đồng đưa Hoài. Tiền đi đò qua sông đã hết 6 ngàn, tiền đi xe khách hết 200 ngàn. Một tuần đi xạ trị với Hoài chỉ còn lại 304 ngàn, bao gồm tiền trọ và tiền ăn.

Càng bệnh tật, cô đơn, Hoài càng thèm có một người cha, thèm một lần gọi thật to 2 tiếng “bố ơi”, để được tựa vào vai bố mà nói: “Con mệt quá”.

Đứa em trai là người bạn duy nhất luôn chơi cùng Hoài trong căn nhà xập xệ (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đứa em trai là người bạn duy nhất luôn chơi cùng Hoài trong căn nhà xập xệ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hoài không muốn đi mua cơm vào giờ đông khách, cô thường đợi quán vãn mới tới mua. Bởi mua lúc đó người ta vừa vét thêm cho được tí thức ăn cho đậm miệng.

Bác sĩ Trần Đức Thanh (Khoa ngoại tổng hợp 2, bệnh viện K. cơ sở Tân Triều) cho biết: "Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hoài bị u xơ xâm lấn, đã phẫu thuật cắt u tại khoa và đã xạ trị hậu phẫu. Đây là loại u phần mềm có tính chất xâm lấn cơ, xương mạnh và dễ tái phát nên đang trong quá trình theo dõi sát sau điều trị".

Hiện tại sức khỏe của Hoài đã tạm ổn, ra tết cô mới đi tái khám như chỉ định. Vào ra với những việc nhà cũng chán, nhưng bà ngoại không cho Hoài đi chơi. 

Mẹ Hoài nghe người ta rỉ tai: “Phải giấu bệnh của nó đi, kẻo không thằng con trai nào dám rước” và thế là bà làm theo. Biết mẹ lo cho mình, Hoài vừa giận vừa thương, bởi cả đời, mẹ Hoài chỉ biết 5 sào ruộng, 2 đứa con cùng với những lời dị nghị nên bà mong mỏi con gái có một tấm chồng.

Hai mươi tuổi, phía trước của Hoài còn rộng mở, cô luôn khao khát có một mái ấm gia đình (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hai mươi tuổi, phía trước của Hoài còn rộng mở, cô luôn khao khát có một mái ấm gia đình (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hoài không giấu bệnh tật của mình. Hoài nói: “Chia sẻ với mọi người về bản thân là cách em thêm niềm vui đồng cảm". Hoài cũng ao ước có một người đàn ông yêu thương và hiểu cho hoàn cảnh của cô. Cô gái trẻ hay cười, bởi cô luôn tin những điều may mắn, tốt đẹp đang chờ mình phía trước.

Lâm Hoàng

                                                          

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI